An toàn thực phẩm (ATTP) luôn là nỗi lo của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Vì đây là thời điểm mua sắm rộ nhất và hàng hóa cũng được bày bán với nhiều chủng loại. Hiện các ngành chức năng đang tăng cường kiểm tra, quản lý vấn đề này nhằm ngăn chặn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nỗi lo thực phẩm bẩn
Theo Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, những ngày trước, trong và sau tết, hàng hóa trên thị trường có thể tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm gia tăng sản xuất, nhập khẩu hàng hóa. Và đây cũng là thời điểm giao mùa, nhiệt độ ấm lên sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng thực phẩm. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì ngộ độc thực phẩm có nguy cơ diễn biến phức tạp.
Bà Ngô Thị Thanh Mai ở khu phố Ngô Quyền, phường 5, TP Tuy Hòa, cho biết: Những ngày cuối năm, người dân đổ xô mua thịt, cá, rau củ quả, hay bánh kẹo, đồ uống chế biến sẵn. Dù biết là tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xảy ra ngày càng nhiều nhưng ai cũng tranh nhau mua mà ít để ý đến thực phẩm có đảm bảo chất lượng hay không, cứ thấy ngon, đẹp mắt là mua. Do vậy, vấn đề ATTP phụ thuộc vào người bán và lực lượng chức năng. Theo ông Nguyễn Thái Hải, tiểu thương chợ Tuy Hòa, thực phẩm không đạt chất lượng, không bảo quản tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng nên chúng tôi cố gắng nhập hàng hóa có nguồn gốc để bán. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất khó để kiểm soát vấn đề này. Hàng hóa chất lượng hay không còn do nhà cung cấp, phân phối.
Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, năm 2017, công tác đảm bảo ATTP có chuyển biến tích cực nhưng tình trạng thực phẩm nhiễm vi sinh vật, hóa chất, độc tố… còn diễn biến phức tạp. Với thực phẩm tươi thì việc tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm vẫn còn trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà ngành chức năng chưa kiểm soát hoàn toàn được. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến còn diễn ra. Trong khi đó, người sản xuất, kinh doanh, sử dụng chưa nhận thức đầy đủ về ATTP và trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Công tác quản lý, kiểm tra ở cơ sở thiếu chặt chẽ, chưa thật sự nghiêm, chậm xử lý vi phạm. Trong năm, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại gia đình với 12 người bị ngộ đôc, rất may là không có người tử vong.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Tân Hiệp (TP Tuy Hòa) - Ảnh: KHANG ANH |
Vào cuộc kiểm tra, xử lý
Nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm, tăng cường phòng chống ngộ độc; bảo đảm sức khỏe người sử dụng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong dịp tết, mới đây, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn. Theo đó, tuyến tỉnh có 3 đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế, Sở Công thương và Sở NN-PTNT làm trưởng đoàn và kiểm tra ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cấp tỉnh quản lý. Ngoài ra, UBND các huyện chỉ đạo Ban chỉ đạo liên ngành ATTP huyện, xã, phường, thị trấn lập kế hoạch kiểm tra tại địa phương; cụ thể là kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố để chấn chỉnh kịp thời và xử lý vi phạm. Các lực lượng cũng kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; tập trung vào các nhóm thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt... và kể cả sản phẩm làng nghề.
Theo bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, thực hiện công tác quản lý, kiểm tra ATTP cuối năm, Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương, hội đoàn thể tiến hành kiểm tra ATTP vào các thời điểm trước, trong và sau tết; đồng thời tuyên truyền để các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng quy định, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; ngăn chặn, phòng ngừa cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng, quá hạn sử dụng và dùng nguyên liệu không bảo đảm an toàn… Trong đó, các đoàn cấp tỉnh sẽ thanh, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như cơ sở sản xuất có quy mô lớn, siêu thị, cơ sở nhập khẩu. Đối với các cơ sở vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do các đoàn liên ngành cấp huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn thực hiện.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Cuối năm, nhiều loại hàng hóa được bày bán, nhưng để ngăn chặn tình trạng tiểu thương, cơ sở chế biến, phân phối “tuồn” thực phẩm bẩn ra thị trường, sở đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra ATTP trong sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thuộc ngành quản lý. Chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương, Ban quản lý chợ triển khai nhiều giải pháp tránh để xảy ra các vấn đề liên quan đến ATTP. Năm 2018, sở sẽ phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tiếp tục đào tạo, cấp giấy chứng nhận cho tiểu thương.
UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Theo chỉ thị, yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ các quy định đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn, địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn. Tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong dịp tết (thịt, giò chả, thủy sản, rau, củ, quả các loại...) để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để người dân được biết, tránh sử dụng.
Đồng thời tổ chức tiếp nhận, xử lý và thông tin kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm xảy ra tại địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm và các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
(PYP) |
KHANG ANH