Thứ Tư, 27/11/2024 16:40 CH
Kinh tế hợp tác xã khó phát triển vì thiếu vốn
Thứ Sáu, 07/12/2007 14:00 CH

Từ khi chuyển sang mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới, nhiều HTX nông nghiệp đã thay đổi cung cách làm ăn từ mô hình kinh tế thuần nông sang kết hợp kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế của các HTX còn chậm mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn đầu tư.

 

LẤY CỦA NHÀ “NUÔI” HTX

 

071207-may-tre-la.jpg

Các hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thu hút nhiều lao động. - Ảnh: P.V

Theo số liệu thống kê từ Liên minh HTX Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 153 HTX. Chiếm 2/3 số đó là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và hầu hết đều rất cần vốn để đầu tư phát triển. Ngoài nhu cầu mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, nhiều HTX còn cần vốn để thực hiện dự án phát triển chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp. Khi xây dựng dự án, các HTX đều nhắm tới mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho xã viên. Nhưng, khi bắt tay vào thực hiện dự án mới thấy khó khăn chồng chất. Ông Võ Mười, Phó Chủ nhiệm HTX Hòa Xuân Tây 2 (huyện Đông Hòa), cho biết: “Tình trạng thiếu vốn đã diễn ra nhiều năm nay mà không thể nào khắc phục được. HTX đang cần vốn để mua sắm phương tiện sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, đầu tư kiên cố hóa kênh mương ở xứ Đồng Mọi và Đồng Khôn, nhằm mở rộng diện tích và ổn định nước tưới. Khó khăn là chúng tôi không thể vay vốn ngân hàng vì tất cả tài sản của HTX như sân phơi, trụ sở làm việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Thế là mọi kế hoạch làm ăn của HTX đành phải gác lại mà không biết khi nào thực hiện được”.

 

Không chỉ có HTX nông nghiệp hoạt động cầm chừng vì thiếu vốn, mà ngay cả những HTX phi nông nghiệp cũng nằm trong tình trạng này. Ông Lê Đình Thu, Chủ nhiệm HTX chế biến nước mắm Hương Quê (Sông Cầu), cho biết: HTX xây dựng dự án chế biến nước mắm kết hợp với sơ chế sản phẩm từ cây dừa. Khi đem dự án đi thẩm định để vay vốn thì bị ngân hàng kết luận “dự án không khả thi” và yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, HTX mới thành lập chưa được một năm, trụ sở làm việc còn chưa có, lấy đâu ra tài sản(!) Ban chủ nhiệm phải lấy giấy chủ quyền đất của nhà mình ra thế chấp đề nghị vay 100 triệu đồng, nhưng chỉ được giải quyết 40 triệu đồng. Cuối cùng, HTX phải “vét túi” xã viên, huy động thêm được 20 triệu đồng để xoay xở. Số tiền này chỉ vừa đủ chi phí cho việc xây dựng nhà xưởng, mua thiết bị và thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu nước mắm. Còn vốn lưu động và những chi phí cho tiếp thị, quảng bá sản phẩm thì HTX… bó tay!

 

Trường hợp của hai HTX Hòa Xuân Tây 2 và Hương Quê cũng là tình cảnh chung của nhiều HTX trên địa bàn Phú Yên hiện nay. Phó Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên Nguyễn Ngọc Căn nhận xét: “Thiếu vốn dẫn đến thiếu các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả là căn bệnh trầm kha của nhiều HTX. Trong khi đó, khu vực kinh tế này lại đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp. Trong tổng số 153 HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, chỉ có 45% số HTX làm ăn đạt hiệu quả, số còn lại gặp khó khăn, chậm phát triển”

 

071207-dt.jpg
Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Ninh Tây (Tuy An) nhận hàng mây tre lá giải quyết việc làm cho xã viên - Ảnh: LY KHA

 

CÁC HTX RẤT CẦN ĐƯỢC HỖ TRỢ

 

Theo Liên minh HTX Phú Yên, ngoài số vốn điều lệ mang tính “tượng trưng” ra, các HTX hầu như không có tài sản gì. Có HTX trụ sở làm việc ọp ẹp, thiếu từ sân phơi, máy móc đến phương tiện sản xuất…

 

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, mấy năm gần đây, Nhà nước quan tâm phát triển mô hình kinh tế tập thể và đã có một số văn bản pháp lý quy định về việc khuyến khích phát triển HTX. Cụ thể nhất là Nghị định 88/2005/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX. Theo nghị định này, các HTX có nhu cầu vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh thực hiện các hoạt động dịch vụ phát triển kinh tế và đời sống xã viên thì được các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn và áp dụng hình thức bảo đảm tiền vay phù hợp với loại hình kinh tế HTX… Ngoài ra, các HTX còn được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX… “Cho đến nay chưa có HTX nông nghiệp nào được giải quyết cho vay vốn mà không phải thế chấp tài sản. Còn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh thì đang trong giai đoạn trình UBND tỉnh phê duyệt”  - ông Nguyễn Ngọc Căn cho biết.

 

Ngay cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một điều kiện thuận lợi để các HTX dễ dàng tiếp cận với nguồn vay vốn của các tổ chức tín dụng, cũng chưa HTX nào có được. Hiện nay, trong điều kiện khó khăn về vốn, một số ban chủ nhiệm các HTX tự đứng ra thế chấp tài sản của mình để vay vốn ngân hàng. Đây chưa phải là giải pháp tốt vì nếu kinh doanh thuận lợi thì không nói gì, trường hợp thua lỗ thì mọi việc sẽ trở nên phức tạp. Phó Chủ nhiệm HTX Hòa Xuân Tây 2 Võ Mười đề nghị: “Để tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả cần xúc tiến thành lập quỹ hỗ trợ HTX, ưu tiên cho các HTX nông nghiệp vay từ 200 triệu – 400 triệu đồng với lãi suất ưu đãi khi thực hiện dự án phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận chủ quyền sử dụng đất cho HTX để có tài sản thế chấp khi cần vay vốn ngân hàng”.

 

NGUYỄN QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek