Trong cuộc họp đánh giá về tình hình lũ chồng lên lũ ở các tỉnh miền Trung được Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức mới đây, Cục Quản lý đê điều nhận định: Một trong những nguyên nhân của tình trạng ngập lụt vùng hạ du các tỉnh miền Trung là các hồ chứa nước trong khu vực không làm được chức năng cắt lũ. Khi lũ về, các hồ chứa không những không cắt lũ mà còn làm tăng thêm đỉnh lũ, gây khó khăn cho vùng hạ du.
Mỗi khi hồ thủy điện Sông Hinh xả lũ, vùng hạ du Phú Yên có nguy cơ ngập lụt – Ảnh: D.T.X
Vì sợ thiếu nước, ngay khi đầu mùa mưa, các hồ chứa bắt đầu tích nước, đến khi lũ về thì hồ đã đầy. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là trước khi lũ về, các hồ chứa phải đảm bảo đủ một khoảng trống theo quy định để cắt lũ cho vùng hạ du. Không dự báo được lũ về hồ là nguyên nhân dẫn đến sự bị động này. Thực tế cho thấy, việc dự báo lũ về các hồ chứa có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt công tác này thì hồ chứa nước sẽ phát huy tác dụng cắt lũ, giảm bớt khó khăn cho hạ du cũng như cung cấp nước cho sản xuất và dân sinh ở hạ nguồn trong mùa kiệt.
Trong chuyến công tác của đoàn cán bộ Bộ Tài nguyên - Môi trường tại tỉnh Phú Yên gần đây, các nhà khoa học, nhà quản lý ở Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường Việt Nam, Vụ Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên - Môi trường và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Phú Yên đều cho rằng: Việc điều tiết xả lũ ở các hồ chứa trong thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa có một quy chế phối hợp thật sự chặt chẽ và mang tính khoa học. Tiến sĩ Vũ Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường Việt
Thực tế trong đợt lũ vừa qua ở Phú Yên cho thấy, chính việc hồ thủy điện Sông Hinh xả lũ ở lưu lượng 2.000m3/giây trong thời điểm mưa lớn 200 đến trên 400mm, đã góp phần nâng cao đỉnh lũ và gây ngập lụt trên diện rộng ở vùng hạ du Phú Yên. Điều làm nhiều người lo ngại là đến năm 2008, ngoài hồ chứa nước Sông Hinh dung tích 137 triệu m3, sắp tới hồ thủy điện sông Ba Hạ lớn nhất, nhì trong nước với 337 triệu m3 và hồ thủy điện Ea Krông Hnăng dung tích khoảng 133 triệu m3 cùng dung tích nước và xả lũ thì hạ du Phú Yên sẽ ra sao? Theo ông Lê Văn Thứng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên, công tác xả lũ ở các hồ chứa trên địa bàn Phú Yên, nhất là lưu vực Sông Ba có hai hạn chế. Thứ nhất là các thông tin về lưu lượng lũ vùng thượng nguồn ngoài tỉnh cập nhật không kịp thời, do đó công tác dự báo hạn chế. Thứ hai là quy chế trong việc điều hành xả lũ cũng chưa hoàn thiện. Đây là vấn đề có nguy cơ tiềm tàng, ảnh hưởng rất lớn đến vùng hạ du. Do vậy, cần thiết phải có quy chế chặt chẽ trong việc điều tiết xả lũ ở các hồ chứa trong mùa mưa, đảm bảo lợi ích hài hoà giữa ngành điện và dân sinh vùng hạ du.
LÊ BIẾT