Thứ Sáu, 04/10/2024 00:20 SA
Quan tâm bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước
Thứ Tư, 05/10/2005 07:00 SA

Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước; song nước cũng có thể gây ra tai họa cho con người và môi trường. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của phần lớn cán bộ, nhân dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong công tác bảo vệ các giá trị của tài nguyên nước chưa cao, hầu hết đều cho rằng nước là tài nguyên vô tận nên trong quá trình khai thác, sử dụng chưa có ý thức tiết kiệm và bảo vệ.

 

Khai thác nguồn nước ngầm tại chỗ để tưới cho cây trồng – Ảnh: NGUYỄN TRƯỞNG

 

Phú Yên có khoảng 50 con sông có chiều dài trên 10km, trong đó có sông dài đến 50km, mật độ sông ngòi tương đối dày, trung bình 0,5km/km2, với các sông chính là sông Ba, sông Kỳ Lộ, sông Bàn Thạch, trong đó sông Ba được xếp là sông lớn thứ 10 cả nước chảy qua địa phận các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Phú Yên. Tổng lượng dòng chảy sông ngòi Phú Yên hàng năm đổ ra biển khoảng 12,49km3 nước, đạt trung bình 15.084m3 nước /người, gấp 1,38 lần mức trung bình toàn quốc, gấp 3,8 lần so với châu Á, gấp 1,97 lần so với thế giới và được xếp là tỉnh giàu về tài nguyên nước. Tuy nhiên, do vị trí tỉnh ta nằm ở sườn đông của dãy Trường Sơn, có đồng bằng trũng liền kề với núi cao, rừng bị tàn phá, mùa mưa hay có những trận mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, kết hợp với địa hình dốc gây ra lũ, lụt hầu hết các vùng dân cư ở hạ lưu. Ngược lạI, trong mùa ít mưa, nắng nhiều, bốc hơi mạnh, khả năng giữ nước của lưu vực kém, sông suối thường cạn kiệt nên tình hình thiếu nước sinh hoạt và sản xuất diễn ra rất nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

 

Trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta rất khả quan, GDP tăng bình quân hàng năm 10,8%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Từ năm 2000 đến năm 2005 tỉ trọng ngành công nghiệp xây dựng trong GDP tăng từ 22,7% lên 30,7%; tỉ trọng nông- lâm- ngư nghiệp giảm từ 44,1% xuống 33,6%; tỉ trọng dịch vụ tăng từ 32,2 lên 35,7%. Qua đó đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội mạnh mẽ gắn liền với việc không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, các tác động toàn diện của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, CNH - HĐH đã vừa có ý nghĩa tích cực vừa có ý nghĩa tiêu cực đối với tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng.

 

Trước hết, do ảnh hưởng của sự tăng dân số (732.007 người năm 1995 lên 849.026 người năm 2004) làm tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tăng tần suất sản xuất để đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống, qua đó đã làm tăng đáng kể việc sử dụng nước từ nhu cầu sinh hoạt, lao động sản xuất và thu hẹp diện tích rừng xuống dưới mức che phủ an toàn, mặc dù công tác quản lý, bảo vệ, phát triển vốn rừng được tăng cường, huy động được nhiều nguồn lực tham gia nhưng cũng mới nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh từ 31% (năm 2001) lên 36% (2005), trong khi mật độ che phủ an toàn của rừng là phải 45%.

 

Thời gian qua, tỉnh ta cũng đã quan tâm đầu tư nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, sinh hoạt đô thị, phục vụ công nghiệp, xây dựng nhiều công trình thủy lợi, hồ chứa nước phục vụ cho phát triển thuỷ điện, nông nghiệp và sinh hoạt... Tuy nhiên do các hoạt động phát triển công nghiệp, nông nghiệp với nhiều ngành kinh tế có nhu cầu sử dụng nước rất lớn và tập trung như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, nuôi trồng thủy sản và quá trình đô thị hoá khá nhanh làm cho nhu cầu khai thác nước tại một số nơi tăng đột biến, vượt quá lượng cung cấp, làm giảm khả năng dẫn nước và trữ nước, các hồ nước bị bồi lắng và khô cạn do thiếu nguồn nước cung cấp, nhiều phần sông suối cạn kiệt cả nước mặt lẫn nước ngầm, việc thải chất thải bừa bãi vào các thuỷ vực từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt... đã và đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến môi trường tự nhiên nói chung và môi trường nước nói riêng.

 

Các hoạt động khai thác tài nguyên nước quá mức, các hoạt động phát triển tự phát, không theo quy hoạch, việc giảm diện tích rừng do tăng diện tích đất sản xuất và nạn khai thác rừng trái phép đã góp phần làm biến đổi khí hậu, làm giảm khả năng giữ nước của đất, tăng các nguy cơ xảy ra thiên tai như lũ lụt vào mùa mưa, hạn hán kéo dài trong mùa khô, làm tăng mức độ nhiễm mặn, nhiễm bẩn các nguồn nước và suy giảm trữ lượng các nguồn nước, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống của con người.

 

Thời gian qua sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đối với vấn đề này chưa kịp thời, Luật Tai nguyeân nôùc ra đời từ năm 1999 nhưng các văn bản dưới luật Luật chỉ mới được Bộ TN&MT cơ bản hoàn thiện trong năm 2005 làm cho công tác quản lý tài nguyên nước thời gian qua bị phân tán, chồng chéo, hiệu quả quản lý không cao, gây lãng phí nguồn lực của đất nước và trong một số trường hợp đã làm mất hiệu lực quản lý nhà nước. 

 

 Khan hiếm nước và ô nhiễm các nguồn nước là mối đe doạ rất nghiêm trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người trong tương lai. Do vậy, để từng bước khắc phục tình hình trên, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, mọi tổ chức kinh tế và cá nhân trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, Sở Tài nguyên và Môi trường mong muốn các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở thực hiện tốt các quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, đặc biệt là công tác cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước để góp phần bảo vệ tài nguyên quý giá này.

PHAN XUÂN PHỔ (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek