Thứ Hai, 30/09/2024 00:36 SA
Nghề nuôi cá lồng An Hải:
Bao giờ được khôi phục?
Chủ Nhật, 02/12/2007 14:00 CH

Cuộc sống người dân ở hai thôn Tân Qui và Xuân Hòa (xã An Hải, Tuy An) đang bị điêu đứng bởi những lồng cá mú, cá hồng, vẹm vòm xanh... sắp… tới kỳ thu hoạch bị  tan hoang vì lũ lụt. Nguồn thu không còn, nguồn vốn tái đầu tư cho vụ mới cũng “không cánh mà bay”. Do vậy, tuy  sắp  vào vụ  mới nhưng xem ra tình hình nuôi cá lồng nơi đây vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

 

071201-AN-HAI4.jpg

Người dân thôn Tân Qui cố vớt vát những gì còn sót lại sau lũ - Ảnh: XUÂN HUY

 

TRẮNG TAY VÌ...  NƯỚC LŨ!

 

Gặp chúng tôi ở cửa đầm Ô Loan, lão ngư Lê Phước Hải, 70 tuổi, trú tại thôn Tân Qui (An Hải, Tuy An) nói như mếu: “Hơn 4 lồng với khoảng 4 tạ cá mú, cá hồng của tôi đã bị “hà bá” nhấn chìm hoàn toàn trong trận lũ vừa qua. Tính thiệt hại sơ sơ cũng đã gần 40 triệu đồng, mà phần nhiều trong đó là tiền vay ngân hàng”. Nhìn những lồng cá dập dềnh theo con nước, hầu hết là những lồng trống, chỉ toàn bùn và xương cá ai cũng ngậm ngùi và xót xa vì số cá này đều  được người dân thả nuôi từ ngày 20/2 với mục đích chờ sắp tết sẽ thu hoạch. Thế nhưng, mọi tính toán của họ đều không thành khi liên tiếp có những đợt mưa lũ kéo dài từ tháng 10 đến tháng 11.

 

Lũ lên nhanh, lượng nước ngọt tràn về quá lớn, ngâm nhiều ngày khiến cá bị “sốc” nước  mà chết. 50 hộ làm nghề nuôi cá lồng ở hai thôn Tân Qui và Xuân Hòa bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 500 triệu đồng. Điều đáng nói là từ lâu, các hộ dân này đều xem nuôi cá hồng, cá mú là nghề chính.

 

Do vậy, khi nghề chính không còn, họ chỉ còn cách là bám bờ đánh giã cào hay  đi chấn, đan lưới… Những khoản  thu nhập ít ỏi hằng ngày từ những nghề này chỉ giúp họ đắp đổi được phần nào miếng ăn trong cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Vui, người thôn Tân Qui, đang đi chấn đêm cho biết: “Thời tiết này có cho vàng nhiều người cũng chẳng dám ra khơi, nhưng chẳng lẽ ngồi nhà chịu đói? Vậy là phải bất chấp nguy hiểm họ lội ra giữa dòng, chỗ nước chảy xiết mới mong bắt được cá tôm. Mà cũng đâu có nhiều nhặng gì, mỗi đêm như vậy chỉ kiếm  được vài ngàn, đủ mua ký gạo, nửa lít nước mắm”…

 

Dân vạn chài trong thôn đều biết nghề này nguy hiểm, nhưng vì miếng cơm manh áo họ chấp nhận đối mặt với rủi ro. Bà Lê Thị Thim, 66 tuổi, người cùng thôn với anh Vui, vốn hay đau yếu nhưng phải cố gượng dậy, nhận đan lưới nhằm đỡ đần cho gia đình 7 miệng ăn đang ngập đầu vì nợ. Anh Ngô Văn Phương, thôn Xuân Hòa, bị sập nhà do lũ, phải sống nhờ nhà mẹ vợ. Chạy vạy được 70 triệu đồng, anh Phương đầu tư vào vụ cá vừa qua. Khi lũ ập về bất ngờ, anh chỉ biết khóc, bất lực nhìn toàn bộ vốn liếng của mình trôi theo nước…

 

KHÔI PHỤC NGHỀ CÁ, BAO GIỜ?

 

Tuy lũ lụt đã qua hơn một tháng nhưng đến nay, nghề nuôi cá lồng ở An Hải vẫn chưa có dấu hiệu nào của sự hồi phục. Ngay  thời điểm này, hầu hết các hộ dân nơi đây vẫn chưa mua cá giống, thức ăn, lồng lưới, thuốc xử lý lồng nuôi… chuẩn bị cho  vụ nuôi mới. Ông Lê Văn Sáu, người dân thôn Tân Qui,  bộc bạch: “Để gầy lại cơ bản như lúc trước, mỗi hộ nuôi đầu tư chí ít cũng phải trên 20 triệu đồng. Cái khó là hiện nay lấy đâu ra vốn để làm lại từ đầu. Vậy nên đành phải chờ động thái tích cực từ phía ngân hàng”. Có lẽ các hộ dân  ở đây sẽ phải mất nhiều thời gian hơn bởi môi trường nuôi cá đang bị ô nhiễm nặng, không đảm bảo hệ số an toàn tối thiểu cho lứa cá mới khi thả nuôi. Dọc theo bờ đầm Ô Loan, lâu lâu lại thấy xương cá chất đống, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Những hộ dân có nhà gần sát mặt đầm nói: “Khi biết cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt đầm, tụi tôi định lặn xuống vớt hết lên bờ nhằm làm sạch phần nào khu nuôi. Nhưng nếu vớt lên thì biết để đâu. Vậy là đành để chúng nằm lại dưới đáy”. Còn ông Ngô Văn Yêm, Phó chủ tịch UBND xã An Hải bày tỏ: Khi nhận được tin bà con  báo cá chết nhiều chính quyền  nhanh chóng  chỉ đạo, huy động hơn 300 lượt người dân ở 2 thôn Tân Qui, Xuân Hòa khai thông cửa đầm cho nước biển tràn vào. Hy vọng nhờ nước lên nhanh, mạnh, chảy xiết sẽ tống đi chất bã còn lại trong đầm. Cũng chỉ còn cách ấy thôi chứ biết tìm đâu ra kinh phí và lượng thuốc cần thiết để phun trải trên khắp mặt đầm rộng lớn này.

 

Cũng  theo ông Yêm, UBND xã đã trực tiếp gửi kiến nghị lên huyện đề xuất Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tuy An cho giãn thời gian vay, khoanh lãi nợ tồn đọng  từ 1 – 2 năm và tiếp tục cho người dân vay trong vụ tới. Ông Đào Duy Hưng, Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tuy An, cho biết: “Chúng tôi đã cử người xuống tận nơi kiểm tra tình hình thiệt hại (có xác nhận của chính quyền địa phương) và lập  bản kế hoạch chi tiết hỗ trợ cho các hộ nuôi. Cụ thể, những hộ thiệt hại từ 20% - 50%, sẽ được gia hạn thêm thời gian trả nợ và khoanh lãi nợ. Còn đối với những hộ mất trắng, sẽ tiếp tục cho họ vay vốn để làm vụ tới. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy bất cứ văn bản liên quan nào từ xã hay huyện gửi tới”. Như vậy,  chắc chắn tiến trình khôi phục nghề cá An Hải vẫn sẽ dậm chân tại chỗ trong  một thời gian, nhất là vào thời điểm cả xã vẫn còn lo đối phó với bão, lũ.

 

XUÂN HUY

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek