Thứ Hai, 30/09/2024 02:24 SA
Vì sao ngân hàng và doanh nghiệp chưa đồng thuận về vay vốn?
Thứ Sáu, 30/11/2007 07:00 SA

Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) ở Phú Yên đang có nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhưng khi “gõ cửa” ngân hàng (NH)  không ít DN phàn nàn rằng rất khó tiếp cận vốn vay của NH vì không có tài sản thế chấp hoặc giá trị tài sản thế chấp thấp, còn NH cho rằng họ đang “bơm” vốn cho DN và sẽ không thiếu vốn để đầu tư. Vậy tại sao có nghịch lý này?

 

071130-nh.jpg

Doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn tại Chi nhánh Incombank Phú Yên - Ảnh: Đ.N

 

NGÂN HÀNG NÓI DỄ

 

Theo số liệu thống kê, Phú Yên hiện có khoảng 900 DN, trong đó DN vừa và nhỏ chiếm đến 95%. Đây được xem là thị trường tiềm năng để các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng. Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên, hầu hết các NHTM trên địa bàn đều xem đầu tư vào khối DN ngoài quốc doanh là một chiến lược lâu dài của mình, vì khối DN này rất năng động trong quá trình chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Chính điều này tạo cho DN sử dụng vốn hiệu quả, thu hồi vốn nhanh và thu hút người dân bỏ vốn vào đầu tư.

 

Để DN dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay, nhiều NH đã ký hợp đồng thỏa thuận với Hiệp hội DN vừa và nhỏ hoặc tổ chức các cuộc hội thảo đối thoại giữa NH và DN nhằm tháo gỡ những vướng mắc. Phó Trưởng phòng Tín dụng Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp  - Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tại Phú Yên Đặng Hồng Lĩnh cho biết: “Agribank Phú Yên cam kết dành 30% dư nợ của chi nhánh, tương đương 600 tỷ đồng để đầu tư cho DN vừa và nhỏ. Ngoài ra, thông qua Hội DN trẻ tỉnh, chi nhánh cũng sẽ giới thiệu chính sách tín dụng, chiến lược khách hàng, điều kiện và thủ tục vay, cách lập dự án sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính và triển khai dự án có hiệu quả. Mức cho vay được nâng lên, có thể đến 90% tổng nhu cầu đối với vay vốn ngắn hạn và 80% đối với các dự án trung – dài hạn…”.

 

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Lê Tấn Vân, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Công thương (Incombank) tại Phú Yên khẳng định, sẽ không thiếu vốn đầu tư cho DN. Hiện dư nợ của chi nhánh lên trên 1.000 tỷ đồng và có thể trong thời gian tới sẽ tăng thêm. Nhiều lúc cán bộ tín dụng phải cùng DN tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư vốn nữa. Vấn đề là “uy tín” của DN đến đâu để tạo sự tin tưởng cho NH.

 

Không chỉ có Agribank và Incombank, 90% nguồn vốn của Sacombank (NH Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín) chi nhánh tại Phú Yên cũng chủ yếu đầu tư vào khối DN ngoài quốc doanh với tổng số tiền 230 tỷ đồng.

 

Vấn đề bảo đảm tiền vay, các NH đều cho rằng đây là biện pháp dự phòng và khẳng định quan trọng là các dự án có hiệu quả, có khả năng trả nợ NH sẽ linh hoạt trong việc cần hay không cần có tài sản đảm bảo cho món vay. Vì vậy, với những cơ chế thoáng thì việc DN vay vốn của NH không phải là vấn đề khó.

 

DOANH NGHIỆP NÓI KHÓ

 

Theo số liệu thống kê từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại Phú Yên, tính đến thời điểm này, tổng dư nợ đầu tư cho nền kinh tế tỉnh Phú Yên đạt 4.200 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho DN cổ phần hóa và DN ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh cá thể đạt xấp xỉ 2.720 tỷ đồng, chiếm hơn 64% tổng dư nợ. Trong tổng nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế thì dư nợ cho vay ngắn hạn đạt trên 2.300 tỷ đồng, chiếm 55%/tổng dư nợ, tăng 24% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng dư nợ khá ấn tượng nhất so với nhiều năm qua nhưng vẫn không thể làm dịu “cơn khát” vốn của DN.

Chính sách tín dụng của nhiều NH đã mở, thế nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề về tiếp cận vốn vay NH thì nhiều DN trên địa bàn tỉnh Phú Yên lại phàn nàn rằng rất khó vay vốn NH, hoặc NH cho vay nhỏ giọt quá. Ông Nguyễn Ngọc Chính, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Chính (Điểm Công nghiệp Hòa An, huyện Phú Hòa) cho biết: “Muốn vay cần phải có tài sản thế chấp, còn không thì đừng nói chuyện vay được vốn của NH. Thường thì NH thẩm định cho vay khoảng 50%/tổng giá trị thế chấp, DN nào uy tín lắm có thể nâng hạn mức lên 60%. Mà DN vừa và nhỏ lấy đâu ra nhiều tài sản để thế chấp vay vốn nên rất khó mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh”.

 

Một DN ở Khu công nghiệp An Phú (DN xin không nêu tên) cho biết, tháng 8/2007 DN này ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho một DN ở tỉnh Đắc Lắc trị giá 729 triệu đồng. Vì cùng một lúc DN phải thực hiện nhiều hợp đồng với đối tác nên không đủ vốn để sản xuất, DN cầm dự án cung cấp sản phẩm trên đi vay thì được NH “tư vấn” không cho vay cầm cố dự án. Thế là DN này đành phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để trang trải các khoản chi phí trong quá trình sản xuất. Chủ DN còn cho biết thêm, DN của ông là khách hàng truyền thống của NH, thế nhưng khi đặt vấn đề thế chấp tài sản vay vốn, lãnh đạo NH chỉ xét cho vay thời hạn 12 tháng và khi cán bộ tín dụng đi thẩm định thì thời hạn vay chỉ còn… 3 tháng. Với thời hạn vay ngắn, DN không thể nào xoay vòng vốn vì chu kỳ sản xuất, kinh doanh ngắn nhất một năm.

 

Các DN ngoài quốc doanh cũng không thoát khỏi nỗi lo thiếu vốn, bởi đôi khi bản thân DN không có tài sản thế chấp hoặc không có phương án sản xuất, kinh doanh đủ sức thuyết phục NH, nên khó tiếp cận vốn vay. Ông Võ Đình Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Hòa cho biết: “Để phát triển sản xuất, DN sử dụng vốn tự có là chính. Trong tổng số 12 tỷ đồng vốn đầu tư dây chuyền sản xuất bia tươi của DN thì vốn vay của NH chiếm chưa tới 10%”.

 

Nguyên nhân DN khó vay vốn NH thì có nhiều, xong trên thực tế DN không có tài sản thế chấp đảm bảo nợ vay, hoặc tài sản thế chấp không đủ hồ sơ pháp lý cũng hạn chế phần nào sự tăng trưởng tín dụng. Không những thế, những tài sản đảm bảo nợ vay là máy móc, thiết bị và nhà xưởng thì việc thanh lý khi DN không trả được nợ  là rất khó khăn.

 

Cũng chính vì thiếu vốn, thêm vào đó vốn tự có của nhiều DN ngoài quốc doanh thấp nên khó tham gia vào các dự án lớn, đặc biệt là các dự án hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, chuyển giao công nghệ. Vì lẽ đó mà việc phát triển DN ngoài quốc doanh thời gian qua chỉ có số lượng chứ chưa có hệ thống để tạo nguồn sức mạnh cộng đồng nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

 

Với số lượng DN tăng nhanh như hiện nay thì nhu cầu đầu tư vốn rất lớn, vì vậy việc đa dạng “kênh” dẫn vốn cho DN là điều hết sức cấp thiết. Đã gần ba năm trôi qua kể từ khi Chính phủ có chủ trương thành lập “Quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ ở địa phương” hoạt động không vì lợi nhuận, đảm bảo hoàn vốn và bù đắp chi phí nhằm hỗ trợ cho DN vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, thế nhưng đến nay Phú Yên vẫn chưa thể thành lập. “Chúng tôi đang rất nóng lòng sự ra đời của quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ tỉnh. Quỹ này giúp cho DN tiếp cận nhiều thông tin về các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức trong và ngoài nước. Đây là điều kiện tốt để DN đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường” – ông Nguyễn Ngọc Chính nói.

 

Để tồn tại và phát triển, hơn lúc nào hết các DN đang rất cần một chính sách hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng nhằm giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng tháo gỡ khó khăn và từng bước hội nhập. Hiện nay, Tập đoàn Kusan (Hàn Quốc) đang thực hiện chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ của Việt Nam bằng cách thực hiện bảo lãnh hoặc đối ứng để DN vay vốn từ các NH của Hàn Quốc. DN chỉ cần có dự án sản xuất, kinh doanh đã được phê duyệt thì có thể vay vốn.

 

 

TỔ PV KINH TẾ

 

    

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Giá gas sẽ còn tăng
Thứ Tư, 28/11/2007 14:03 CH
Chỉ số giá tiêu dùng sẽ vượt 10%
Thứ Tư, 28/11/2007 14:01 CH
Tivi LCD giảm giá mạnh
Thứ Tư, 28/11/2007 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek