Ngày 21/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bùi Bá Bổng cùng đoàn công tác các bộ, ngành liên quan đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên và đại diện các ngành liên quan về tình hình khắc phục hậu quả sau lũ lụt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Thị Hà và các ngành nông nghiệp, Thủy sản và y tế đã báo cáo tình hình thiệt hại và biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt của Phú Yên đến đoàn công tác của Chính phủ. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Phú Yên tại buổi làm việc, đến ngày 21/11 lũ lụt đã gây thiệt hại đối với ngành nông nghiệp Phú Yên hơn 30 tỉ đồng. Đối với công trình thủy lợi ước thiệt hại 21 tỉ đồng, tập trung đều ở các huyện, nhất là kênh mương thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam. Thiệt hại về tàu thuyền khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản ước thiệt hại gần 53 tỉ đồng; một số công trình phục vụ nuôi trồng, khai thác hải sản cũng bị thiệt hại nặng.
Để khắc phục hậu quả sau lũ lụt, UBND tỉnh đã chỉ đạo trực tiếp các ngành y tế, nông nghiệp, thủy sản có biện pháp khắc phục kịp thời, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân. Ngành Y tế đã tích cực triển khai xử lý môi trường, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đường tiêu hóa; đã cấp phát 60 cơ số thuốc phòng chống bão lụt, 300kg Cloramin B, 351.000 viên Cloramin B, 2 cơ số phòng chống tả. Tuy nhiên, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ các dịch bệnh dễ xảy ra như: tiêu chảy, sốt xuất huyết, sốt rét v.v… là khó tránh khỏi, ngành đã có kế hoạch chuẩn bị các cơ số, hóa chất để tiếp tục cấp phát về các tuyến huyện. Đối với nông nghiệp: ngành chỉ đạo các địa phương chuẩn bị mọi điều kiện về môi trường đất để sau 23/10 âm lịch là vào vụ sản xuất đông xuân (10/12/2007 đến 10/1/2008). Về chăn nuôi – thú y: tích cực tiêm phòng cúm gia cầm đợt 2/2007, phun thuốc tiêu độc khử trùng, tận dụng nguồn thức ăn cho trâu bò… Về lâm nghiệp: Chủ động tìm nguồn cây con để trồng bổ sung cây thiệt hại. Đặc biệt, là công tác thủy lợi phải kịp thời huy động mọi lực lượng để tu sửa kênh mương, kịp phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Về thủy sản: Biện pháp khắc phục trước mắt là di chuyển lồng bè nuôi tôm đến nơi có độ mặn ổn định; hạ thấp lồng bè để giảm bớt ảnh hưởng của nước ngọt; phối trộn thêm vitamin C vào thức ăn nuôi tôm để tăng sức đề kháng v.v…
Nhằm đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp nói trên, trước mắt tỉnh Phú Yên đề nghị Trung ương hỗ trơ: Giống các loại gần 14 tỉ đồng, cấp thẳng hiện vật về vaccin, thuốc sát trùng và vật tư thú y theo yêu cầu của ngành; kinh phí sửa chữa, xây dựng công trình thủy lợi 40 tỉ đồng. Về thủy sản: Có chính sách cho khoanh nợ, dãn nợ, và cho vay tiếp để khôi phục nuôi trồng thủy sản đối với những hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng; hỗ trợ một phần kinh phí cho những hộ nuôi tôm hùm, những hộ có tàu bị chìm, hư hỏng nặng. Bốn kiến nghị về lâu dài: Trung ương đầu tư 10 tỉ đồng cho 8 khu tái định cư do triều cường, sạt lở đất; 10 tỉ đồng xây dựng kè xói lở bờ sông; đưa Phú Yên vào vùng khống chế thuộc Chương trình Quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM 2006-2010; đầu tư xây dựng cảng cá Phú Lạc cho tàu thuyền neo đậu và tránh bão.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên trong đoàn công tác, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng ghi nhận các kiến nghị của tỉnh Phú Yên để trình lên Bộ NN&PTNT và Chính phủ. Về công tác trước mắt, Thứ trưởng chỉ đạo ngành nông nghiệp lo đủ giống cho bà con vào vụ sản xuất đông xuân; chú ý đủ thức ăn mùa đông cho trâu bò; tích cực phòng chống dịch bệnh gia súc. Thứ trưởng nhắc Phú Yên tích cực phòng chống dịch bệnh ở người không để bùng phát bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, đảm bảo lương thực cho những cư dân vùng lũ v.v… Những thiệt hại lớn về giao thông, thủy lợi v.v.. Phú Yên nên sớm đưa vào kế hoạch để cân đối vốn từ các nguồn.
PHI CÔNG