Vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang trở thành chủ đề “nóng” của Bộ Tài chính trong thời gian gần đây. Nổi lên trong đó là những nội dung xoay quanh đề án về cơ chế thí điểm sử dụng phương tiện đi lại đưa đón hàng ngày cho người có tiêu chuẩn, chế độ sử dụng phương tiện đi lại.
Chưa thống nhất quan điểm
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng vừa chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan nhằm bàn việc thực hiện cơ chế thí điểm sử dụng phương tiện đi lại, đưa đón hàng ngày cho người có tiêu chuẩn tại một số bộ, ngành và địa phương.
Theo dự kiến của Bộ Tài chính, đề án cơ chế thí điểm sử dụng phương tiện đi lại đưa đón hàng ngày cho người có tiêu chuẩn, chế độ sử dụng phương tiện đi lại ở một số bộ, ngành, địa phương sẽ được thực hiện theo hai phương thức: thuê phương tiện đi lại của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khoán kinh phí trực tiếp. Về đối tượng áp dụng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho biết, dự kiến đối với cấp thứ trưởng trở xuống sẽ không còn xe riêng. Việc thí điểm theo cơ chế này sẽ được thực hiện tại các cơ quan là Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính và tỉnh An Giang.
Dự kiến, từ 1-7-2006, chương trình này sẽ được áp dụng thí điểm và sau khi có tổng kết, đánh giá, từ năm 2007, đề án sẽ được áp dụng rộng rãi ở tất cả các cơ quan, tổ chức nhà nước. Như vậy, theo đề án thì tại các cơ quan, đơn vị thí điểm sẽ chỉ còn cấp bộ trưởng và tương đương, các bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, TP mới được trang bị xe công tác. Những chức danh còn lại, xe công sẽ chỉ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, họp hành trong nội thành và chi phí sẽ khoán vào kinh phí của đơn vị cấp trực tiếp cho những người có tiêu chuẩn; thấp hơn là được tính khoán để phục vụ công tác (ngoại trừ các đơn vị đặc thù như công an, quốc phòng...).
Tuy nhiên, ngay sau cuộc họp, đề án trên đã được “trả về” cho Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng do còn nhiều điểm chưa thống nhất. Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho hay, cuộc họp mới nêu được những vấn đề chung chung mà đã có khá nhiều tranh cãi như: tiêu chuẩn nào thì được đi xe riêng, mức khoán vượt lương cơ bản thì như thế nào...
Một vấn đề khác cũng được đặt ra khi đề án này được triển khai rộng rãi là lao động dôi dư (lái xe) sẽ được giải quyết như thế nào. Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Xa, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết sẽ có hai phương án: thành lập dịch vụ xe công trên số xe và những lái xe hiện có; hoặc bán tất cả xe công ngoài tiêu chuẩn đi, sau đó thuê xe ngoài thị trường. Cũng theo ông Xa, vì là thí điểm nên những dự kiến trên sẽ chỉ hoàn chỉnh sau khi có kết luận cụ thể.
Trao đổi với PV SGGP, ông Trần Văn Tá cho biết, việc khoán kinh phí cho người sử dụng phương tiện đi lại trong giai đoạn thí điểm sẽ thực hiện trước hết với các cơ quan, tổ chức có đăng ký và các cơ quan đó phải có sự bàn bạc dân chủ, thống nhất trong nội bộ, cũng như được sự đồng thuận của người có tiêu chuẩn sử dụng xe. Cũng theo ông Tá, việc thí điểm này hoàn toàn khả thi như khoán chi hành chính.
Quy định chặt chẽ và tăng cường kiểm tra
Để triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Bộ Tài chính đang tiến hành soạn thảo các quyết định về kế hoạch triển khai luật và chương trình hành đôïng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), để luật này đi vào cuộc sống thì cần phải ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện luật như: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật và nghị định quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đang xây dựng một loạt văn bản quan trọng như: sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và công ty nhà nước để bố trí, sắp xếp lại số phương tiện đi lại theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định; nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về xử lý, bố trí, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và quyết định về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà công vụ để thực hiện từ quý I; quy định cụ thể về việc nhận quà biếu, quà tặng đối với cán bộ, viên chức nhà nước...
Cũng theo ông Nghĩa, để việc triển khai luật có hiệu quả thì việc kiểm tra, thanh tra, xử lý là hết sức quan trọng và phải làm thường xuyên. Trong kiểm tra, thanh tra sẽ phải tập trung vào một số lĩnh vực có nhiều bức xúc như quản lý sử dụng đất đai, quản lý sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách Nhà nước; quản lý sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng kinh phí chương trình, dự án...
Theo SGGP