Thứ Năm, 03/10/2024 07:23 SA
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề Phú Yên:
Phải tìm lối đi bền vững!
Thứ Ba, 28/02/2006 08:07 SA

Tăng trưởng cao với tốc độ bình quân 11- 12%/ năm, tạo được nhiều việc làm giúp người lao động có thêm thu nhập ổn định cuộc sống... là những thành tựu mà tiểu thủ công nghiệp Phú Yên đạt được. Thế nhưng, ngành này đang phải đối mặt với hàng loạt “rào cản”. Vấn đề đặt ra là: Làm thế nào dỡ bỏ được những rào cản đó để tiểu thủ công nghiệp Phú Yên phát triển bền vững?

 

PHÁT TRIỂN MANH MÚN, NHỎ LẺ

 

Theo đánh giá của Sở Công nghiệp: Vài năm gần đây, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Phú Yên đã có bước phát triển vượt trội so với giai đoạn trước, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn thiếu tính bền vững và có phần manh mún, nhỏ lẻ. Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên, cho rằng lý do của tồn tại đó là do chưa tạo được vùng nguyên liệu ổn định gắn với từng loại sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch định hướng sản phẩm TTCN chưa được chú ý xây dựng một cách khoa học cho cả trung hạn và dài hạn; việc tổ chức sản xuất, thiết kế mẫu mã sản phẩm còn khá phân tán, mang tính tự phát và chỉ do cá nhân nỗ lực thực hiện là chủ yếu.

 

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Phú Yên đang cần chiến lược xúc tiến thương mại để tiếp cận với các thị trường lớn - Ảnh: Dương Thanh Xuân

 

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân đáng kể nữa như: Chưa chủ động tạo ra sản phẩm mới để giới thiệu cho thị trường mà chỉ dựa vào yêu cầu của từng đơn hàng cụ thể; Chiến lược thị trường và khả năng tiếp thị sản phẩm TTCN của các doanh nghiệp (DN) còn kém.

 

Sản phẩm phổ biến tiêu thụ trong nội tỉnh, trong nước với giá thấp. Các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu thì lệ thuộc vào người gom hàng, không tìm được thị trường xuất khẩu trực tiếp; Vai trò hỗ trợ của nhà nước trong đào tạo, cung cấp thông tin, cập nhật chủ trương chính sách của các cơ sở sản xuất (CSSX) và DN còn hạn chế. Các DN nhà nước trong tỉnh lu mờ trong vai trò hướng dẫn, cung cấp dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm TTCN, sản phẩm của làng nghề; Chất lượng sản phẩm TTCN thiếu ổn định, sản phẩm truyền thống mang tính độc đáo của tỉnh đã rất hiếm lại không giữ được phương pháp sản xuất truyền thống nên ngày càng bị thu hẹp do không cạnh tranh được với các dòng sản phẩm mới giá rẻ; Các thợ thủ công và chủ CSSX mang nặng tư tưởng “ tự bằng lòng” với chính mình nên chưa phát huy được sự năng động, sáng tạo của mình trong sản xuất kinh doanh; Hầu hết các cơ sở đều thiếu vốn sản xuất kinh doanh nhưng chính sách tín dụng của nhà nước có một số ràng buộc nhất định, nhất là tài sản thế chấp nên gây khó khăn trong việc vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

 

DN PHẢI VƯỢT QUA RÀO CẢN CHÍNH MÌNH

 

Theo ông Trần Trọng Kim, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, để hoạt động TTCN và làng nghề Phú Yên phát triển bền vững tỉnh cần xây dựng và quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định với những chính sách đầu tư, trợ giá để khuyến khích người dân và các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là gắn với nghề chế biến nông, lâm thuỷ sản. Thực tế hiện nay ở vùng nông thôn đang tồn tại rất nhiều loại ngành nghề TTCN, do đó cần điều tra, khảo sát và đánh giá để có sự chọn lựa ngành nghề nào có khả năng phát triển phù hợp với xu thế phát triển của từng địa phương. Từ đó có sự quy hoạch phân vùng hợp lý nhằm tạo điều kiện phát huy lợi thế cho từng loại ngành nghề.” – ông Kim đề xuất.

 

Còn ông Đào Tấn Cam thì cho rằng: Để TTCN Phú Yên có bước tiến xa hơn trong những năm đến cần sớm có một Nghị quyết mới để tiếp tục đẩy nhanh sự phát triển TTCN. Song song với đó, về phía các DN, các CSSX cần quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất của nhà nước. “Trước mắt các DN phải vượt qua rào cản của chính mình, xóa bỏ tư tưởng tự bằng lòng với những kết quả đã đạt được, coi trọng hơn nữa việc đầu tư mở rộng sản xuất vừa là nghĩa vụ của công dân, vừa là một động thái mang tính đạo đức nghề nghiệp trong việc tạo công ăn việc làm cho những người nghèo khó.

 

Như vậy, tôi nghĩ rằng mọi DN cần phải tính toán, phải làm gì để giải quyết những vấn đề chủ yếu như: đầu tư phát triển sản xuất; xây dựng nhãn hiệu hàng hoá gắn với quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường năng lực và hiện đại hoá công tác quản lý; xây dựng chiến lược cho sản phẩm, cho DN, cho CSSX.

 

Muốn vậy các DN cần có sự hợp tác, phân công sản xuất để tạo khối lượng hàng hoá đáp ứng nhu cầu khách hàng. Sớm hình thành hiệp hội nghề nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng các tiêu chí nội bộ của sản phẩm để đảm bảo sự thống nhất cho các sản phẩm giữa các CSSX hoặc các sản phẩm có cùng NHHH, hoặc phân công để sản xuất.

 

Hình thành các DN tiêu thụ sản phẩm được lựa chọn trên cơ sở các DN hiện có cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để xây dựng thành một DN đủ mạnh ( DN đầu đàn) vừa tổ chức sản xuất, vừa cung cấp dịch vụ và gom hàng từ các cơ sở khác để đưa ra thị trường. Đồng thời cần có sự hỗ trợ, cung cấp thông tin về thị trường từ phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt là từ Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh. Bên cạnh đó ngành công nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cụm, điểm công nghiệp nông thôn để đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho DN và CSSX.

 

BÍCH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek