Thứ Tư, 27/11/2024 05:33 SA
Đại biểu Quốc hội Võ Minh Thức:
Nhà nước cần ưu tiên ngân sách hỗ trợ cho nông, ngư dân
Thứ Bảy, 03/11/2007 07:06 SA

LTS: Trong phiên thảo luận về Ngân sách và phân bổ ngân sách tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII, đại biểu Võ Minh Thức của Đoàn Phú Yên đã có phát biểu, nêu 3 ý kiến về chi ngân sách Nhà nước năm 2008. Báo Phú Yên xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

071103-dbqh.jpg

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trò chuyện với các đại biểu Quốc hội Phú Yên (từ trái qua: Bá Thanh Kia, Võ Minh Thức, Trịnh Thị Nga) - Ảnh: CTV

 

Vấn đề đầu tiên là chi đầu tư phát triển. Tôi thống nhất như đề nghị của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và của nhiều đại biểu đã phát biểu, đó là chi ngân sách phát triển năm 2008 không được thấp hơn năm 2007. Đề nghị phải tăng thêm ít nhất 1.320 tỉ đồng, ưu tiên bổ sung cho 17 tỉnh có mức bố trí thấp hơn năm 2007. Xem trong danh mục này, đó là các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh ở miền núi phía Bắc. Trong đó chúng tôi lưu ý các tỉnh như Phú Yên, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông là các tỉnh nghèo mới chia tách, nhưng đầu tư phát triển tỉ lệ còn quá thấp, lại không bằng năm 2007. Đây là điều không hợp lý.

 

Riêng tỉnh Phú Yên, chúng tôi xin đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét lại. Phú Yên có 3 huyện miền núi với 50.000 dân là người dân tộc thiểu số. Chúng tôi có 7 huyện, 1 thành phố thì có 3 huyện miền núi với 50.000 dân, nhưng Phú Yên không được hỗ trợ đồng nào từ Chương trình 134 là điều mà chúng tôi thấy phải kiến nghị. Chúng tôi không bù bì, nhưng rõ ràng có bất hợp lý khi tất cả các tỉnh xung quanh đều có hưởng Chương trình 134, chỉ riêng tỉnh Phú Yên là không có!

 

Vấn đề thứ hai là về chi sự nghiệp cho kinh tế khác. Một vấn đề mà Quốc hội và toàn dân hết sức quan tâm, đó là phòng chống dịch bệnh. Theo phân bổ ngân sách năm 2008, chi cho mua vắcxin phòng, chống dịch cúm gia cầm và phòng, chống bệnh lở mồm, long móng cho gia súc là 136 tỉ đồng. Chỉ tiêu này chúng tôi thấy cần điều chỉnh. Chúng tôi đề nghị Chính phủ đưa các tỉnh ven biển miền Trung vào vùng khống chế dịch lở mồm, long móng theo như đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thay vì vùng đệm. Lý do là vì các tỉnh này có đàn đại gia súc và tiểu gia súc lớn, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch là vùng chuyên sản xuất thịt với quy mô lớn và sản xuất hàng hóa. Đây lại là vùng dịch lở mồm, long móng xảy ra liên tục nhiều năm, lại nằm trên trục đường giao thông Bắc - Nam và Tây Nguyên, cho nên dễ xảy ra lây lan dịch bệnh. Đặc biệt là biện pháp chống dịch, vấn đề này có liên quan đến việc chi phân bổ ngân sách, nên chúng tôi đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí đốt và tiêu hủy gia súc khi bị mắc bệnh để tiêu diệt mầm bệnh. Đây là cách làm nhiều nước đã thực hiện có hiệu quả, khi bệnh xuất hiện ở đâu thì tập trung bao vây tiêu hủy đến đó, làm vài ba năm, thậm chí có thể 5 năm thì có thể tiêu diệt được mầm bệnh này. Làm như vậy có thể ban đầu sẽ tốn kém, nhưng cách làm này ít tốn kém hơn như cách làm hiện nay, hàng năm Nhà nước phải bỏ ra một khoản ngoại tệ rất lớn để nhập vắcxin tiêm phòng; dù vậy việc tiêu diệt dịch, mầm bệnh không triệt để được, cho nên bệnh vẫn tái đi tái lại. Đặc biệt các tỉnh trong vùng điểm thì 50% ngân sách địa phương và 50% dân góp, những tỉnh này không có tiền, dân không góp thì mầm bệnh vẫn còn lây lan, nghĩa là không thể nào tiêu diệt bệnh lở mồm, long móng được.

 

Chúng tôi cũng có ý kiến về ngân sách Nhà nước hỗ trợ chống dịch cho ngành nuôi trồng thủy sản. Đây là một mục mới chưa nêu trong mục phân bổ ngân sách năm 2008 cũng như các năm qua. Khi dịch ở vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp thì có hỗ trợ, nhưng vật nuôi trong ngành thuỷ sản thì không hỗ trợ. Trong năm 2008, chúng tôi đề nghị Nhà nước dành một khoản kinh phí để hỗ trợ cho 2 đối tượng nuôi đem lại lợi ích lớn và tham gia xuất khẩu cho đất nước, nhưng đang bị dịch, gây thiệt hại cho người nuôi và cả nền kinh tế mà chưa có biện pháp chữa trị hiệu quả. Đó là dịch tôm sú trên phạm vi rộng cả nước và dịch tôm hùm đang phát triển lây lan mạnh ở các tỉnh Nam Trung Bộ.

 

Về thiệt hại tôm hùm do dịch bệnh thì vừa qua báo chí đã nêu nhiều và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tháng 9 đã vào các tỉnh miền Trung để kiểm tra. Hiện nay Phú Yên đang là địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Hàng năm Phú Yên nuôi từ 16.000-18.000 lồng tôm hùm, là tỉnh có số lượng tôm hùm nuôi lớn nhất nước, đạt giá trị hàng năm từ 800-1.000 tỉ đồng. Trong khi tỉnh Phú Yên cố gắng thu ngân sách năm nay là 700 tỉ đồng. Tôm hùm chủ yếu tham gia xuất khẩu và ngành nuôi này đem lại giá trị lợi nhuận lớn. Hai năm qua, nhất là năm 2007, trên 40% số lồng nuôi tôm hùm tại Phú Yên bị dịch bệnh, thiệt hại trên 400 tỉ đồng. Đây là sự thiệt hại quá lớn, quá sức chịu đựng của người nuôi. Điều đặc biệt quan tâm là dịch tiếp tục lây lan mạnh, với nhiều hình thức bệnh lạ chưa xác định được. Chúng tôi đề nghị giải quyết vấn đề này, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ ngân sách chống dịch lây lan cho ngành nuôi trồng thuỷ sản như chống dịch về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những đối tượng nuôi lớn có giá trị xuất khẩu cao.

 

Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn có giải trình về tình hình dịch bệnh đối với đối tượng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với tôm sú, theo báo cáo về thiên tai và sản xuất nông nghiệp như phân công của Chính phủ ngay trong kỳ họp này.

 

Thứ ba, về Chương trình Biển đông hải đảo và Cảnh sát biển, chúng tôi thấy dự toán ngân sách ghi năm 2008 là 1.200 tỉ đồng, song không thấy ghi danh mục chi tiết trong báo cáo này. Xin được góp ý như sau:

 

Vừa qua, Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư giúp ngư dân đóng tàu thuyền có công suất lớn để phục vụ khai thác đại dương, vươn khơi xa. Nhiều địa phương trong cả nước đã có đoàn tàu lớn, phát triển mạnh và khai thác đại dương hiệu quả. Phú Yên là tỉnh sớm phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương với đội tàu lớn, hàng năm khai thác được 4-5.000 tấn cá ngừ đại dương tham gia xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, hiện nay đã xảy ra một thực trạng hết sức bức xúc, đó là ngư dân không ra khơi xa đánh bắt nữa, ngư dân bán tàu để trả nợ, hoặc chuyển nghề từ khơi xa quay lại khai thác trong bờ và tiêu diệt, tận diệt nguồn thủy sản. Lý do tại sao như vậy? Vì ngư dân càng ra khơi xa đánh bắt thì càng thua lỗ do giá cả xăng dầu tăng, đặc biệt là Nhà nước chưa có dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Đối với vấn đề này, chúng tôi đề nghị Chính phủ trong Chương trình Biển đông hải đảo năm 2008 và các năm sau phải có phân bổ ngân sách đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển bằng cách xây dựng cho được đội tàu lớn và xây dựng các bến cá trên biển, ví dụ như Trường Sa hoặc các vùng khác, nhằm cung cấp nguyên liệu, cung cấp các vật dụng cũng như thu mua và chế biến thủy sản ngay trên biển, để tạo cho ngư dân đánh bắt dài ngày hơn, giảm chi phí đi lại và tăng được giá trị sản phẩm của nước ta. Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ về giá nhiên liệu phù hợp cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Giải quyết được vấn đề trên thì ngư dân mới yên tâm đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển của đất nước.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek