Ở Phú Yên, tổ chức quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản theo hình thức tổ tự quản, dựa trên cơ sở nhóm hộ nuôi tôm trong một vùng nuôi tập trung, đang cùng sử dụng chung một nguồn nước đã phát huy trách nhiệm cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau của những người cùng tham gia trực tiếp nuôi trồng thủy sản trong cùng một tiểu vùng sinh thái.
Đặc biệt là trong nuôi tôm sú đã nêu cao tinh thần tự giác và cộng đồng trách nhiệm của các hộ nuôi trong việc quản lý và sử dụng nguồn nước (kể cả lấy nước vào xả thải ra), be bờ, đắp đập, cải tạo ao đìa, chấp hành mùa vụ nuôi, phòng trừ dịch bệnh, trao đổi hỗ trợ kinh nghiệm kỹ thuật sản xuất. Đồng thời tạo điều kiện cho việc hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức chỉ đạo điều hành và quản lý sản xuất của các ngành, các cấp, các cơ quan chuyên môn được thuận lợi và có hiệu quả hơn.
Vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) đang được quy hoạch lại với yêu cầu cao về tính cộng đồng - Ảnh: Nguyên Lưu
Do vậy, để tạo sự phát triển bền vững lâu dài về nuôi trồng thủy sản thì phải tiếp tục đẩy mạnh quản lý cộng đồng, đặc biệt đối với nuôi tôm sú tập trung. Cùng với việc hình thành các tổ tự quản và Ban chỉ đạo của địa phương cấp xã, phường, thị trấn, phải xây dựng quy chế quản lý môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Những người tham gia vào Ban chỉ đạo quản lý và tổ tự quản phải là những người có tâm huyết, nhanh nhạy trong sản xuất và thực sự là những người sản xuất tiêu biểu tại địa phương. Quy chế phải quy định nội dung, phạm vi, đối tượng áp dụng; việc quản lý môi trường trong vùng nuôi tôm tập trung, cải tạo ao đìa, thời vụ thả nuôi, vấn đề giống, hoạt động quản lý chăm sóc tôm nuôi, trách nhiệm của Ban quản lý vùng nuôi, của địa chính xã, của ban tài chính xã, của các thôn, các HTX, các tổ tự quản trong vùng nuôi, của ban tư pháp xã và trách nhiệm của người nuôi tôm; đồng thời phải khen thưởng, xử lý các vi phạm liên quan trong một cách thỏa đáng. Kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình nuôi. Quy chế trước khi áp dụng phải được sự tham gia đóng góp ý kiến của tất cả những người nuôi trồng thủy sản tham gia trong cộng đồng tại địa phương.
Bước vào vụ nuôi tôm sú hàng năm các địa phương thông qua hội họp hoặc đài truyền thanh của xã phổ biến nội dung quy chế, các biện pháp triển khai đến mọi người thuộc cộng đồng nuôi trồng thủy sản. Làm cho người dân hiểu và tin tưởng hơn khi bước vào vụ mới, thể hiện được sức mạnh cộng đồng và vai trò trách nhiệm của các ngành các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội nghề nghiệp, người dân nâng cao ý thức trách nhiệm hơn của bản thân khi tham gia vào tổ chức cộng đồng.
Việc tiếp tục đẩy mạnh quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản cần được các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp liên quan quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản thực sự hiệu quả và bền vững.
NGUYỄN KHẮC TÂN