Chủ Nhật, 27/10/2024 13:34 CH
Hỗ trợ người trồng sắn phòng trừ rệp sáp bột hồng
Thứ Tư, 03/05/2017 09:09 SA

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên hướng dẫn nông dân xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) biện pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng - Ảnh: HOÀI NAM

Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên tổ chức mô hình khảo nghiệm biện pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng nhằm trang bị cho nông dân kiến thức phòng trừ loại sâu hại này.

 

Rệp bị “cô lập”, sắn phát triển tốt

 

Vùng trồng sắn thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước giáp ranh với thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), cây sắn cao gần 1m, lá xanh mơn mởn. Ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Phước Hòa, đi thăm ruộng sắn vui mừng nói: Năm ngoái, vùng này bị rệp sáp bột hồng gây hại, cây sắn “đỏ choe đỏ choét” chứ không được xanh như năm nay. Vụ này, cây sắn không bị sâu bệnh hại nên thân cây sung sức, khác hẳn với những vụ trước, rệp sáp bột hồng “đeo bám”, đi đâu cũng nghe bà con than trời vì cây sắn trồng lùn tịt. Đến mùa thu hoạch, nhổ lên củ nào củ nấy chỉ bằng ngón tay út, nhiều người cày phá bỏ toàn bộ diện tích sắn.

 

Hàng trăm hécta sắn từ xã Sơn Thành Tây, Sơn Thành Đông xuôi xuống Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) cũng đang trải một màu xanh. Nông dân Phạm Văn Tiến ở xã Hòa Mỹ Tây, cho hay: Sắn năm nay phát triển tốt, cây cao, củ sẽ sai. Trong khi năm ngoái, mỗi cây sắn nhổ lên chỉ 2 củ, còn lại toàn rễ.

 

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, niên vụ 2017-2018, nông dân toàn huyện trồng 2.500ha sắn. Vụ này, thời tiết mưa nắng đan xen, cây sắn phát triển tốt, đặc biệt là khi trời mưa, sắn không bị rệp sáp bột hồng đu bám gây hại. Theo tính toán của các chuyên gia ngành Nông nghiệp, nếu cây phát triển bình thường đến vụ thu hoạch, năng suất đạt 17 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, người trồng lãi 20-25 triệu đồng. Nếu sắn bị rệp sáp bột hồng mà không biết cách phòng trừ kịp thời thì cây không cho năng suất, lỗ công cày bừa, chăm sóc, phân bón.

 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, niên vụ sắn 2017-2018, nông dân trong tỉnh trồng trên 20.500ha, hiện rệp sáp bột hồng phát sinh gây hại 3ha tại xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh), tỉ lệ hại 4-18% lá. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, rệp sáp bột hồng gây hại gần 300ha tại các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa và TX Sông Cầu. Như vậy, hiện nay, rệp sáp bột hồng đã bị “cô lập”, chỉ xuất hiện gây hại tại một địa phương.

 

Tích cực phòng trừ

 

Để ngăn chặn rệp sáp bột hồng gây hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên đã tập huấn, tổ chức mô hình khảo nghiệm biện pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng nhằm trang bị kiến thức cho nông dân trồng sắn phòng trừ loại sâu hại này. Ông Mai Lam ở xã Sơn Giang, người tham gia lớp tập huấn, bày tỏ: Năm trước, sắn nhà tôi bị rệp sáp bột hồng gây hại. Tôi mua thuốc về phun, sau đó cây ra đọt non nhưng chỗ chùm đọt xoăn vẫn còn, khi nhổ lên có bụi chỉ được 1 củ to bằng ngón chân cái. Vừa rồi, tôi tham gia tập huấn cách phòng trừ rệp sáp bột hồng, áp dụng vào thực tế và thấy hiệu quả. Cụ thể khi sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng, tôi bẻ đọt gom đốt rồi phun thuốc; từ chỗ bẻ, đọt cây sắn ra nhánh khác, phát triển bình thường.

 

Theo bà Trần Huệ Hoa Huyền Huyền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, thông qua các lớp tập huấn, ngành Bảo vệ thực vật tuyên truyền để người trồng sắn biết về khả năng lây lan, gây hại của rệp sáp bột hồng, đồng thời hướng dẫn người dân biết các biện pháp phòng trừ. Ngoài việc vận động nhân dân không vận chuyển hom giống sắn từ khu vực đã bị nhiễm rệp sáp bột hồng đến các vùng khác làm giống trong vụ trồng mới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên còn yêu cầu người dân tiêu hủy những cây sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại để cắt đứt nguồn lây lan.

 

Tại huyện Sông Hinh, 4 năm liền, rệp sáp bột hồng bùng phát mạnh, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều bị rệp sáp bột hồng gây hại với diện tích lên đến gần 200ha. Năm nay, rệp sáp bột hồng chỉ gây hại 3ha sắn tại xã Sơn Giang. Theo nhiều nông dân, những năm qua, có năm rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại sắn còn non và vào mùa nắng nên mất năng suất rất lớn. Còn năm nay, thời điểm đầu vụ trồng sắn tháng 3 vừa qua có mưa, đến đầu tháng 4 có mưa đan xen nên rệp sáp bột hồng không bùng phát. Tuy nhiên, theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, thời gian đến, trời nắng nóng, không mưa nên rệp sáp bột hồng vẫn có khả năng lây lan ra diện rộng; vì vậy nông dân không được chủ quan mà cần tích cực điều tra phát hiện sớm để phòng trừ.

 

Rệp sáp bột hồng là loại sâu hại rất khó phòng trừ, liên tiếp bùng phát trên các vùng nguyên liệu sắn ở Phú Yên. Sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng thì cây còi cọc chậm phát triển, không cho năng suất, người trồng sắn thiệt hại lớn về kinh tế. Vì vậy, khi ruộng có rệp sáp bột hồng gây hại, nông dân phải ngắt ngọn, tiêu hủy và phun thuốc đặc trị để tránh thiệt hại về kinh tế.

 

Bà Trần Huệ Hoa Huyền Huyền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên

 

TRÂM TRÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek