Chủ Nhật, 27/10/2024 23:14 CH
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Chương trình 135
Thứ Ba, 25/04/2017 08:57 SA

Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn được thực hiện từ năm 2013 theo Quyết định 551 của Thủ tướng Chính phủ. Trao đổi với Báo Phú Yên về quá trình thực hiện quyết định này trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ông Phạm Ngọc Công, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, cho biết:

 

Từ năm 2013, cấp xã được giao làm chủ đầu tư dự án hỗ trợ sản xuất và một phần công trình hạ tầng cơ sở. Đây là điểm mới của Chương trình 135 giai đoạn 2013-2020. Vì vậy, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã thành lập đoàn đi khảo sát các danh mục hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, mức vốn phân bổ cho các xã theo từng năm và hiệu quả giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập… theo mục tiêu mà quyết định đề ra. Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng rà soát lại việc thành lập ban quản lý dự án xem có đúng quy trình, xét hộ thụ hưởng có đúng đối tượng, việc giao cấp xã làm chủ đầu tư các công trình đã đúng hạng mục và quá trình triển khai gặp khó khăn gì… Tất cả những nội dung này được đoàn thực hiện căn cứ theo Thông tư liên tịch 05 của Ủy ban Dân tộc và các bộ NN-PTNT, KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng về hướng dẫn thực hiện Chương trình 135.

 

* Thực hiện Chương trình 135, Phú Yên đã làm được gì trong 4 năm qua, thưa ông?

 

Ông Phạm Ngọc Công - Ảnh: MINH DUYÊN

- Phú Yên có 18 xã và 30 thôn, buôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng nguồn vốn Chương trình 135. Qua khảo sát, cơ bản các địa phương không để xảy ra thất thoát vốn, nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, đúng hạng mục đầu tư được phê duyệt và đúng đối tượng thụ hưởng; từ đó góp phần thay đổi bộ mặt thôn, buôn và các xã nông thôn miền núi. Hơn hết, người dân vùng khó khăn thấy được sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nên sẽ giúp củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và lòng tin của dân với Đảng.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phú Yên vẫn còn một số hạn chế, như tỉ lệ hộ nghèo tuy có giảm theo các năm nhưng số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chiếm tỉ lệ cao. Chênh lệch về thu nhập giữa các thôn, buôn trong xã chưa được rút ngắn. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất mới chỉ tập trung vào hỗ trợ giống cây, giống con, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phương tiện sản xuất mà chưa chú trọng đến triển khai mô hình sản xuất... Một khó khăn nữa là mặc dù trong Quyết định 551 ghi rõ, từ năm 2014, 2015, vốn đầu tư, hỗ trợ tăng 1,5 lần so với năm 2013, song đến nay Phú Yên vẫn chưa nhận được số vốn chênh lệch này.

 

* Đối với nội dung về phân bổ vốn hạ tầng cơ sở cho cấp xã quản lý, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành như thế nào?

 

- Theo quy định, bình quân mỗi xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng 1,3 tỉ đồng; trong đó, 1 tỉ đồng đầu tư hạ tầng cơ sở, 300 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất. Ở Phú Yên, trong quá trình triển khai, mỗi địa phương lại có những cách làm khác nhau. Điển hình là trong 3 huyện miền núi, huyện Đồng Xuân giao vốn cho cấp xã theo đúng định mức như trên; còn 2 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh giao vốn hỗ trợ sản xuất cho cấp xã làm chủ đầu tư, riêng vốn đầu tư hạ tầng cơ sở chỉ giao một phần. Trong đó, UBND huyện Sơn Hòa làm chủ đầu tư cơ sở hạ tầng; huyện Sông Hinh giao cấp xã làm chủ đầu tư những hạng mục công trình nhỏ dưới 500 triệu đồng. Các huyện này sử dụng vốn Chương trình 135 lồng ghép với các nguồn vốn khác như vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn hỗ trợ huyện nghèo theo Quyết định 30a… để xây dựng các công trình trọng điểm, phục vụ nhu cầu dân sinh cấp thiết và cần vốn lớn. Hai huyện này không phân bổ đều từng xã mà tùy từng năm, địa phương có kế hoạch đầu tư trọng tâm vào xã nào thì sẽ cân đối vốn nhiều hơn cho xã đó, nên có sự chênh lệch về tổng số vốn đưa về cho các xã.

 

Từ nguồn vốn Chương trình 135, nhiều hộ dân ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) có nước phục vụ sinh hoạt - Ảnh: MINH DUYÊN

 

* Cùng một chương trình, cùng một hướng dẫn thực hiện nhưng mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

 

- Theo tôi, các xã được thụ hưởng đã làm tốt việc phân bổ vốn dự án hỗ trợ sản xuất. Trong đó, cán bộ xã đều căn cứ trên yêu cầu của người dân, được huyện, tỉnh chấp thuận mới tiến hành phân bổ tới từng hộ thụ hưởng. Đối với dự án hạ tầng cơ sở, cấp xã đã làm hết khả năng theo năng lực và trình độ. Các xã ở huyện Đồng Xuân thực hiện đúng theo quy chế về thuê thiết kế mẫu đối với các công trình lớn hoặc thuê tư vấn đối với các công trình không có thiết kế mẫu. Tại huyện Sông Hinh, cấp huyện làm chủ đầu tư các công trình có tính liên hoàn, sử dụng trên phạm vi liên xã hoặc công trình có yêu cầu kỹ thuật cao; còn cấp xã tổ chức quản lý dự án, công trình do xã quản lý, sử dụng. Riêng ở huyện Sơn Hòa, vì cán bộ xã chưa đủ năng lực, trình độ về xây dựng, thiết kế công trình nên đã đề xuất giao cấp huyện làm chủ đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở. Theo Thông tư liên tịch 05, trường hợp xã khó khăn trong việc làm chủ đầu tư, UBND huyện có trách nhiệm cử cán bộ chuyên môn giúp xã hoặc tham gia ban quản lý cấp xã để xã có đủ năng lực làm chủ đầu tư. Vì vậy trong thời gian tới, UBND huyện Sơn Hòa cần tăng cường phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư các dự án hạ tầng cơ sở quy mô nhỏ và chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để thời gian tới cán bộ cấp xã đủ năng lực quản lý các công trình, dự án đúng như tinh thần Quyết định 551.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

MINH DUYÊN (thực hiện)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek