Thứ Hai, 28/10/2024 23:24 CH
Ông Huệ năng động trong sản xuất
Thứ Ba, 11/04/2017 08:16 SA

Ông Phạm Ngọc Huệ, sinh năm 1970, ở thôn Tân Bình, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), nhờ biết áp dụng kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất nên đạt hiệu quả kinh tế cao.

 

Ông Huệ tại lớp tập huấn kỹ thuật trồng mía do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Nhà máy đường KCP Sơn Hòa tổ chức tại xã Sơn Phước - Ảnh: MINH DUYÊN

Cũng giống như nhiều nông dân ở xã Sơn Phước, đời sống kinh tế của gia đình ông Phạm Ngọc Huệ trông chờ chủ yếu vào cây mía. Ông Huệ cho biết: Cây mía gắn bó với gia đình tôi hơn 20 năm nay. Ngày trước, tôi trồng mía chưa có nhà máy tiêu thụ, phải ép thủ công bán đường mật. Khi có Nhà máy đường Tuy Hòa thì bán cho nhà máy, nhưng sản lượng thấp nên đời sống cũng bấp bênh. Chỉ khi có Nhà máy đường KCP Sơn Hòa và quy hoạch xã Sơn Phước trở thành vùng nguyên liệu mía của nhà máy thì đời sống gia đình tôi mới thay đổi. Không chỉ được thu mua toàn bộ sản lượng mía sau thu hoạch, gia đình tôi còn được nhà máy hỗ trợ kinh phí đầu tư cho sản xuất.

 

Nắm bắt cơ hội, ông Huệ đã tìm cách nâng cao sản lượng, chất lượng mía để có thu nhập cao và cải thiện cuộc sống. Ông Huệ cho biết thêm: Từ 10ha đất trồng mía của gia đình, tôi thuê thêm 4ha đất của người dân để tăng diện tích trồng mía. Có thêm diện tích, chịu khó lao động thu nhập cũng cao hơn. Nhưng được một thời gian, tôi nghĩ mở rộng diện tích trồng mía không phải là cách làm bền vững để sản xuất hiệu quả mà phải nâng cao kỹ thuật canh tác, tăng giá trị sản xuất trên một diện tích đất. Ngay khi xã triển khai kỹ thuật mía tưới nước, tôi tham gia thử nghiệm trên diện tích 2ha. Sau thu hoạch, tôi trực tiếp so sánh hiệu quả, thấy mía tưới nước cho sản lượng hơn 120 tấn/ha/vụ, trong khi ruộng không tưới nước chỉ đạt 80 tấn/ha/vụ. Từ đây, tôi mở rộng diện tích mía được tưới bằng cách đầu tư hơn 150 triệu đồng đào hồ lấy nước và mua máy bơm kéo nước tưới cho mía. Hiện tôi đã có 3 hồ nước, 2 máy bơm phục vụ tưới nước cho 14ha mía. Niên vụ mía này, sau thu hoạch, cây mía mang lại cho gia đình tôi thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.

 

Theo chị Nguyễn Thị Thơ ở thôn Ma Gú, cả xã chỉ có gần chục hộ đi đầu thử nghiệm mô hình mía tưới nước, trong đó có hộ ông Phạm Ngọc Huệ. Ông Huệ không ngại đầu tư kinh phí, công sức để học kỹ thuật mới. Khi có hiệu quả thực tế, ông Huệ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các hộ trồng mía khác và vận động các hộ xóa bỏ thói quen trông chờ vào nước trời, thụ động sản xuất.

 

Ông Huệ cũng là người đi đầu trong đưa cơ giới hóa vào sản xuất. “Tôi dùng máy làm đất, máy trồng mía tham gia vào quá trình sản xuất để giảm công lao động và hiện đại hóa trên tinh thần cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa. Để hiện đại hóa sản xuất, tôi đang học hỏi kỹ thuật tưới nhỏ giọt để tiết kiệm lượng nước tưới”, ông Huệ nói.

 

Ông Sô Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Phước, nhận xét: Ông Phạm Ngọc Huệ năng động trong sản xuất, nhanh nhạy trong tiếp thu những kỹ thuật tiên tiến nên sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Những cá nhân như ông Phạm Ngọc Huệ đang góp phần tích cực cùng chính quyền xã thay đổi tập quán canh tác lâu đời của bà con và điều này có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở một xã miền núi nghèo như Sơn Phước.

 

HẢI PHONG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek