Theo Ban chỉ đạo 127 tỉnh Phú Yên thì hiện nay, không chỉ có điện thoại di dộng do Trung Quốc sản xuất mà cả mặt hàng điện thoại để bàn (điện thoại cố định) mang nhãn hiệu “Made in
Chừng hơn tháng trước, chiếc điện thoại để bàn nhà tôi bị hỏng. Để chọn một chiếc ưng ý, hợp với túi tiền, tôi đã dạo qua tất cả các điểm bán điện thoại trên đường Trần Hưng Đạo và Lê Lợi. Một chị bán hàng ở Trung tâm thương mại Tuy Hòa cho biết: “Điện thoại để bàn do Trung Quốc sản xuất loại rẻ nhất giá chỉ có 45.000 đồng/máy, còn cao thì vô cùng. Nhiều người thích máy Trung Quốc vì giá rẻ mà có đầy đủ những tính năng cơ bản và cả chức năng điều chỉnh âm lượng chuông, nút chọn quay số nhanh hay chậm. Một số máy có thêm chức năng lưu trữ các số liệu điện thoại cần nhớ (từ 10 – 20 số), ghi âm, khóa gọi di động hay đường dài…mà độ bền của chúng không đến nỗi nào nên thu hút được khách hàng”. Còn anh Q, nhân viên bán điện thoại ở đường Lê Lợi thì bảo, cứ 10 chiếc điện thoại để bàn được bán ra thì có đến 7 chiếc là hàng của Trung Quốc.
Các nhãn hiệu chủ yếu trên thị trường hiện nay là Gaoxinggi, Sinoca…, giá giao động từ 45.000 đến 250.000 đồng/máy. Riêng loại điện thoại Sinoca Octopus 188 còn được thiết kế thân máy trong suốt trông khá lạ, có màn hình hiển thị để chỉ ngày giờ và có chức năng hiển thị số điện thoại gọi đi gọi đến, giá 230.000 đồng/máy.
Ngoài những loại hàng Trung Quốc chính hiệu, hiện nay trên thị trường điện thoại xuất hiện mặt hàng điện thoại “Tàu nhái “mà người sử dụng khó có thể phân biệt được đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng nhái. Loại này được nhập về nhiều và thường nhái theo các nhãn hiệu lớn như Sony, Panasonic, Sanyo, NEC…Theo nhận xét của nhiều khách hàng, chỉ sau một thời gian sử dụng chất lượng đàm thoại của loại điện thoại này rất kém. Nhiều người vì ham rẻ đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Và giữa vô vàn nhãn hiệu, kiểu dáng, chọn loại nào đã khó, nhưng chọn máy nào để không nhầm phải hàng nhái lại là một vấn đề khó hơn của người tiêu dùng hiện nay.
NGỌC QUANG