Phú Yên là địa phương sản xuất giống tôm sú post với số lượng nhiều nhất trong các tỉnh duyên hải miền Trung. Lâu nay, ngư dân từ các tỉnh phía
CÁC TRẠI TÔM GIỐNG LỖ NẶNG
Tại xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) có đến gần 60 trại sản xuất tôm giống và đây cũng là khu sản xuất tôm giống tập trung lớn nhất Phú Yên hiện nay. Các trại giống đều được đầu tư với quy mô hiện đại, mỗi năm sản xuất từ 10 – 100 triệu tôm sú post. Thế nhưng trong vụ sản xuất năm nay, đa số các trại tôm giống ở đây đều lâm vào cảnh lao đao, bởi tôm giống bố mẹ nhiễm bệnh bị chết hoặc đẻ kém. Thêm vào đó thời tiết, môi trường nước biến đổi xấu, gây ô nhiễm và làm tôm post chậm phát triển.
Bể ương giống bỏ trống ở Bình Kiến - Ảnh: N.L
Thời gian qua, giá tôm post đang “rớt” thê thảm, chỉ còn 12-15 đồng/con, thấp nhất từ trước đến nay (giá tôm post bình thường dao động từ 30 –40 đồng/con). Hiện nay giá tôm đã nhích lên hơn 20 đồng/con, nhưng các chủ trại giống không mấy vui vẻ vì không có tôm giống để bán, vả lại người mua ở miền Nam yêu cầu đếm tôm post bằng “mẫu đôi” (nghĩa là bán 2 con tôm, chỉ tính tiền… 1 con)! Ông Phạm Trọng Thịnh - một người sản xuất tôm giống giỏi có tiếng ở khu trại giống Bình Kiến bức xúc: “Tôi thuê cơ sở trại giống này với 60 bể để sản xuất khoảng 70 – 80 triệu con/năm. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, chỉ mới sản xuất được 2 triệu tôm post. Con giống làm ra vừa bán vừa cho nên lỗ nặng. Gần chục công nhân của trại làm ăn theo phương thức chia sản phẩm không có tiền lương, nên phải nghỉ việc. Hiện nay, tôi phải tự xoay xuở để sản xuất cầm chừng khoảng vài triệu post/đợt để giữ tôm giống bố mẹ, giữ bạn hàng, chứ bỏ trại thì biết làm gì”.
Ở các vùng sản xuất tôm giống tập trung như Gành Đỏ, Hoà An (huyện Sông Cầu), Hoà Hiệp (huyện Đông Hoà) cũng đang gặp nhiều khó khăn vì sản xuất giống bấp bênh, giá tôm giống lại thấp. Ông Nguyễn Hữu Đệ, chủ trại ở Gành Đỏ, xã Xuân Thọ 2 (Sông Cầu) nói: “Trại nào sản xuất nhiều thì càng lỗ vốn nặng, nếu không muốn nói là bị phá sản, nợ nần chồng chất”.
KHÓ CÓ THỂ “CỨU” CÁC TRẠI TÔM
Nhiều trại sản xuất giống tôm sú ở Bình Kiến đã đóng cửa im ỉm, các bể ương đều phơi đáy khô khốc trong nắng; rải rác một số cơ sở treo bảng “bán trại”! Hiện đã có trên 50% trại ngưng hoạt động. Nhiều chủ trại giống cho biết: Nghề sản xuất tôm giống bị rủi ro rất lớn. Nguy cơ phải bỏ trắng phần lớn các trại giống tôm trong thời gian lâu dài là điều khó tránh khỏi. Hiện một số trại đã chuyển sang sản xuất các đối tượng thuỷ sản khác như ốc hương, cua...
Nhiều trại giống ở Sông Cầu cũng lâm vào cảnh lỗ nặng, phải xả bỏ bể. Theo kỹ sư Nguyễn Thái Hải Anh – cán bộ Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu, toàn huyện có 67 trại giống sản xuất với sản lượng 250 - 300 triệu tôm post/năm, nhưng vụ mùa này chỉ sản xuất được 60 triệu post. Hiện đã có hơn 60% trại ở địa phương này đã bỏ sản xuất tôm, số còn lại hoạt động cầm chừng.
Theo Viện Nghiên cứu thủy sản 3 (Bộ Thủy sản): Để sản xuất tôm giống có hiệu quả và bền vững, ngành thủy sản cần tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, kiểm dịch chất lượng nguồn tôm giống bố mẹ, tôm post, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hiện nay, đa số các trại giống không có kỹ sư nuôi trồng, mà chỉ có công nhân lành nghề, nên trình độ quản lý, sản xuất tôm giống chưa cao. Do vậy, để “cứu” các cơ sở sản xuất giống, ngành thủy sản quan tâm đào tạo đội ngũ kỹ sư thủy sản ở các trại giống để áp dụng các quy trình sản xuất giống hiện đại, có chất lượng, nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận kinh tế, đảm bảo ổn định sản xuất lâu dài.
NGUYÊN LƯU