Thời gian qua, Phú Yên không có nhiều lựa chọn trong thu hút đầu tư nên đã nảy sinh nhiều dự án “treo”, trong đó có lĩnh vực du lịch. Do đó, đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới, không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá. Vì thế “thi ý tưởng” để chọn nhà đầu tư thích hợp, hoặc đấu thầu dự án là vấn đề đang được đặt ra...
Khu du lịch Gió Chiều (TP Tuy Hòa) đang được Công ty Cổ phần du lịch Sài Gòn - Phú Yên đầu tư, khai thác - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Dựa vào các tiêu chí lượt khách và doanh thu, du lịch của Phú Yên hiện xếp thứ 16 trong số 17 tỉnh, thành của khu vực miền Trung- Tây Nguyên (chỉ hơn Kon Tum). Song những tín hiệu lạc quan đã xuất hiện, với việc nhiều nhà đầu tư đang cùng tranh địa điểm. Đã đến lúc đặt vấn đề tuyển chọn nhà đầu tư, để bức tranh du lịch Phú Yên có nhiều điểm sáng.
THỰC TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ DU LỊCH
Chính sách “trải thảm đỏ” đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với Phú Yên. Từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục địa điểm du lịch được UBND tỉnh thỏa thuận với các nhà đầu tư. Song bên cạnh những nhà đầu tư có tâm huyết, tích cực triển khai thực hiện dự án, vẫn còn không ít nhà đầu tư “ảo”. Có nhà đầu tư cùng lúc đăng ký đến 3 địa điểm khác nhau, song sau đó không thấy động tĩnh gì. Tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành rà soát lại các dự án đăng ký đầu tư và thu hồi 21 dự án thuộc lĩnh vực du lịch- thương mại đã hết thời hạn hiệu lực nhưng chưa triển khai.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 35 dự án đăng ký đầu tư phát triển du lịch còn hiệu lực với số vốn đăng ký 803 tỉ đồng và 1,5 tỉ USD, trong đó có 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đó là chưa kể dự án Khu du lịch liên hiệp cao cấp do tập đoàn New City (Brunei) đầu tư với số vốn đăng ký nhiều tỉ USD đang trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên trong số các dự án trên, mới có 6 dự án đi vào hoạt động, 6 dự án đang triển khai xây dựng còn lại có 6 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, 7 dự án vừa được thoả thuận địa điểm và 10 dự án trong giai đoạn cho phép chủ trương đầu tư. Điều đáng chú ý là nhiều dự án cùng chọn một địa điểm, như Gành Đá Đĩa (Tuy An) đang có ít nhất 3 nhà đầu tư đăng ký, hòn Lao Mái Nhà (Tuy An) có 3 nhà đầu tư đăng ký, khu vực Bãi Môn- Mũi Điện, Hòn Nưa, bãi biển TP Tuy Hòa cũng được nhiều nhà đầu tư đăng ký, trong đó có những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh như Công ty CP Xây dựng - Kinh doanh địa ốc Hòa Bình, Ngân hàng Á Châu, Công ty CP Bất động sản Thái Bình Dương (TP Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Phát triển công nghệ Hà Nội…. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Trần Quang Nhất phấn khởi bảo: Đây là tín hiệu mới cho ngành du lịch tỉnh nhà, nhưng các cơ quan quản lý của tỉnh phải lựa chọn nhà đầu tư có tâm huyết, có năng lực nhất.
CẦN CÓ TIÊU CHÍ CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ
Thắng cảnh Gành Đá Đĩa được nhiều nhà đầu tư đăng ký phát triển du lịch. - Ảnh: N.T
Có thể nói trong thời gian qua, Phú Yên không có nhiều lựa chọn trong thu hút đầu tư nên đã nảy sinh nhiều dự án “treo” thuộc nhiều lĩnh vực chứ không chỉ trong lĩnh vực du lịch. Đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới, không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Hiến cho biết: Do nhiều nhà đầu tư cùng đăng ký vào một địa điểm nên chúng tôi đưa ra chủ trương tổ chức “thi ý tưởng” để chọn được nhà đầu tư thích hợp nhất. Điều này được các ngành và địa phương ủng hộ. Qua việc thi ý tưởng, nhà đầu tư chứng tỏ sự am hiểu về Phú Yên, năng lực đầu tư, kinh nghiệm, chuyên môn và tài chính, phương án đầu tư, tiến độ thực hiện khai thác dự án, lợi ích của dự án đối với dân cư trong vùng, ảnh hưởng của dự án đối với môi trường chung quanh. Đồng thuận với chủ trương trên, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Trần Quang Nhất còn cho rằng: Nếu cần thiết phải tổ chức đấu thầu dự án. Ông cho biết thêm, tiềm năng về du lịch của Phú Yên đang được nhiều nhà đầu tư chú ý. Đó là điểm du lịch còn hoang sơ, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch hiện đại. Đặc biệt chúng ta có những danh thắng độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được như Gành Đá Đĩa, Bãi Môn- Mũi Điện, Đá Bia, Bãi Xép- Hòn Chùa… để phát triển du lịch sinh thái biển, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa. Với những lợi thế đó, nếu chọn được nhà đầu tư “xứng tầm”, có tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm kinh doanh du lịch thì trong vài ba năm tới, du lịch Phú Yên sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và đến năm 2015 có triển vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Trước đây, lợi dụng chủ trương, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư như miễn, giảm tiền thuê đất trong những năm đầu, không ít nhà đầu tư đăng ký chiếm diện tích. Do vậy nên có biện pháp ràng buộc nhất định bằng cách ký quỹ trên diện tích đăng ký sử dụng đất, khoảng 20 triệu đồng/ha khi được UBND tỉnh cho phép lập dự án đầu tư. Nếu quá thời hạn mà không triển khai dự án thì nhà đầu tư phải chịu mất số tiền ký quỹ đó. Đây là biện pháp cần thiết để hạn chế nhà đầu tư “ảo”.
Mục tiêu đến năm 2011, Phú Yên có đủ điều kiện tổ chức “Năm Du lịch Quốc gia” nhân kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh đòi hỏi tỉnh phải nhanh chóng vượt qua tình trạng “vũng trũng” trong bản đồ du lịch quốc gia. Trong điều kiện của tỉnh hiện nay, thu hút đầu tư là con đường ngắn nhất để đánh thức tiềm năng du lịch của địa phương. Vì vậy có thể nói, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch hiện nay, để từ đó có điều kiện chọn nhà đầu tư xứng tầm đối với từng dự án.
NGUYÊN TRƯỜNG