Đậu đỏ (đỗ gạo) là cây trồng phổ biến, không chỉ ở các xã miền núi mà các xã ven biển nông dân cũng trồng đậu đỏ. Năm nay, giá đậu đỏ xuống thấp, thậm chí không có người mua, ở một số vùng chuột cắn phá, nông dân thiệt hại kép.
Đậu đỏ rớt giá
Bà Nguyễn Thị Lập ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) phơi đậu đỏ trước nhà, cho hay: Năm nay, tôi thu hoạch trên 1 tạ đậu đỏ, sau khi phơi khô, cách nay 1 tuần, thương lái đến chỉ trả 12.000 đồng/kg. Năm ngoái, cũng vào thời điểm này, giá bán là 24.000 đồng/kg.
Tại xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), những năm qua, giá đậu đỏ luôn ổn định ở mức cao và được tư thương đến tận nhà đặt hàng thu mua nên bà con tận dụng diện tích gò đồi bỏ hoang, triền dốc đất xấu để trồng tăng thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay, giá đậu đỏ xuống thấp, thậm chí bán không ai mua, nông dân gặp khó. Ông Ma Tân ở thôn Phú Tiến 1 (xã Phú Mỡ), phân trần: Tôi thu hoạch 3 tạ đậu đỏ hột trục, loại này thường giá cao hơn hột dài, thế nhưng năm nay, đầu vụ, người mua đến trả 12.000 đồng/kg, sau đó chỉ mua sa cạ 10.000 đồng/kg, còn từ đầu tháng 3 đến nay, không thấy thương lái hỏi mua.
Đậu đỏ dễ trồng, không kén đất nên thường được trồng trên các vùng gò đồi. Đối với đất gò, tháng 7, 8 (âm lịch), khi trời mưa, cày một bận vãi giống rồi bừa lấp hạt, đậu đỏ tự vươn lên không tốn công chăm sóc, làm cỏ đến những tháng đầu năm sau trái chín cho thu hoạch. Còn đối với rẫy đồi, phát chồi xong cùng thời điểm có mưa đó, nông dân trỉa hạt đậu, sau đó “khoán trắng” cho trời, chờ đến mùa thu hoạch. Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Cây đậu đỏ dễ phát triển, tuy nhiên đậu đỏ rất “kỵ” sương muối. Hễ vào thời kỳ đậu đỏ ra bông mà gặp lạnh kéo dài, sương muối bao phủ thì coi như mất mùa, còn thời tiết ấm thì trái sai vắt cục. Năm nay, đậu đỏ vừa mất mùa, mất giá.
Còn ông Bùi Văn Sơn ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) cho hay: Vụ đậu đỏ thường thu hoạch dứt điểm trong tháng 2, còn năm nay trong thời gian sinh trưởng gặp mưa kéo dài nên “sung sức” ra bông muộn nên thu hoạch kéo dài qua tháng 3. Cũng chính vì dây đậu “sung sức” nên ra bông nhiều, tuy nhiên sau đó gặp thời tiết bất lợi nên đậu trái ít. Ở vùng miền núi, giá bán không quá 10.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, năm nay, toàn huyện thu hoạch 650ha đậu đỏ, năng suất ước đạt 6 tạ/ha, giảm một nửa so với năm ngoái. Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, đậu đỏ thân dây leo nên khi trồng sắn, mía gặp nắng hạn làm chết thưa thớt hoặc chết từng chòm thì đem đậu đỏ trỉa vào. Mấy năm trước, đậu đỏ tăng giá, nhiều nông dân thu nhập cao, riêng năm nay giá thấp, người dân làm thức ăn hàng ngày.
Năng suất giảm
Đậu đỏ không chỉ trồng tại các xã miền núi mà các xã ven biển, nông dân cũng trồng đậu đỏ trên đất nghèo kiệt. Bà Trần Thị Hiền, thu hoạch đậu đỏ dưới chân đèo Quán Cau, gần đầm Ô Loan, thuộc xã An Cư (huyện Tuy An), cho hay: Vùng này đất sạn cốm chỉ trồng đậu đỏ mới phát triển được. Năm ngoái, rẫy nhà tôi thu hoạch 1,5 tạ đậu đỏ, năm nay mất mùa thu dưới 1 tạ, giá thấp hơn năm ngoái 12.000 đồng/kg. Ngoài mất giá, vùng này khi trỉa đậu đỏ bị chuột cắn phá, tỉ lệ sống còn thưa thớt. Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy An Cao Văn Tiên cho biết: Toàn huyện có hơn 400ha đậu đỏ, trồng ở những vùng gò đồi, triền núi. Do chuột cắn phá nên năng suất chỉ đạt 3 tạ/ha, giảm ¼ so với cùng kỳ năm trước.
Nông dân TX Sông Cầu thu hoạch 85,5ha đậu đỏ, trong đó phường Xuân Đài 30ha, xã Xuân Lâm 30ha, Xuân Thọ 1 là 15ha, Xuân Thọ 2 trên 6ha… Ông Trương Văn Tiến ở xã Xuân Lâm, đang thu hoạch đậu đỏ, cho hay: Thường đậu đỏ ra 2 lứa trái, lứa đầu trái chín vàng mơ thì ra lứa trái non. Năm nay, tôi thu hoạch lứa đầu được 1 tạ, còn lứa 2, chuột cắn đứt dây chết khô.
Ông Nguyễn Văn Xướng, cán bộ Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho hay: Năm nay, nông dân trồng đậu đỏ thiệt hại “kép” vì không những đậu đỏ rớt giá mà năng suất cũng giảm, chỉ đạt 7,4 tạ/ha, trong khi đó năm ngoái, năng suất đạt 15 tạ/ha. Sản lượng đậu đỏ toàn thị xã chỉ thu được gần 66 tấn, giảm một nửa so với năm ngoái. Nguyên nhân một phần do thời tiết nhưng chủ yếu là do chuột cắn phá. Chỉ tính riêng tại xã Xuân Thọ 2, diện tích trồng là 21,7ha nhưng do chuột cắn phá, nông dân thu hoạch chỉ được 6,5ha.
TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: Thời gian trước đây, nắng hạn kéo dài làm cho cây trồng thiếu nước tưới, đặc biệt là khu vực miền núi. Trong khi đó, đậu đỏ là cây trồng dễ sống, không kén đất, rất phù hợp trong việc chuyển đổi cây trồng ở các vùng đất thiếu nước tưới do nắng hạn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, thời tiết bất lợi, bên cạnh đó bị chuột cắn phá nên năng suất giảm hơn một nửa so với năm ngoái.
TRÂM TRÂN