Thứ Năm, 31/10/2024 16:21 CH
Chuyện ghi ở Tân Đạo
Thứ Hai, 06/03/2017 10:00 SA

Mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng của ông Phan Ẩn mang lại thu nhập cao - Ảnh: VÂN NGUYÊN

Là thôn của xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều hộ dân ở Tân Đạo, xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ vào các mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC). Tuy nhiên, người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, do giao thông chưa được “cứng” hóa, lưới điện sinh hoạt chưa an toàn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.

 

Nhiều mô hình VAC hiệu quả

 

Thôn Tân Đạo được thành lập từ năm 2004, hiện có 36 hộ dân, với 137 nhân khẩu đang sinh sống. Các hộ dân ở đây “góp” từ các thôn khác của xã Hòa Tân Đông và các tỉnh phía bắc như: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… đến lập nghiệp từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Tận dụng đất đai rộng, địa hình nửa núi, nửa đồng bằng, lại gần sông Bàn Thạch và các con suối quanh núi, nhiều năm qua, người dân nơi đây tập trung phát triển kinh tế VAC, mang lại nguồn thu nhập cao.

 

Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng thôn Tân Đạo, hiện trên địa bàn thôn có gần 10 mô hình làm kinh tế VAC, tập trung vào trồng rừng, cây ăn trái, lúa nước, chăn nuôi bò, heo rừng lai, gà, vịt, cá. Đơn cử trong số này là mô hình của các hộ ông Đinh Văn Công, Phan Ẩn, Nguyễn Bá Chinh, Nguyễn Văn Đỗ…

 

Tham quan mô hình kinh tế VAC của ông Đinh Văn Công (SN 1957), mới thấy được sự vượt khó vươn lên trong cuộc sống của gia đình ông. Xung quanh ngôi nhà cấp bốn khang trang mà vợ chồng ông đang ở là vườn cây ăn trái rộng 1ha, với mít, cam, chuối, sâm nam… Xen giữa vườn cây này là chuồng nuôi bò, heo rừng lai, gà. Rời quê Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) vào Phú Yên lập nghiệp từ năm 1988 với hai bàn tay trắng, sau nhiều năm cần cù lao động, ngoài vườn cây ăn trái, đàn bò, heo, gà, gia đình ông Công còn sở hữu 6.000m2 ruộng lúa. Những loại cây, con này mỗi năm mang về nguồn thu nhập cho gia đình ông khoảng 100 triệu đồng. Ông Công tâm sự: “Trước khi rời quê hương Quảng Bình đi tìm miền đất hứa, tôi đã đến Bình Định, Đắk Lắk và Phú Yên. Cuối cùng, tôi quyết định chọn thôn Tân Đạo làm quê hương thứ hai. Đất đai ở đây rộng, màu mỡ, khí hậu mát mẻ, rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Với cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, mảnh đất này đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ấm no gần 30 năm nay”.

 

Còn gia đình ông Phan Ẩn (SN 1950) lại chọn cây keo lá tràm, bạch đàn, con dê, vịt và cá làm hướng phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, gia đình ông Ẩn ở thôn Phú Lương, xã Hòa Tân Đông, nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên năm 1991 ông đùm túm cả gia đình vào Tân Đạo khai hoang đất đai, lập nghiệp. Ban đầu, gia đình ông khai hoang vài sào đất ven suối để trồng lúa, cốt có cái ăn hàng ngày. Khi đã có cái ăn rồi, gia đình ông dồn sức khai hoang đất rừng để trồng keo, bạch đàn và phát triển chăn nuôi. Ngoài đàn dê, bò hàng chục con, hơn 1.500 con vịt đẻ, ao cá chép, trắm cỏ rộng 1.000m2, gia đình ông Ẩn còn sở hữu 30ha keo và bạch đàn. Với các loại cây, con này, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng. Nhiều năm liền, ông Ẩn được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh.

 

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Đông, nhận xét: So với các thôn khác của xã thì người dân Tân Đạo có nguồn thu nhập cao hơn, nhờ biết tận dụng lợi thế đất đai để phát triển kinh tế VAC. Ở nông thôn mà mỗi năm có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ từ chăn nuôi và trồng trọt thì không phải nơi nào cũng làm được.

 

Mong có đường bê tông

 

Kinh tế phát triển, cuộc sống ngày càng khấm khá là vậy, nhưng hiện tại, việc đi lại của người dân thôn Tân Đạo gặp rất nhiều khó khăn, do đường đi lại còn bất tiện. Có đến Tân Đạo mới cảm nhận hết những vất vả của người dân nơi đây, khi phải đi trên con đường dọc thôn dài 3km lầy lội, nhiều ổ gà, ổ voi. Đường đến thôn chỉ có đoạn từ trụ sở UBND xã Hòa Tân Đông đến cầu Đá Cối bắc qua sông Bàn Thạch là được bê tông, còn lại đoạn từ cầu này đến thôn là đường đất. Đợt mưa lũ cuối năm 2016 và đầu năm 2017 vừa qua đã làm đường này hư hỏng nặng. Không chỉ lầy lội, nước mưa còn gây xói mòn, tạo thành nhiều rãnh sâu cắt dọc - ngang chi chít mặt đường, xe chạy mà cứ chồm chồm như cóc nhảy.

 

Bà Đinh Thị Hồng Hán, người dân ở đây buồn rầu: Cứ đến mùa mưa là gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trong thôn phải tính chuyện dự trữ lương thực, thực phẩm để có cái ăn trong những ngày đường sá không thể đi lại được. Những ngày này, nhà nào có trái cây chín thì cũng không thể mang ra chợ xã bán. Tội nhất là mấy cháu học sinh không thể tự đến trường ở trung tâm xã. Muốn con đến trường thì cha mẹ phải nghỉ việc đồng áng, cõng con cuốc bộ ngày 2-4 lượt.

 

Không chỉ khó khăn trong việc đi lại, người dân Tân Đạo còn luôn canh cánh nỗi lo lưới điện sinh hoạt mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, ngành Điện chỉ quản lý khoảng 1/2 lưới điện trong thôn, phần còn lại là do người dân tự đấu nối, có đoạn dây điện sà sát mặt đất, hoặc chạy len lỏi trong rừng cây.

 

Ông Lê Quang Trung cho biết, để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, thời gian qua, xã đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phương pháp sản xuất cho các thôn trong xã, trong đó có Tân Đạo. Việc tu sửa đường từ cầu Đá Cối đến thôn Tân Đạo cũng không nằm ngoài sự quan tâm này, vì đoạn đường này không chỉ là giao thông nông thôn, mà còn là đường nội đồng phục vụ việc sản xuất của người dân trong xã.

 

“Đoạn đường này dài khoảng 3km, kinh phí để bê tông hóa phải trên 3 tỉ đồng, trong khi đó cả thôn Tân Đạo chỉ có mấy chục hộ dân, nên việc đóng góp còn hạn chế. Trước mắt, chúng tôi huy động mỗi nhân khẩu ở thôn đang trong độ tuổi lao động đóng góp 1 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của huyện Đông Hòa và một số doanh nghiệp, xã sẽ bê tông 800m đường đoạn qua đèo Tân Đạo, với kinh phí khoảng 1 tỉ đồng. Đoạn còn lại, xã sẽ cho máy móc, thiết bị vào san gạt lại mặt đường nhằm tạo sự êm thuận, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Khi nào có kinh phí thì xã tiếp tục bê tông. Đối với lưới điện sinh hoạt, xã đã làm việc với ngành Điện. Họ hứa sẽ vào đây khảo sát và nâng cấp để đảm bảo an toàn, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân”, ông Trung thông tin thêm.

 

VÂN NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek