Thời gian qua, trên địa bàn cả nước cũng như Phú Yên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến đường sắt. Nhằm hạn chế các vụ tai nạn đường sắt có thể xảy ra, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp cùng Tiểu ban An ninh trật tự và an toàn giao thông đường sắt Phú Yên (Công ty CP Quản lý Đường sắt Phú Khánh) triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.
Nhiều vi phạm
Theo Tiểu ban An ninh trật tự và an toàn giao thông đường sắt Phú Yên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều sự cố và tai nạn giao thông đường sắt. Tình trạng ném đất, đá lên tàu đã xảy ra từ nhiều năm nay và đang có chiều hướng gia tăng. Tuy đây chỉ là trò đùa nghịch của các đối tượng thiếu ý thức nhưng lại dễ gây ra hậu quả lớn, nguy hiểm đến an toàn cho người và tài sản trên các chuyến tàu. Điển hình như một vụ xảy ra vào ngày 31/10/2016, khi đến khu gian Chí Thạnh - Hòa Đa, đoàn tàu SE7 đã bị người dân địa phương ném đá làm vỡ kính một toa tàu.
Cũng theo tiểu ban này, nhiều đoạn đường sắt qua địa bàn tỉnh còn bị người dân lấn chiếm hành lang an toàn, chăn thả bò hai bên đường ray, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Chị Nguyễn Thị Loan, một người dân ở huyện Đông Hòa, cho biết: “Đoạn đường sắt đi qua phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) và xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) thường xảy ra tình trạng người dân chăn thả bò hai bên đường sắt. Mỗi khi tàu lửa chạy qua, đàn bò chạy tán loạn làm người đi đường nhiều phen hú vía”.
Một trong những nguy cơ cao tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt chính là sự chủ quan của người dân khi đi qua các đường ngang giao nhau với đường sắt. Hiện nhiều đường ngang đã được lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động nhưng khi có tàu đến gần, một số người vẫn cố tình băng qua, làm ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu, gây ra các vụtai nạn rất thương tâm. Đến nay, nhiều người dân địa phương vẫn chưa hết ám ảnh về vụ tai nạn xảy ra vào tháng 11/2016 tại đường ngang giao nhau với đường sắt thuộc khu gian Đông Tác - Phú Hiệp. Một phụ nữ không chú ý quan sát tàu đã băng ngang qua đường sắt khi đoàn tàu SE7 đang tới. Vụ tai nạn khiến người phụ nữ chết tại chỗ, đoàn tàu bị chậm 14 phút.
Theo Sở GTVT, trên địa bàn tỉnh hiện có 40 đường ngang hợp pháp giao nhau với đường sắt, khoảng 60 đường ngang dân sinh. Nhiều vị trí đường ngang nguy hiểm thường xuyên xảy ra tai nạn như đường ngang tại Km1205+900 đoạn qua phường Phú Thạnh, Km1201+550 đoạn qua phường Phú Đông thuộc TP Tuy Hòa. Theo thống kê của Tiểu ban An ninh trật tự và an toàn giao thông đường sắt Phú Yên, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 1 người, bị thương 9 người. Các vụ tai nạn giao thông đường sắt luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân.
Tăng cường quản lý
Đoạn đường sắt qua Phú Yên dài hơn 95km đi qua các huyện Đồng Xuân, Tuy An, TP Tuy Hòa và Đông Hòa. Do đi qua nhiều khu vực đông dân cư, có nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ nên tình hình an ninh trật tự đường sắt khá phức tạp. Chính vì thế, nhiều năm nay, Công an tỉnh đã cùng với Tiểu ban An ninh trật tự và an toàn giao thông đường sắt Phú Yên thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo an toàn đường sắt.
Theo thượng tá Ngô Văn Ương, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an Phú Yên, thời gian qua, Công an tỉnh đã cùng các địa phương tăng cường tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông đường sắt cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hộ dân sống hai bên đường sắt để nâng cao ý thức cho họ. Theo đó, Phòng Cảnh sát giao thông triển khai vàduy trì thường xuyên mô hình “Văn hóa giao thông trong trường học” và “Tăng cường tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông nơi công cộng” tại các địa phương có đường sắt đi qua. Nội dung chính của các đợt tuyên truyền là để mọi người nhận thức được những nguy cơ có thể xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương và ngành Đường sắt kiểm tra quy trình làm việc của nhân viên ngành Đường sắt tại các ga, chắn; việc chấp hành các quy định pháp luật về dừng xe, đỗ xe, lùi xe, quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông tại đường ngang có người gác… Trong năm 2016, lực lượng chức năng đã tiến hành 35 lượt kiểm tra tại các ga, 31 chắn, 3 đội quản lý đường. Qua đó, lực lượng liên ngành đã phát hiện 77 trường hợp (1 ô tô, 76 mô tô) vi phạm quy định về dừng xe, đỗ xe tại đường ngang, giao công an các địa phương xử phạt số tiền 12,1 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Ninh, Trưởng ga Tuy Hòa, ngành Đường sắt đã xây dựng nhiều tuyến đường gom dọc đường sắt để đảm bảo cho việc đi lại an toàn của người dân. Song song với việc thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường sắt, vừa qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã cóthông báo yêu cầu tất cả đơn vị thuộc ngành Đường sắt triển khai các giải pháp cấp bách đảm bảo an toàn tại các đường ngang giao nhau với đường sắt. Theo đó, ngành Đường sắt sẽ thống kê lại toàn bộcác lối đi dân sinh băng ngang qua đường sắt; tiến hành cắm cọc tiêu, chôn trụbê tông, xây hàng rào… tại một số đường ngang giao nhau với đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông để cấm toàn bộ phương tiện cơ giới đường bộ qua lại, trừ mô tô, xe máy. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng bổ sung đầy đủ biển báo hiệu “Chú ý tàu hỏa” và giao cho địa phương quản lý các đường ngang dân sinh này.
NHƯ THANH