Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, nhiều vườn tiêu ở huyện Tây Hòa và Sông Hinh bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Hiện người dân rất lo lắng vì dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, các lô tiêu vẫn đang tiếp tục chết.
Dịch bùng phát và kéo dài
Một trong những hộ bị thiệt hại nặng trong đợt dịch này là gia đình ông Phan Văn Quảng ở thôn Sơn Tây, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa). Hiện 3,5 sào tiêu (1 sào: 1.000m2) với 640 trụ tiêu của gia đình ông Quảng đã chết sạch. Ông Quảng cho biết: Từ cuối năm ngoái, khi trời bắt đầu có mưa lớn kéo dài, các lô tiêu trong vườn bị ngập úng. Mặc dù gia đình tôi đã cố khai thông rãnh thoát nước nhưng vì mưa quá nhiều, nước từ những khu vực khác đổ về khiến các trụ tiêu lúc nào cũng trong tình trạng ngập nước. Sau đó, một số trụ tiêu có dấu hiệu bị bệnh, lá rũ xuống, tình trạng này tiếp tục lan nhanh rộng và chỉ khoảng 20 ngày sau thì cả vườn tiêu xơ xác, vài ngày tiếp theo thì chết sạch. Bây giờ, cả vườn tiêu rộng 3.500m2 chỉ còn trơ cây choái.
Tương tự, mấy ngày qua, vợ chồng ông Lê Đình Hùng ở thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) mất ăn mất ngủ vì 8,5 sào tiêu của gia đình ông đang nhiễm bệnh và chết dần. Ông Hùng cho biết: Gia đình tôi có 2 lô tiêu với gần 1.800 trụ tiêu. Hơn một tháng trước, lô tiêu lớn (trồng từ năm 2009) bắt đầu nhiễm bệnh. Ban đầu, một vài trụ tiêu xuất hiện triệu chứng lá vàng rũ, sau hơn 1 tháng phát bệnh đã có khoảng 600 trụ tiêu bị chết, 200 trụ còn lại lá đang rũ vàng. Mặc dù tôi đã vô thuốc 2 lần, tốn gần 4 triệu đồng nhưng bệnh trên cây tiêu vẫn không giảm. Chưa dừng lại, mấy ngày qua, lô tiêu non (trồng từ năm 2014) rộng 5 sào của gia đình lại tiếp tục phát bệnh, đến giờ đã có 80 hố cây tiêu có dấu hiệu vàng, rũ lá. Mấy ngày qua, vợ chồng tôi đã vô 2 lần thuốc nhưng chưa thấy công dụng. Đây là lô tiêu đang trong kỳ kiến thiết, toàn bộ tiền đầu tư chưa thu lại được đồng nào, nếu dịch bệnh không dừng lại thì gia đình tôi trắng tay.
Theo những hộ dân ở đây, tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày với chi phí đầu tư lớn. Để trồng được vườn tiêu kinh doanh (bắt đầu cho thu hoạch), người dân phải mất 5 năm chăm sóc (4 năm kiến thiết và 1 năm thu trái bói) với chi phí khoảng 500.000 đồng/trụ. Bình quân, mỗi héc ta người dân trồng 1.600 trụ tiêu với chi phí khoảng 800 triệu đồng. Mỗi gia đình đầu tư cho vườn tiêu tốn từ vài trăm đến hơn cả tỉ đồng nhưng cây tiêu đang lũ lượt chết và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Khả năng diện tích tiêu nhiễm bệnh, tiếp tục chết có thể tăng cao trong thời gian tới nếu không có biện pháp điều trị hiệu quả, kịp thời. Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa Nguyễn Dũng cho biết: Qua kiểm tra, hiện nay, tại xã Sơn Thành Tây có hơn 237ha tiêu bị nhiễm bệnh với tỉ lệ chết khoảng 40%, tương đương với gần 95ha tiêu bị chết hoàn toàn. Còn tại xã Sơn Thành Đông, chính quyền địa phương chưa kiểm tra.
Trong khi đó, những ngày qua, dịch bệnh cũng diễn biến khá phức tạp tại các vùng trồng tiêu ở huyện Sông Hinh. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho hay: Toàn huyện có khoảng 180ha tiêu trồng chủ yếu ở xã Ea Ly và Sông Hinh. Từ đầu mùa mưa năm 2016 đến nay, nhiều vườn tiêu đã phát bệnh và chết với tỉ lệ khoảng 30%.
Cần phương pháp điều trị hiệu quả
Trong suốt những tháng qua khi dịch bệnh bùng phát ở cây tiêu, gần như các hộ dân phải tự “bơi”, chủ yếu họ học hỏi lẫn nhau để mua thuốc điều trị cho vườn tiêu. Theo bà Võ Thị Loan ở thôn Sơn Tây, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), vườn tiêu 5 sào của gia đình bà bị bệnh đã hơn 2 tháng, đến nay đã có hơn 200 trụ bị chết, số tiêu còn sống thì tiếp tục bệnh và có thể chết thêm trong những ngày tới. “800 trụ tiêu của gia đình vào kỳ nuôi trái, những trụ tiêu đang xanh tốt, trĩu hạt bỗng trở “buồn”, lá bắt đầu rũ rồi chết luôn. Từ khi tiêu bị bệnh đến giờ, tôi đã sục thuốc gốc mấy lần với các loại thuốc Ridomil, Diaphos và Agriphos, chi phí gần 15 triệu đồng nhưng bệnh vẫn chẳng có dấu hiệu chững lại”, bà Loan nói. Còn ông Lê Đình Hùng thì cho hay: Khi vườn tiêu bệnh, tôi tự mua các loại thuốc sinh học để đổ gốc, thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng tiêu chết vẫn chết, đến giờ đã chết gần hết 1 lô rồi.
Trong khi đó, theo Công ty CP Vina cà phê Sơn Thành, từ khi tiêu phát dịch, công ty đã hướng dẫn cho người dân sử dụng thuốc Agriphos để sục gốc và phun toàn bộ thân cây. Mỗi lần sục, người dân thực hiện cách tuần và liên tục 3 lần; phun thân cũng tương tự. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí quá cao khoảng 80 triệu đồng/ha và không thể thực hiện tại thời điểm dịch bắt đầu bùng phát vì lúc này trời có mưa liên tục nên không thể phun.
Ảnh hưởng mưa lớn, từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, mực nước ngầm trong khu vực trồng tiêu ở xã Sơn Thành Tây dâng cao, khiến nhiều vườn tiêu bị ngập úng dài ngày, cây tiêu bị thối rễ, nhiều loại nấm xâm hại gây bệnh chết nhanh, chết chậm. Để khắc phục, chi cục đề nghị người dân sớm khai thông nước cho vườn tiêu. Đối với những cây tiêu còn sống có triệu chứng vàng lá nhẹ, bà con bổ sung bón các loại phân lân dễ hòa tan có hàm lượng P2O2 cao dạng lỏng như Siêu Lân 10-55-10+TE để kích thích ra rễ mới. Đồng thời, người trồng nên sử dụng các loại thuốc Fosetyl-aluminium, Phosphorous acid, Dimethomorph... phòng trừ nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm; dùng thuốc Chitosan, Ethoprophos, Diazinon... phòng trừ tuyến trùng rễ. Đối với những cây tiêu đã chết nên nhanh chóng thu dọn, tiêu hủy và xử lý hố bằng vôi để hạn chế nấm bệnh tồn tại trong đất, ảnh hưởng đến vụ sau.
Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) |
THỦY TIÊN - QUỐC TRUNG