Từ bỏ lối làm ăn manh mún, nhiều nhà nông đất Phú mang tư duy của nhà doanh nghiệp đã quy tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa thành những cánh đồng mẫu lớn. Họ ứng dụng kỹ thuật thâm canh mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Làm ăn lớn
Cũng sở hữu hàng chục héc ta đất, trang trại gia đình luôn có cả chục nhân công làm việc nhưng những nông dân ngày hôm nay đang đứng ở một vị thế mới với cái tâm và tầm khác hẳn so với những nông dân thời trước. Họ lao động sản xuất bằng tư duy, bằng sức lao động của mình để đem lại thành quả.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà ba gian lợp ngói đỏ nằm lọt thỏm giữa cánh đồng Cây Dừng rộng lớn ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), ông Trương Nhựt chỉ tay về phía trước mặt nhà, cho biết: “Toàn bộ khu vực này là ruộng của gia đình. Từ sáng đến giờ, tôi và các anh em cùng nhau be bờ, làm đất để chuẩn bị bước vào vụ gieo sạ mới. Vụ đông xuân 2016-2017 tôi canh tác 12ha lúa nên công việc “dày” lắm. Bây giờ làm lúa mà không có đất thì chỉ đắp đổi đủ công nhật (tiền công làm hàng ngày) chứ làm gì có dư”.
Xuất thân từ gia đình thuần nông ở Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa), cuộc sống khốn khó, năm 1982, vợ chồng ông Nhựt đùm túm đưa con cái về quê vợ ở Hòa Thịnh lập nghiệp, vốn liếng chỉ có 1 con bò. Ông Nhựt đổi bò để thuê khu đồng lát trước nhà khai phá. Bằng ý chí và quyết tâm của mình, vợ chồng ông đã biến đồng lát cỏ hoang thành vùng chuyên canh lúa nước. Đến nay, ông đã mở rộng diện tích canh tác lúa lên đến 12ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 170 tấn lúa, mang lại lợi nhuận 300 triệu đồng/năm. Để giải phóng sức lao động, tiết giảm chi phí, hơn chục năm nay ông Nhựt đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện gia đình ông có 3 máy cày, 1 dàn gặt đập liên hợp và gần chục máy bơm chống hạn. Mỗi mùa gieo sạ, gia đình ông phải thuê 20 nhân công phụ giúp các công việc cày đất, be bờ, chăm lúa…
Qua vùng đất Phú hôm nay, ai cũng dễ dàng bắt gặp những cánh đồng, thửa ruộng trải dài một màu xanh mướt. Các nhà nông thực hiện quy tụ ruộng đất thành những cánh đồng bạt ngàn mía ngọt, sắn bùi… Mùa xuân mới lại về trên các rẫy mía, khi giá loại cây trồng này lên mức 1 triệu đồng/tấn. Ông Nguyễn Hữu Thoại ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), cho hay: “Vụ mía năm nay, gia đình tôi trồng gần 70ha. Tôi đã cho nhân công sửa đường, đưa thiết bị vào rẫy để chuẩn bị bước vào thu hoạch. Để có được ngày hôm nay, tôi đã đi qua chặng đường lắm chông gai”.
Rời nơi sinh ra ở TP Tuy Hòa, ông Thoại theo cha mẹ lên vùng kinh tế mới Hòa Hội lập nghiệp. Ông Thoại “bén duyên” với cây mía từ năm 1995, đến năm 2001 khi Nhà máy đường KCP Sơn Hòa đi vào hoạt động. Mở rộng diện tích mía từ 3ha đến nay lên gần 70ha, ông trở thành một trong những nông dân có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh.
Gieo sạ vụ lúa mới ở miền núi - Ảnh: TUYẾT HƯƠNG |
Những cánh đồng bạc tỉ
Chúng tôi có dịp đi qua các vùng nguyên liệu mía trong tỉnh, khi bà con bắt đầu vào vụ thu hoạch. Những rẫy mía có nước tưới “no mình” tròn mẩy, vươn lóng lên cao phả đầu người. Cây mía đang kỳ chín rộ trổ cờ tỏa hương ngọt ngào quyến rũ, theo gió xuân lôi cuốn các vị khách phương xa chúng tôi. Trên các cánh đồng, nhiều cỗ máy hiện đại như những con rô bốt đang cật lực làm việc giúp con người giải phóng sức lao động, tăng năng suất, giảm giá thành và mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu nhất.
Ông Nguyễn Hữu Thoại cho biết: Bây giờ, nông dân trồng mía không chỉ cơ giới hóa khâu làm đất mà cả khâu xuống giống, làm cỏ, bón phân và thu hoạch cũng đều cơ giới. Nếu như trước đây, mỗi khi vào vụ trồng mới tôi phải mất 35 công xuống giống/ngày/ha với chi phí khoảng 6 triệu đồng, thì nay đã có dàn máy trồng Kobuta, mỗi ngày 4 công nhân có thể trồng được 2ha, tiết kiệm được 4 triệu đồng. Gia đình tôi đã đầu tư mua 3 máy cày, 1 máy cắt và 3 dàn máy trồng Kobuta vừa rạch hàng, bón phân, xuống giống và lấp gốc. Từ khi đưa cơ giới hóa vào các công đoạn trong quy trình trồng mía, tôi đã tiết kiệm hơn 10 triệu đồng/ha/ vụ trồng. Nhờ được thâm canh đúng kỹ thuật, mùa mía này, trang trại mía của gia đình cho thu hoạch khoảng 7.000 tấn, mang lại lợi nhuận khoảng 2 tỉ đồng.
Bên cạnh rẫy mía của ông Thoại, đồng mía rộng 80ha của gia đình ông Huỳnh Khắc Vũ cũng đang thu hoạch. Trong số này có nhiều diện tích năm nay ông Vũ áp dụng kỹ thuật trồng hàng đôi nên số lượng mía “đứng” rẫy nhiều hơn hẳn. Ông Vũ khoe: Khả năng vụ này năng suất mía bình quân của tôi vượt 100 tấn/ha, cá biệt có những ruộng mía thâm canh có thể chạm mức 150 tấn/ha.
Rời những đồng mía bạc tỉ, chúng tôi vòng qua vùng trồng tiêu ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa). Các nhà vườn ở đây đang tất bật chăm sóc vườn tiêu. Bốn năm liền, giá tiêu leo dốc đạt từ 180.000-220.000 đồng/kg đã giúp người trồng tiêu hiện thực hóa giấc mơ gặt vàng từ đất. Ông Tạ Văn Tụy, một hộ trồng tiêu điển hình ở địa phương này, cho hay: Gia đình tôi có khoảng 4,5ha, trong đó hơn 3ha tiêu đã vào kỳ kinh doanh, mỗi năm sản lượng thu hoạch đạt khoảng 6 tấn, đem lại nguồn thu nhập trên 1 tỉ đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, khẳng định: Chủ trương dồn điền đổi thửa của Nhà nước ban hành rất kịp thời để khắc phục tình trạng đất đai manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập từ nông nghiệp bấp bênh. Qua đó tạo điều kiện để nông dân tích tụ ruộng đất, hình thành những cánh đồng lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại với nhiều thiết bị cơ giới hóa, giúp giảm giá thành và tăng lợi nhuận. Hiện nay, tỉnh Phú Yên có hàng ngàn nông dân có diện tích canh tác từ 10ha trở lên, tập trung sản xuất các loại nông sản như mía, sắn, rừng kinh tế, cao su…
THỦY TIÊN