Những ngày cuối năm, các làng nghề truyền thống trong tỉnh tất bật vào vụ sản xuất phục tết. Năm nay, việc đầu tư máy móc hiện đại đã giúp người dân làng nghề làm việc nhẹ nhàng, tạo nhiều sản phẩm có giá trị và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Làng nghề vào xuân
Tại làng nghề bánh tráng Hòa Đa (thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An) có gần 380 hộ tráng bánh, cung cấp cho thị trường hàng trăm ngàn cái bánh tráng mỗi ngày. Dịp cuối năm, nhu cầu bánh tráng dùng trong ngày tết, làm quà biếu tăng mạnh nên mỗi hộ dân trong làng nghề đều dồn sức sản xuất. Làm ngày chưa đủ, người dân còn tranh thủ làm đêm để có đủ hàng giao cho khách. Công việc tất bật từ 3 giờ sáng đến tận 10 giờ đêm mỗi ngày. Không khí rộn ràng, tất bật kéo dài từ tháng 11 đến hết tháng Giêng âm lịch.
Thời điểm này, hàng trăm cơ sở chế biến nước mắm truyền thống ở thôn Long Thủy (TP Tuy Hòa), xã An Chấn, An Hòa (huyện Tuy An), Gành Đỏ (TX Sông Cầu), Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa)… cũng rộn ràng vào vụ tết. Với người dân Phú Yên, vào dịp tết, mỗi gia đình đều có một vài lít mắm ngon trong nhà để làm thịt muối, nước chấm... Nước mắm cũng là một món quà để tặng biếu người thân, bạn bè ăn trong những ngày tết. Ông Trình Văn Nam, chủ cơ sở chế biến nước mắm Ba Na ở thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa, cho hay: Những mẻ mắm ngon “chất” nhất đều được ông dành để tiêu thụ vào dịp tết. Bình quân mỗi ngày một cơ sở tiêu thụ từ 300-500 lít mắm. Nước mắm Phú Yên không chỉ nổi tiếng ở trong tỉnh mà còn được ưa chuộng ở các tỉnh bạn như Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Bình Định…
Với các hộ dân ở làng nghề đan đát Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) thì vụ tết năm nay rất khả quan vì người dân đã tìm được đầu ra ổn định. Các cơ sở đan đát lớn đã tìm được nhiều đơn hàng, ổn định nên các hộ sản xuất “vệ tinh” không lo thiếu việc làm tết. Ông Trần Văn Luận, chủ cơ sở đan đát thủ công mỹ nghệ Đồng Nhất, cho biết: Năm nay, cơ sở đã ký hợp đồng cung cấp hơn 7.000 giỏ quà tặng các loại cho một siêu thị ở TP Tuy Hòa. Ngoài ra, dịp cuối năm có nhiều ngày lễ, tết, nhu cầu sử dụng giỏ mây để gói quà tặng lớn nên công việc rất nhiều. Người làng nghề phải cố gắng làm ngày làm đêm để có đủ hàng cung cấp cho thị trường tết. Mặc dù vất vả nhưng ai cũng phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập để đón một cái tết sung túc, đầy đủ hơn.
Hỗ trợ phát triển làng nghề
Đối với người dân đồng bào dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, thì năm nay là một năm khá đặc biệt, bởi làng nghề dệt thổ cẩm của người dân đang được hỗ trợ khôi phục. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống vốn là một nét đẹp, một đặc trưng đáng tự hào của người đồng bào Ba Na. Thế nhưng, theo thời gian, nghề dệt thổ cẩm đang dần bị mai một. Tại thôn Xí Thoại, số người biết dệt thổ cẩm chỉ còn tính trên đầu ngón tay. Trước thực trạng này, cuối năm 2016, Sở Công thương triển khai đề án Hỗ trợ người dân làng nghề mua khung dệt, đào tạo nghề, đi thực tế học nghề… Đơn vị này cũng hỗ trợ người dân thiết kế mẫu mã sản phẩm dệt thổ cẩm phục vụ du lịch, đồng thời kết nối với các kênh tiêu thụ để sản phẩm của làng nghề được đưa ra thị trường, tạo việc làm và thu nhập cho người dân…
Những năm trước, làng nghề dệt chiếu Phú Tân 1, xã An Cư, huyện Tuy An, gặp nhiều khó khăn do sản phẩm khó cạnh tranh, đầu ra không ổn định. Từ khi được hỗ trợ kinh phí đầu tư máy dệt chiếu, làng nghề đã có một diện mạo hoàn toàn mới. Ngoài 249 hộ làm nghề dệt chiếu thủ công, làng nghề còn có 2 tổ sản xuất với trên 30 máy dệt chiếu, cung cấp ra thị trường hàng ngàn sản phẩm mỗi ngày. Sản phẩm chiếu dệt máy đẹp hơn, chắc hơn nên không những dễ tiêu thụ, mà giá trị cũng cao hơn chiếu dệt bằng tay. Hiện nay, ngoài sản phẩm chiếu cói dệt tay truyền thống, làng nghề còn phát triển thêm chiếu dệt may biên, chiếu gấp, chiếu hoa, chiếu thêu… đang rất được thị trường trong nước ưa chuộng.
Còn tại làng nghề bánh tráng Long Bình, khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, không khí làm việc cũng không kém phần sôi động. Làng nghề này vừa được hỗ trợ máy làm bánh tráng đầu tiên nên người dân làng nghề rất phấn khởi. Ông Nguyễn Ngọc Sáu, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đồng Tâm, cho biết: Người dân Long Bình nghe về máy làm bánh đã lâu nhưng chưa dám đầu tư vì chưa biết hiệu quả cũng như chất lượng bánh ra sao. Năm nay, Tổ hợp tác Đồng Tâm được đầu tư máy làm bánh, công suất tăng 3-5 lần, chất lượng bánh cũng không thua kém so với làm bánh thủ công truyền thống trong khi công việc lại nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thấy được kết quả trên nên nhiều hộ dân khác cũng “ngấp nghé” tính chuyện đầu tư máy làm bánh. Hy vọng với việc đầu tư máy tráng bánh, làng nghề bánh tráng Long Bình sẽ ngày càng lớn mạnh hơn.
Hiện Phú Yên có 17 làng nghề được UBND tỉnh công nhận theo tiêu chí làng nghề của Bộ NN-PTNT, trong đó có 14 làng nghề trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong giai đoạn từ 2010-2016, ngành Công thương đã hỗ trợ hơn 4 tỉ đồng cho các cơ sở làng nghề đào tạo lao động, hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật, xây dựng thương hiệu phát triển sản phẩm công ng- hiệp nông thôn tiêu biểu, học tập kinh nghiệm, du nhập nghề mới… Nhờ vậy, nhiều làng nghề truyền thống được hồi sinh...
Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công thương |
NGÔ XUÂN