Thứ Sáu, 15/11/2024 08:11 SA
Tìm tiếng nói chung giữa ngân hàng và hợp tác xã:
Bài 1: Hợp tác xã khát vốn, ngân hàng ngại cho vay
Thứ Sáu, 18/11/2016 08:11 SA

Đại diện HTX nêu lên khó khăn tại buổi đối thoại với các ngân hàng thương mại - Ảnh: LÊ HẢO

Trong khi hầu hết các hợp tác xã (HTX) ở Phú Yên đều cần vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 thì hiện các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn ngần ngại khi xét duyệt cho đối tượng này vay vốn. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên đã đứng ra làm cầu nối giúp ngân hàng và HTX có thể tìm được tiếng nói chung.

 

Phú Yên hiện có trên 100 HTX nhưng chỉ khoảng 10% trong số này vay được vốn từ các ngân hàng. Lý do được các ngân hàng đưa ra khi “nói không” với HTX thường là thiếu tài sản đảm bảo, phương án sản xuất kinh doanh chưa cụ thể, năng lực quản trị, điều hành còn hạn chế...

 

Khó vay ưu đãi

 

Không phải đến bây giờ mới có tình trạng HTX khó tiếp cận vốn ngân hàng. Trong lịch sử quan hệ tín dụng nhiều năm về trước, ngành Ngân hàng phải chịu nhiều tổn thất khi cho HTX vay. Điều này để lại ấn tượng khá sâu đối với các ngân hàng là cho HTX vay đâu là mất vốn đấy. Từ đó, dẫn đến sự e ngại của ngân hàng khi tiếp nhận hồ sơ vay của HTX. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, khi hoạt động của các HTX đã được củng cố, các ngân hàng cũng cần có cái nhìn khác hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận vốn vì không phải HTX nào cũng giống HTX nào. (Ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên)

Từ khi đi vào hoạt động (năm 1979) đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 2 (huyện Đông Hòa) liên tục duy trì việc cung cấp các dịch vụ làm đất, thủy lợi nội đồng, thu hoạch và một số dịch vụ khác. Những dịch vụ này không chỉ mang lại doanh thu cho HTX mà còn giúp ích rất nhiều cho người dân trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ. Mới đây, HTX này làm hồ sơ vay khoảng 700 triệu đồng theo Quyết định 68 để mua máy gặt đập liên hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng ngân hàng chưa đồng ý cho vay. Ông Nguyễn Đình Nhu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 2, cho biết: Nhà nước đã ban hành Nghị định 55 và Quyết định 68 để hỗ trợ HTX vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng từ khi chính sách có hiệu lực đến nay, chúng tôi vẫn chưa thể vay vốn này từ ngân hàng. Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, các HTX ở địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay tối đa 1 tỉ đồng mà không cần tài sản thế chấp. Còn theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, HTX được vay tối đa 100% giá trị hàng hóa khi mua máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, chế biến, thu hoạch nông, thủy sản; đồng thời được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu và 50% trong năm thứ ba. Nhà nước đã quy định như thế nhưng khi HTX nộp hồ sơ vay vốn, ngân hàng lại đòi hỏi tài sản thế chấp, như vậy có đúng không?

 

Kể lại chuyện cũ cách đây hơn 4 năm để nói về việc “trần ai” vay vốn ngân hàng, ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp (huyện Tuy An), chia sẻ: Lúc đó, HTX cần khoảng 1 tỉ đồng để thu mua lúa giống của người dân bán lại cho doanh nghiệp nhưng vì theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP (tiền thân của Nghị định 55), ngân hàng chỉ có thể cho vay tối đa 500 triệu đồng không tài sản đảm bảo nên HTX làm hồ sơ vay 500 triệu đồng. Về mặt thủ tục, HTX hoàn thành rất nhanh chóng và đầy đủ, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, có danh sách hộ thành viên bán lúa giống. Khi tiếp nhận hồ sơ vay, cán bộ tín dụng của ngân hàng đã đi thẩm định, kiểm tra hợp đồng, danh sách thu mua từng hộ, thậm chí yêu cầu mở kho kiểm tra lúa. Trong khi HTX đã mua lúa giống của người dân và hứa 1 tuần sau sẽ trả tiền thì HTX chờ 2 tuần liền vẫn không thấy cán bộ tín dụng trả lời. Khi HTX liên hệ thì người này nói “Khó quá, anh thông cảm”. Tôi hỏi khó làm sao khi nghị định đã quy định như vậy và HTX không thiếu bất cứ thủ tục gì thì cán bộ tín dụng không trả lời thỏa đáng. Theo ông Khoa, đợt đó bí quá, ông phải nhờ Bí thư Huyện ủy can thiệp, HTX mới vay được vốn.

 

Sợ mất vốn

 

Lý giải về việc HTX khó tiếp cận vốn, đại diện một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho rằng với quy định HTX có thể vay tối đa 1 tỉ đồng không cần tài sản đảm bảo thì yêu cầu về tài sản đảm bảo không còn quan trọng. Nguyên nhân chủ yếu khiến các ngân hàng không mấy tin tưởng để xét duyệt cho HTX vay là do nội lực của hầu hết HTX ở Phú Yên còn yếu; năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ lãnh đạo HTX còn hạn chế, dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phong phú, hiệu quả thấp, khả năng cạnh tranh không cao... Và điều tiên quyết là khi HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, cán bộ ngân hàng thẩm định lại thì thấy chưa hiệu quả.

 

“Hiện hầu hết thành viên trong các HTX ở vùng nông thôn đều là khách hàng của ngân hàng. Họ không vay vốn thương mại thì cũng vay vốn chính sách, hoặc thậm chí có nguồn thu dư dả để gửi tiết kiệm ngân hàng nên đã có điều kiện sản xuất, kinh doanh riêng. Thêm vào đó, ngoài dịch vụ thủy lợi nội đồng, đối với các dịch vụ khác như làm đất, thu hoạch, kinh doanh vật tư nông nghiệp, xăng dầu..., HTX phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn nên việc HTX xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, đảm bảo tính cạnh tranh là rất khó”, ông Lại Duy Thường, Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên, nói.

 

Trong khi đó, ông Trần Tư Hà, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An), cho rằng hiện nay, ngân hàng rất dễ tra soát tình hình hoạt động của HTX thông qua các báo cáo tài chính, phương án sản xuất, kinh doanh mà HTX nộp lên các cơ quan chức năng của địa phương hàng năm. Qua đó, nếu ngân hàng thấy HTX hoạt động tốt thì nên có cái nhìn thông thoáng hơn khi quyết định cho vay. Trong bối cảnh nhiều HTX hoạt động còn chưa ổn định thì việc ngân hàng ngần ngại khi cho vay cũng chính đáng nhưng trong quá trình làm ăn kinh tế mà phòng thủ quá thì không nên.

 

Theo ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, nói đến tín dụng là nói đến niềm tin, và trong quan hệ tín dụng thì các bên tin nhau là chính. Do đó, khi HTX mới tiếp cận với ngân hàng, ngân hàng cần có thời gian để thẩm tra tình hình hoạt động và phương án sản xuất, kinh doanh của HTX. Khi hai bên đã có quan hệ vay trả, ngân hàng sẽ dựa vào đó để đánh giá, xếp loại HTX, làm căn cứ cho những lần xét duyệt cho vay sau. Khi HTX được ngân hàng đánh giá là khách hàng tốt thì quan hệ tín dụng giữa hai bên sẽ thuận lợi. Còn khi HTX có lịch sử vay - trả không tốt thì đương nhiên ngân hàng sẽ e dè trong việc cho vay.

 

 

ÔNG TRẦN TẤN KHOA, GIÁM ĐỐC HTX NÔNG NGHIỆP NAM AN NGHIỆP (HUYỆN TUY AN): Cán bộ tín dụng chưa hiểu hết hoạt động của hợp tác xã

 

Theo tôi thấy, hình như cán bộ tín dụng ngân hàng chưa hiểu hết cách hoạt động của HTX. Đối với HTX, lương của các thành viên trong Ban giám đốc hay Hội đồng quản trị không cố định mà thay đổi theo lợi nhuận của hoạt động sản xuất, kinh doanh. HTX sản xuất, kinh doanh có lãi thì Ban giám đốc và Hội đồng quản trị mới có lương và ngược lại, nếu HTX lỗ thì chúng tôi phải nhận lương thấp hoặc thậm chí không có lương. Chưa kể, nếu năm này HTX bị lỗ thì phải chuyển lỗ qua năm sau, khi đó, lương càng thấp nữa. Vì hoạt động của HTX liên quan mật thiết đến thu nhập của ban lãnh đạo cũng như thành viên HTX nên khi làm phương án sản xuất, kinh doanh, chúng tôi đắn đo rất kỹ. Khác với các doanh nghiệp tư nhân được thì chủ doanh nghiệp ăn cả, HTX được thì phải chia đều, còn không được thì giám đốc HTX “chết” trước.

Phân tích những việc nói trên để cho thấy hiếm có giám đốc HTX nào dám làm việc gì sai trái. Thế nên, ngân hàng cần có cái nhìn đúng đắn hơn về HTX để tạo cơ chế thông thoáng khi cho HTX vay.

 

 

ÔNG LẠI DUY THƯỜNG, PHÓ GIÁM ĐỐC AGRIBANK PHÚ YÊN: Ngân hàng và hợp tác xã chưa hiểu nhau

 

Thật ra lâu nay, giữa ngân hàng và HTX vẫn chưa hiểu nhau. Đại diện HTX cho rằng nếu HTX thua lỗ thì giám đốc “chết” trước, ngân hàng cũng thế. Ngân hàng còn khổ hơn thế vì ngân hàng không chỉ bị ảnh hưởng bởi các quyết định chủ quan, mà còn phải chấp nhận rủi ro khi khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Lúc đó, ngân hàng phải trích lợi nhuận để xử lý nợ rủi ro. Đối với ý kiến của HTX cho rằng mỗi khi nộp hồ sơ, cán bộ ngân hàng xem qua rồi trả lời không cho vay thì cụ thể là ai trong ngân hàng đã trả lời như thế. Nếu là cán bộ tín dụng nói không thì HTX cần lên ngân hàng gặp trưởng phòng tín dụng, giám đốc chi nhánh, rồi giám đốc các chi nhánh khác hoặc giám đốc ngân hàng tỉnh... chứ đừng chỉ dừng lại ở cấp dưới rồi đổ lỗi tất cả cho ngân hàng.

 

Đến nay, Agribank Phú Yên huy động được 6.000 tỉ đồng nhưng chỉ mới cho vay được khoảng 5.000 tỉ đồng. Như vậy, chúng tôi không sợ thiếu vốn cho vay mà chỉ sợ HTX không có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả để cho vay. Chúng tôi mong muốn ngân hàng và HTX cần ngồi lại để tìm tiếng nói chung. Vì khi đó, ngân hàng thì đẩy được vốn còn HTX cũng có điều kiện để làm ăn.

 

---------------------- 

BÀI CUỐI: Tích cực kết nối

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek