Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Đinh Dậu, hiện các ngành chức năng và doanh nghiệp của tỉnh đang tích cực triển khai bình ổn giá thị trường. Mục tiêu là không để xảy ra thiếu hàng, “sốt” giá.
Đoàn kiểm tra Sở Tài chính, Sở Công thương kiểm tra hàng hóa tại một điểm bán của Công ty CP Thương mại Miền Núi - Ảnh: VÕ PHÊ |
20 tỉ đồng để bình ổn giá
Mới đây, Bộ Công thương đã đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá sát nguồn cung, nhu cầu hàng hóa của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý. Các sở cần xây dựng phương án hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay với lãi suất ưu đãi. Bộ cũng yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tổ chức hoạt động kết nối tiêu thụ giữa những cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm sạch… |
Theo Sở Công thương, dự kiến, UBND tỉnh sẽ tạm ứng 20 tỉ đồng từ ngân sách cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường. Số tiền này sẽ đáp ứng bình quân từ 3-15% so với tổng nhu cầu của người dân đối với 6 nhóm hàng thiết yếu là gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, gia cầm và rau củ quả. Số lượng hàng thiết yếu sẽ được dự trữ gồm: 200 tấn gạo các loại, 25 tấn đường, 22.000 lít dầu ăn các loại, 120 tấn thịt heo, 30 tấn thịt gia cầm, 250 tấn rau củ quả. Hàng hóa tham gia chương trình bình ổn phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác và giá bán ổn định. Thời gian để chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức bán hàng là 5 tháng (kể từ ngày 1/12/2016 đến hết ngày 30/4/2017).
Cũng theo Sở Công thương, những đơn vị tham gia chương trình phải có chức năng sản xuất, kinh doanh hàng hóa phù hợp với các nhóm hàng tham gia trong kế hoạch; có uy tín, năng lực, kinh nghiệm kinh doanh; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt trong thời gian thực hiện bình ổn, có năng lực tài chính. Doanh nghiệp phải cam kết hàng hóa tham gia chương trình bình ổn đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng; niêm yết giá bán và bán đúng giá đã được phê duyệt; có phương tiện vận chuyển hàng hóa, điểm bán hàng cố định trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp phải treo băng rôn, bảng hiệu, bảng giá tại điểm bán hàng; bố trí hàng hóa bình ổn ở vị trí thuận tiện, riêng biệt để người dân dễ nhận biết và mua sắm. Tuy nhiên, để được tham gia và tạm ứng vốn, các doanh nghiệp phải xây dựng phương án triển khai và đăng ký với các sở Tài chính, Công thương.
Theo Sở Tài chính, sở sẽ tạm ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp sau khi UBND tỉnh phê duyệt mức tạm ứng. Sở cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả thị trường của các mặt hàng tham gia bình ổn và báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh khi giá cả xảy ra biến động theo chiều hướng tăng.
Doanh nghiệp tích cực tham gia
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Năm ngoái, Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa và Công ty CP Thương mại Miền Núi là hai đơn vị tham gia bình ổn giá. Năm nay, sở cũng đã thông báo để các doanh nghiệp đăng ký.
Lâu nay, Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa là doanh nghiệp cung ứng hàng bình ổn giá với số lượng lớn của tỉnh, năm nay, đơn vị này cũng đăng ký tham gia chương trình. Ông Nguyễn Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, cho hay: Chúng tôi đã chủ động nguồn cung từ rất sớm. Tổng lượng hàng dự kiến cung ứng trong dịp này tăng so với năm ngoái gồm: 100 tấn gạo, 80 tấn đường RE, 30.000 lít dầu ăn, 50 tấn thịt heo, 20 tấn thịt gà và 100 tấn rau củ quả. Siêu thị cũng bố trí 5-10 xe tải để tổ chức bán hàng lưu động. Đơn vị đã đề xuất Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh - Sài Gòn Co.op hỗ trợ nguồn hàng dự trữ, cung ứng với giá bình ổn và có thể bổ sung kịp thời trong trường hợp biến động thị trường.
Còn theo ông Ngô Đình Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại Miền Núi, công ty dự trữ 130.000 lít dầu ăn Marvela, 160 tấn gạo Lộc Phượng, 125 tấn đường tinh luyện KCP. Công ty sẽ niêm yết giá bán lẻ công khai tại các điểm bán hàng bình ổn giá. Trong quá trình thực hiện, nếu giá có biến động trên 5%, công ty sẽ xin ý kiến Sở Tài chính để điều chỉnh. Hiện nay, mỗi huyện đều có 1 điểm bán hàng cố định của công ty. Riêng tại 3 huyện miền núi, đơn vị cũng đã mở thêm 5 điểm bán hàng ở các khu vực dân cư cách xa trung tâm. Tuy nhiên, công ty rất cần tỉnh tạm ứng vốn, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc dự trữ hàng, đảm bảo bán hàng bình ổn giá.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích cho biết thêm: Trong thời gian thực hiện chương trình, Sở Công thương sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường, tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn; đồng thời giám sát các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị nguồn hàng, mạng lưới bán hàng và giá bán hàng bình ổn. Để giúp các doanh nghiệp, điểm bán quảng bá sản phẩm bình ổn, tạo điều kiện mở rộng thị trường nội địa, sở cũng sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân mua sắm hàng bình ổn tại các điểm bán do các doanh nghiệp này cung ứng.
KHANG ANH