Thứ Sáu, 15/11/2024 16:27 CH
Hiệu quả từ chính sách định canh định cư
Thứ Bảy, 12/11/2016 08:00 SA

Một buổi sinh hoạt cộng đồng tại xã miền núi ở huyện Sông Hinh - Ảnh: PV

Thời gian qua, việc thực hiện chính sách định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 33/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp người dân vùng miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở Phú Yên có chỗ ở an toàn, hạn chế những thiệt hại do thiên tai, từng bước ổn định cuộc sống.

 

Chỗ ở an toàn

 

Theo ông Lê Liên, người uy tín ở buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), trước đây, đồng bào Ê Đê buôn Mả Vôi sống quy tụ ven sông Ba để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong trận lũ năm 2009, tất cả vùng trũng ven sông Ba đã bị ngập lụt, trong đó có 71 hộ người Ê Đê buôn Mả Vôi. Để bảo đảm an toàn cho các hộ dân, chính quyền các cấp đã vận động đồng bào ở đây di dời lên cao. Đến năm 2012, buôn tái định cư mới được xây dựng, các hộ của buôn Mả Vôi cũ đã có chỗ ở mới. Đồng bào được ở trong nhà ngói khang trang, đường bê tông xi măng, có nhà văn hóa, có hệ thống lưới điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nhờ đó, thu nhập của bà con thay đổi đáng kể với 20 triệu đồng/người/năm, cao hơn 3 triệu đồng/người/năm so với năm 2012. Đến nay, nhiều trận lũ đã đi qua, gần nhất là đợt lũ vừa rồi nhưng đồng bào nơi đây vẫn sống ổn định.

 

Cũng như buôn Mả Vôi, người dân ở khu tái định cư Gò Đạo (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa), từ năm 2012 đến nay không còn sống trong cảnh ngập lụt vào mỗi mùa mưa bão. Chị Nguyễn Thị Lanh, một hộ dân ở đây, cho biết: Nơi ở trước kia của gia đình tôi gọi là xóm Bến. Đó là vùng trũng nên năm nào vào mùa mưa bão cũng bị ngập lụt. Từ năm 2012, chính quyền đưa chúng tôi đến sinh sống tại Khu tái định cư Gò Đạo. Được cấp đất và hỗ trợ 10 triệu đồng nên gia đình tôi xây nhà kiên cố với diện tích 83m2. Trong thôn lại có trường học, công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa, đường liên thôn được bê tông hóa… nên đời sống của chúng tôi đã ổn định, không còn lo mưa gió, ngập lụt nữa.

 

Không chỉ những người dân sống ở vùng dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người dân ở những vùng không có điều kiện vật chất phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cũng được di cư tới nơi ở mới. Điển hình là 12 hộ đồng bào H’Mông ở các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào dốc Phường, nơi giáp ranh giữa 2 huyện Tây Hòa và Sông Hinh. Theo UBND xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh), khu vực dốc Phường nằm trong núi sâu, xa dân cư và xa đường đi. Khi tới đây, các hộ này sống biệt lập trong núi, sống trong cảnh không có nhà ở, không điện, đường, trạm y tế… Họ phải đối mặt với bệnh sốt rét rừng, ăn uống và sinh hoạt tạm bợ. Từ năm 2013, các hộ này được sắp xếp sống xen ghép tại thôn Nam Giang, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh), từ đó đến nay chất lượng cuộc sống của họ đã được nâng lên.

 

Hay 196 hộ dân trên địa bàn huyện Đồng Xuân, từ chỗ không có chỗ ở hoặc phải ở những nơi không an toàn do thường xảy ra thiên tai, đến năm 2014 đã được bố trí chỗ ở ổn định. Ông Phạm Văn Trung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân, cho biết: Trận lũ vừa qua, tuy địa phương bị chia cắt do nước lũ dâng cao, chịu nhiều thiệt hại nhưng những hộ đồng bào nhờ được tái định cư từ năm 2014 ở xã Xuân Lãnh, Xuân Quang 1 và được bố trí sống xen ghép ở xã Đa Lộc, Xuân Phước, Xuân Quang 2 đều an toàn và có cuộc sống ổn định.

 

 

Được di dời lên khu tái định cư, đồng bào không còn lo cảnh ngập lụt, bão lũ và yên tâm xây dựng nhà cửa ổn định cuộc sống - Ảnh: MINH DUYÊN

 

 

Tiếp tục ổn định cuộc sống

 

Hiện tại 2 huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, nhu cầu về đất, nhà ở của người dân cơ bản đã được giải quyết. Để tiếp tục ổn định cuộc sống, người dân đã được quan tâm hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập. Theo ông Phạm Văn Trung, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn huyện Đồng Xuân có 111 hộ được cấp đất, 296 hộ được hỗ trợ mua nông cụ phát triển sản xuất. Huyện cũng dự phòng kinh phí 300 triệu đồng cho khoảng 20 hộ có khả năng phát sinh nhu cầu về đất sản xuất. Có nhà ở ổn định, có đất sản xuất và nông cụ sản xuất, người dân sẽ có nền tảng vững chắc để thoát nghèo.

 

Huyện Sông Hinh thì còn 25 hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa được bố trí chỗ ở ổn định. Ông Nay Y Rố, Phó Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, cho biết: Địa phương đang triển khai đề án Bố trí sắp xếp dân cư đến năm 2020. Các điểm giãn dân mới tại buôn Gao, buôn Học (xã Ea Lâm); buôn Lê Diêm, buôn Thô (thị trấn Hai Riêng) đang được giải phóng mặt bằng. Ngay khi làm xong việc này, chính quyền sẽ kéo điện, làm đường, xây dựng hệ thống cấp nước…, đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho người dân. Huyện cũng sẽ cấp đất, hỗ trợ tiền xây nhà cho người dân để ổn định cuộc sống. Chậm nhất đến năm 2020, các hộ này sẽ ổn định chỗ ở. 

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2013 đến nay, Phú Yên được đầu tư gần 63 tỉ đồng để triển khai 6 dự án định canh định cư và 2 dự án xen ghép, trong đó vốn Trung ương gần 50,2 tỉ đồng và vốn địa phương hơn 12,8 tỉ đồng. Kết quả, đến năm 2014, toàn tỉnh đã đưa 896 hộ về các điểm định canh định cư. Từ năm 2015 đến nay, Phú Yên tiếp tục bố trí chỗ ở cho 246 hộ. Các hộ được di dời tới những điểm định canh định cư mới, đến nay cơ bản đã ổn định cuộc sống.

 

MINH DUYÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek