Theo một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, từ lúc nghiệm thu đến khi phê duyệt quyết toán công trình thường mất một khoảng thời gian nhất định. Do đó, việc lập hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) ngay từ ngày nghiệm thu hoàn thành công trình, bàn giao đưa vào sử dụng dựa vào giá trị hợp đồng nhiều trường hợp sẽ không trùng với giá trị quyết toán.
Gửi thắc mắc đến cơ quan thuế, đại diện Công ty TNHH Tư vấn - Xây dựng Hoàng Thiện (huyện Đông Hòa) cho hay công ty có hợp đồng giám sát công trình trị giá 30 triệu đồng. Khi khối lượng hoàn thành được 60%, được chủ đầu tư cho tạm ứng 16,5 triệu đồng, công ty đã xuất hóa đơn thanh toán đợt 1 với số tiền này. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư chuyển tiền thì chỉ chuyển có 15 triệu đồng. Như vậy, khi công trình hoàn thành, công ty phải xuất hóa đơn như thế nào, xuất hóa đơn theo ngày thanh lý hợp đồng hay xuất hóa đơn theo ngày chủ đầu tư chuyển tiền?
Cũng gặp vướng về ngày xuất hóa đơn GTGT khi thực hiện các công trình xây dựng, đại diện DNTN Xí nghiệp xây dựng Ngọc Thành (TX Sông Cầu) cho rằng: Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC ngày 17/4/2014 quy định phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với đơn vị lập hóa đơn không đúng thời điểm. Nhưng trên thực tế, quy định này chỉ phù hợp với một số hàng hóa thuộc về thương mại hay dịch vụ, còn về xây lắp công trình thì chưa phù hợp. Vì sau khi nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng, các bên mới làm được quyết toán và trình quyết toán lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt, kể cả phần phát sinh tăng, giảm (nếu có). Khi bộ phận tài chính phê duyệt con số chính thức, giá trị công trình mới được Nhà nước công nhận. Như vậy, trên thực tế, từ khi nghiệm thu đến lúc phê duyệt quyết toán công trình thường mất một khoảng thời gian nhất định, nên việc lập hóa đơn GTGT ngay từ ngày nghiệm thu hoàn thành công trình, bàn giao đưa vào sử dụng dựa vào giá trị hợp đồng nhiều trường hợp sẽ không trùng với giá trị quyết toán. Do đó, việc xuất hóa đơn GTGT đúng thời điểm vào ngày nghiệm thu bàn giao công trình là rất khó và thiệt thòi cho doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế Phú Yên, giải thích: Điểm a, khoản 2, Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định: “Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng”. Còn Điểm 2.10 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, hướng dẫn: “Cơ sở xây dựng có công trình xây dựng, lắp đặt mà thời gian thực hiện dài, việc thanh toán tiền thực hiện theo tiến độ hoặc theo khối lượng công việc hoàn thành bàn giao, phải lập hóa đơn thanh toán khối lượng xây lắp bàn giao. Hóa đơn GTGT phải ghi rõ doanh thu chưa có thuế và thuế GTGT.Trường hợp công trình xây dựng hoàn thành đã lập hóa đơn thanh toán giá trị công trình nhưng khi duyệt quyết toán giá trị công trình xây dựng cơ bản có điều chỉnh giá trị khối lượng xây dựng phải thanh toán thì lập hóa đơn, chứng từ điều chỉnh giá trị công trình phải thanh toán”. Căn cứ các quy định trên, doanh nghiệp có hoạt động tư vấn giám sát công trình thì ngày lập hóa đơn là thời điểm nghiệm thu bàn giao từng hạng mục công trình, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp công trình xây dựng hoàn thành đã lập hóa đơn thanh toán giá trị công trình nhưng khi duyệt quyết toán giá trị công trình xây dựng cơ bản có điều chỉnh giá trị khối lượng xây dựng phải thanh toán thì doanh nghiệp lập hóa đơn, chứng từ điều chỉnh tương ứng.
VIỆT AN