Thời gian qua, nhiều vùng nuôi ở huyện Tuy An và TX Sông Cầu xảy ra tình trạng cá nuôi bị chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người nuôi cá thả nuôi với mật độ phù hợp, đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường quản lý vùng nuôi…
Cá nuôi chết hàng loạt
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y TX Sông Cầu, đầu tháng 10/2016, một số vùng nuôi ở đầm Cù Mông thuộc các xã Xuân Hòa, Xuân Hải đã xuất hiện tình trạng cá bớp nuôi lồng bị chết hàng loạt. Ông Võ Thanh Bình ở xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu), cho biết: Tại hai thôn Hòa Thọ và Hòa Phú ở xã Xuân Hòa đã có hơn 80% hộ dân nuôi cá mú và cá bớp. Khoảng đầu tháng 10, cá nuôi ở khu vực này bị chết hàng loạt, nhiều hộ nuôi thiệt hại nặng. Gia đình tôi bỏ ra hơn 50 triệu đồng, nuôi 6 lồng với khoảng 600 con cá bớp và cá mú, nhưng đến nay có khoảng 2/3 số cá đã chết. Tại thời điểm cá chết, nước ở khu vực vùng nuôi không tốt, có khả năng do ô nhiễm…
Theo ông Nguyễn Hữu Đài, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TX Sông Cầu, qua kiểm tra thì cá bớp và cá mú nuôi tại 2 xã Xuân Hòa và Xuân Hải bị chết đến 60-80% tổng đàn, cá biệt có một số hộ nuôi tỉ lệ cá chết lên đến 90-100%. Ở hai xã này có hơn 40 hộ nuôi khoảng 575 lồng với hơn 34.440 con cá bớp và cá mú. Cá bớp chết có trọng lượng từ 2-6kg/con. Trên thân và nội tạng của cá không tìm thấy dấu hiệu bệnh. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân cá chết là do thời tiết thay đổi đột ngột, xuất hiện mưa giông làm cho nước bị phân tầng. Đồng thời do gió chuyển hướng từ tây nam sang đông bắc nên làm xáo trộn tầng đáy, biên độ nhiệt trong ngày chênh lệch cao làm thay đổi môi trường nước. Ban đêm có xuất hiện sương mù và thủy triều xuống thấp khi trời gần sáng dẫn đến hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giảm mạnh. Mặt khác, cá bớp là loại cá sống ở tầng nước giữa và gần đáy, ngưỡng ôxy của cá bớp cao hơn các loài cá khác nên nếu bị thiếu ôxy, cá chết rất nhanh.
Ông Nguyễn Hữu Đài cho biết thêm, trạm đã kiến nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) thu mẫu nước, mẫu cá để xác định tác nhân gây bệnh, từ đó có biện pháp phòng trị bệnh cho cá nuôi tốt hơn. Đồng thời, trạm cũng đề nghị UBND các xã Xuân Hòa, Xuân Hải vận động người nuôi vớt xác cá chết đem vào bờ chôn hoặc đốt theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường vùng nuôi, thống kê cụ thể số lượng lồng nuôi, cá nuôi và cá bị chết để báo cáo UBND TX Sông Cầu. Để hạn chế thiệt hại, người nuôi cá cần đặt lồng nuôi ở vị trí thông thoáng, có lưu tốc dòng chảy tối thiểu từ 0,5-1m/s, định kỳ vệ sinh lưới lồng nuôi để làm tăng quá trình trao đổi nước qua lồng nuôi. Sang thưa mật độ khoảng 40 con/lồng đối với cá lớn để tránh hiện tượng cá bị thiếu ôxy cục bộ tại lồng nuôi. Người nuôi thường xuyên tắm cho cá để tiêu diệt ký sinh trùng và vi khuẩn bám vào mang cá làm cản trở quá trình hô hấp.
Tăng cường quản lý vùng nuôi
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, ngoài tại TX Sông Cầu, đầu tháng 10/2016, cá chẽm, cá hồng, cá mú nuôi lồng tại xã An Hải (huyện Tuy An) cũng chết đột ngột và hàng loạt. Theo thống kê, tại xã An Hải đã có khoảng 3.500 con cá nuôi chết, kích cỡ cá mú và cá hồng từ 0,3-0,4kg/con còn cá chẽm từ 0,6-0,7kg/con. Đến nay, cá nuôi tại các vùng nuôi nói trên đã ổn định, không còn hiện tượng chết hàng loạt. Ông Nguyễn Minh Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Cá chết ở các vùng nuôi TX Sông Cầu và huyện Tuy An đều không có biểu hiện bất thường, không có các dấu hiệu bệnh lý của bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây ra trên cá. Thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết, vùng nước tại khu vực nuôi thuộc các xã Xuân Hòa, Xuân Hải bị vẩn đục. Còn vùng nước khu vực nuôi thuộc xã An Hải cũng xuất hiện màu nước bất thường, nước có màu hơi đen, vẩn đục, bốc mùi hôi thối.
Theo ông Nguyễn Minh Phát, giải pháp trước mắt là thường xuyên theo dõi cá nuôi, nhất là ban đêm, cần chuyển lồng đến vị trí nuôi thông thoáng hơn, áp dụng các biện pháp tạo ôxy để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước. Người nuôi cần sử dụng lưới lồng có kích cỡ mắt lưới phù hợp, thường xuyên làm vệ sinh lưới lồng nuôi để loại bỏ các sinh vật bám, đồng thời sang thưa mật độ cá để tránh hiện tượng thiếu ôxy cục bộ. Người nuôi thường xuyên tắm cho cá để tiêu diệt ký sinh trùng, vi khuẩn bám vào mang cá, không sử dụng thức ăn ươn, bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cá nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiến nghị Sở NN-PTNT chỉ đạo Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản triển khai lấy mẫu nước định kỳ tại các vùng nuôi để xét nghiệm, đưa ra những cảnh báo kịp thời. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có nuôi trồng thủy sản cần quy hoạch vùng nuôi phù hợp và quản lý nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch. UBND tỉnh cần có ý kiến đối với các ngân hàng thương mại cho người nuôi cá ở các địa phương trên vay vốn có cơ chế gia hạn nợ, khoanh nợ và cho vay mới để khôi phục sản xuất.
ANH NGỌC