Thứ Bảy, 16/11/2024 03:17 SA
Nguy cơ phá vỡ vùng nguyên liệu sắn
Thứ Tư, 02/11/2016 11:00 SA

Người dân xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) trồng rừng - Ảnh: LÊ TRÂM

Hiện giá gỗ nguyên liệu tăng, ngược lại giá sắn thấp nên nông dân trong tỉnh có xu hướng bỏ trồng sắn chuyển sang trồng rừng kinh tế. Đáng lo ngại là không chỉ trồng rừng trên đất gò đồi, nông dân còn trồng tràn sang cả đất nông nghiệp, gây nguy cơ phá vỡ vùng nguyên liệu sắn.

 

Bỏ sắn trồng rừng

 

Theo Sở NN-PTNT, mùa trồng rừng năm 2016, toàn tỉnh trồng 6.000ha rừng tập trung, trong đó có 4.200ha rừng sản xuất, 1.400ha rừng phòng hộ và 600ha rừng trồng thay thế do trước đây đã sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp để thực hiện các dự án. Còn trong năm 2015, toàn tỉnh trồng gần 4.000ha; trong đó, rừng sản xuất 3.600ha, rừng phòng hộ - đặc dụng khoảng 400ha. Đối với cây mía, niên vụ 2015-2016, diện tích sản xuất đạt 26.220ha, đến niên vụ 2016-2017 chỉ còn khoảng 23.000ha. Đối với sắn, niên vụ 2015-2016 đã trồng 21.534ha, đến niên vụ 2016-2017 còn khoảng 18.000ha...

Những ngày qua, trời mưa gió nhưng nhiều nông dân ở các xã Sơn Định, Sơn Long (huyện Sơn Hòa) vẫn rủ nhau đi mua cây giống về trồng rừng kinh tế. Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Sơn Long, chở cây giống vào trồng tại khu đất trước nhà, cho biết: Trước đây, nhiều hộ khai hoang gò đồi trồng sắn, mía, lâu ngày đất rửa trôi, bạc màu; nếu tiếp tục trồng sắn, mía sẽ không lãi nên người dân chuyển sang trồng rừng. Thêm vào đó, gần đây giá gỗ nguyên liệu tăng, còn giá sắn thấp nên người dân còn trồng rừng lấn cả phần đất nông nghiệp lâu nay vẫn trồng sắn. Hiện gỗ nguyên liệu keo lá tràm, bạch đàn có giá 1.200 đồng/kg, tương đương 1,2 triệu đồng/tấn; trung bình trồng 1ha rừng kinh tế, sau 5 năm khai thác thu hoạch được 70-80 tấn, trừ chi phí bình quân người trồng rừng thu được 60-70 triệu đồng. Còn sắn thì được nhà máy thu mua với giá 1.450 đồng/kg 30 độ bột; thế nhưng vụ này sắn bị bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng nên chỉ đạt 15-20 độ bột, thương lái mua tại đám chỉ còn 500-700 đồng/kg, trừ chi phí cày bừa, phân bón, chăm sóc…, cuối vụ phủi tay về không.

 

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng ở xã Sơn Định, nếu trồng sắn, mía thì người dân phải bỏ công chăm sóc, thu hoạch hàng năm nên tính ra không lãi. Nhưng cũng đám đất đó, nếu trồng cây lâm nghiệp rồi đi làm thuê mướn kiếm tiền, thì 5 năm sau, người dân bán gỗ thu hoạch được sẽ kiếm bộn tiền. Còn ông Phan Tấn Vinh ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), cho hay: “Đất này lâu nay tôi chỉ để trồng sắn nhưng nay buộc phải trồng rừng. Nguyên nhân là do đám đất bên cạnh họ đã trồng rừng, khi cây cao lớn sẽ làm đất của mình bị rập (khuất ánh nắng mặt trời), sắn sẽ không phát triển nổi. Hơn nữa lá keo, bạch đàn chứa chất dầu, khi bay theo gió “đậu” sang đất nhà mình thì cỏ cũng không ngóc đầu nổi huống chi sắn, mía”.

 

Lo ngại điệp khúc “trồng, chặt”

 

Theo ông Trịnh Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, hiện trồng rừng mang lại nguồn thu nhập cao nên phong trào trồng rừng trong xã phát triển rất mạnh. Trước đây, nông dân chủ yếu trồng keo lá tràm, còn nay họ chuyển sang trồng bạch đàn. Nguyên nhân là do trồng keo chỉ thu được một lần, còn trồng bạch đàn thì thu hoạch lứa đầu rồi cây sẽ nứt nhánh và người dân có thể “ăn” tiếp lứa cây con nữa.

 

Mặc dù trồng rừng kinh tế đang là xu hướng được người dân thực hiện nhưng ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết phong trào trồng rừng tuy mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng nguy cơ phá vỡ vùng quy hoạch sắn, mía vốn cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn là rất lớn. Vì vậy, huyện khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả, nay trồng mai chặt mà tuân thủ quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nếu nông dân đổ xô trồng rừng, có thể sau một thời gian, điệp khúc “trồng, chặt” sẽ lặp lại.

 

Hiện phong trào trồng rừng kinh tế không chỉ phát triển mạnh ở các huyện miền núi Phú Yên mà ở các huyện đồng bằng cũng sốt sắng trồng rừng. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, diện tích mía ở huyện này theo quy hoạch là 1.100ha; nhưng nông dân chỉ giữ được khoảng 700ha, còn lại họ chuyển qua trồng sắn. Tuy nhiên, vụ rồi sắn bị bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng nên giá bán thấp, người dân lại nhổ sắn đi, đầu tư trồng cây lâm nghiệp... Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho hay những ngày qua, đơn vị đã cử cán bộ về các xã, thị trấn trên địa bàn vận động người dân không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà đổ xô trồng cây nguyên liệu giấy, phá vỡ quy hoạch. Địa phương cũng đã đề nghị các nhà máy chế biến tinh bột sắn, sản xuất đường cần có giá thu mua hợp lý để khuyến khích nông dân trồng sắn, mía nguyên liệu, đảm bảo diện tích theo quy hoạch...

 

TRÂM TRÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek