Khu vực miền núi trong tỉnh, từ các thôn, buôn đặc biệt khó khăn đến các xã vùng sâu, vùng xa đều được ưu tiên hỗ trợ vốn xây dựng hạ tầng cơ sở, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Cuộc sống thay đổi
Về thôn Đá Mài, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), bộ mặt thôn khá khang trang với các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh đã hoàn thiện. Đời sống của người dân theo đó cũng được nâng lên với thu nhập bình quân đầu người từ 17 triệu đồng/người/năm (năm 2012) lên 24 triệu đồng/người/năm. Ông Đặng Ngọc Hồng, Trưởng thôn Đá Mài, cho biết: Ngoài công trình nhà văn hóa, thì công trình nước sinh hoạt tập trung và giao thông nông thôn đang góp phần hoàn thiện hạ tầng cơ sở ở thôn. Năm 2010, công trình nước sinh hoạt tập trung đi vào hoạt động bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đã giúp 100 hộ dân có nước sinh hoạt dùng. Nay, từ nguồn vốn Chương trình 134, 135, công trình này được mở rộng và số hộ được sử dụng nước sinh hoạt tăng lên hơn 150 hộ. Khi 4km đường trục chính của thôn nằm trên quốc lộ 29 và đường tới thủy điện Sông Ba Hạ được hoàn thành sẽ nâng hệ thống giao thông nông thôn trong thôn được bê tông hóa lên 80%. Có hạ tầng cơ sở tốt, thôn đã thu hút nhiều doanh nghiệp tới đầu tư, sản xuất như: Nhà máy gạch tuynel, Nhà máy chế biến gỗ và Nhà máy đường ăn kiêng (thuộc Tổng công ty Mía đường 2); từ đây giải quyết việc làm cho trên 130 lao động của thôn.
Từ một xã đặc biệt khó khăn, một thời gian dài, Ea Ly phải nhận cứu đói giáp hạt của chính quyền các cấp. Nhờ có nguồn vốn lồng ghép của Chương trình 135, Nghị quyết 30a, xây dựng nông thôn mới… nên hạ tầng cơ sở trên địa bàn xã đã được kiện toàn. Ông Nguyễn Minh Gia Nho, Chủ tịch UBND xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), cho biết: Hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn trong xã đã được bê tông hóa kéo dài tới tận các thôn, xóm, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, công trình cấp nước cơ bản hoàn thiện. Từ đây tạo đà để người dân phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh dịch vụ nên cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã từ 18 triệu đồng/người/năm vào năm 2013, đến nay tăng lên 27 triệu đồng/người/năm; số hộ khá, giàu tăng nhanh với số hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/năm chiếm 50% tổng số hộ trong xã. Ea Ly là xã duy nhất của tỉnh được Chính phủ công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Trong giai đoạn 2013-2015, huyện Sơn Hòa đăng ký bê tông giao thông nông thôn 217,6km nhưng chỉ thực hiện được gần 39km/116 tuyến, đạt gần 18%, thấp nhất trong 3 huyện miền núi. “Sau khi được UBND tỉnh quan tâm đầu tư, trong năm 2016, địa phương đã đăng ký bê tông hóa thêm 89km, nâng số kilômét đường đã hoàn thành lên 60% so với kế hoạch ban đầu”, ông Nay Y BLung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, nói.
Có được những kết quả trên là nhờ các thôn, buôn, xã và huyện miền núi được đầu tư vốn xây dựng hạ tầng cơ sở từ các chương trình hỗ trợ của tỉnh, của Nhà nước. Trong đó, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh chủ trương đầu tư chủ yếu cho vùng miền núi. Theo Sở GTVT, bê tông giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015, trong 9 huyện, thị xã, thành phố thì 3 huyện miền núi là Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa đạt tỉ lệ bê tông hóa giao thông nông thôn thấp nhất, với gần 300km/450km đường chưa hoàn thành. Vì vậy, đề án Bê tông giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện khoảng 1.200km, ưu tiên chủ yếu cho vùng miền núi, đặc biệt là các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Tiếp tục đầu tư
Vào mùa hạn, huyện Sơn Hòa có hơn 2.000 hộ dân thiếu nước, xảy ra nghiêm trọng nhất ở thôn Ma Giấy, Ma Y của xã Phước Tân, các buôn Ma Lăng, Ma Đỉa ở xã Cà Lúi, buôn Độc Lập C, Thanh Minh ở xã Ea Chà Rang, thôn Tân Hiệp, Tân Hợp của xã Sơn Hội, thôn Suối Cau của xã Sơn Hà và các buôn Thu, Khăm (xã Krông Pa)… Trong khi đó, 21/22 công trình nước hư hỏng, 6.000 giếng đào mực nước xuống thấp không đủ nước cung cấp cho người dân. Ông Nay Y BLung cho biết: Trước tình trạng đó, địa phương đã nhận được nguồn vốn tạm ứng chống hạn của UBND tỉnh 600 triệu đồng và 200 triệu đồng của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, kịp thời đào mới 4 giếng ở xã Phước Tân và 2 giếng ở xã Ea Chà Rang để giải cơn khát trước mắt. Về lâu dài, tình trạng thiếu nước sẽ được khắc phục triệt để khi mới đây Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT) đã đầu tư hơn 40 tỉ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ các dự án cấp bách phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn của Chính phủ, để xây dựng công trình cấp nước xã Suối Trai và Ea Chà Rang. Dự kiến cuối năm 2017, 2 công trình này sẽ đi vào sử dụng, giải quyết nước sinh hoạt cho hơn 8.000 người dân hai xã này.
Còn ông Phạm Văn Trung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân, cho biết: Tại những vùng khó như xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2…, các thôn Hà Rai, Thạnh Đức, Suối Mây, Tân Hòa… điều kiện cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thiện, đời sống của bà con còn nhiều vất vả do đường đi lại khó khăn, thiếu nước sinh hoạt và trạm y tế xuống cấp. 2 năm gần đây, từ Chương trình 135, Nghị quyết 30a, địa phương được hỗ trợ 20,8 tỉ đồng, làm đường liên thôn Tân Long - Tân Hòa, Lãnh Vân - Hà Rai; mở rộng công trình cấp nước thôn Tân Bình; nâng cấp 2 trạm y tế xã Xuân Quang 3 và xã Xuân Sơn Nam…
Từ đầu năm đến nay, khu vực miền núi Phú Yên được hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở thông qua Chương trình 135, Nghị quyết 30a. Theo đó, toàn tỉnh có 18 xã, 30 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 7 huyện, thị xã cùng 2 huyện miền núi nghèo là Sông Hinh, Đồng Xuân được thụ hưởng hơn 51 tỉ đồng, qua đó xây dựng 105 công trình hạ tầng cơ sở như giao thông, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình nước, trạm y tế… So với năm 2015, đến nay, toàn tỉnh có 7/37 thôn và 1/19 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Theo Ban Dân tộc tỉnh |
MINH DUYÊN