Là xã vùng ven TP Tuy Hòa, Hòa Kiến bình yên với những cánh đồng lúa, rau màu, hoa trái xanh ngắt. Nhờ phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh hiện đại đã giúp xã này trở thành vùng quê trù phú.
Cán bộ kỹ thuật và nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao ở HTX Hòa Kiến 1 - Ảnh: MINH DUYÊN |
Ông Tô Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến, cho biết: Trên địa bàn xã có gần 1.800ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm hơn 60% tổng diện tích đất tự nhiên của xã. Xác định nông nghiệp là trọng tâm phát triển của địa phương nên chính quyền xã thực hiện nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi theo hướng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, nông sản trở thành hàng hóa đáp ứng cao nhu cầu thị trường. Trong 5 năm qua, địa phương đã đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, kỹ thuật canh tác tiên tiến cho bà con, hình thành các khu chuyên canh rau màu và sản xuất lúa chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Nông dân Hòa Kiến hôm nay làm ruộng đã có máy móc, giống mới và lịch thời vụ nghiêm ngặt của hợp tác xã. Từ các mô hình trồng lúa, 2 HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp là Hòa Kiến 1 và Hòa Kiến 2 đã giúp bà con xóa bỏ thói quen dùng lúa thịt thoái hóa làm giống cũng như canh tác sạ lan dày, hình thành nên vùng chuyên canh lúa chất lượng cao. Ông Tô Tấn Nguyên, Giám đốc HTX Hòa Kiến 1, cho biết: Bắt đầu từ mô hình trồng lúa lai Xuyên Hương 178, bà con thấy được hiệu quả với năng suất từ 75-80 tạ/ha, cao hơn lúa thường từ 5-10 tạ/ha; cho lãi gần 15 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng thường gần 3,5 triệu đồng/ha. Đến nay, bà con đều có thói quen sử dụng lúa giống, áp dụng kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Nhờ vậy, thu nhập các hộ dân từ làm lúa cũng tăng lên từ 5-10 triệu đồng/ha/vụ.
Gắn với chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn đã giúp các hộ dân xã Hòa Kiến có thu nhập cao. Từ mô hình sản xuất rau theo quy trình VietGAP với 16 hộ dân tham gia, đến nay đã có hơn 100 hộ áp dụng kỹ thuật này, có thôn có tới 2/3 hộ dân trồng rau sạch, lãi từ 100-200 triệu đồng/ha/năm; điển hình như thôn Sơn Thọ, Cẩm Tú… Ông Đỗ Văn Trực ở thôn Sơn Thọ, chia sẻ: Với 1ha đất trồng hành, hàng năm gia đình tôi lãi khoảng 150 triệu đồng. Còn theo ông Huỳnh Công Lý ở thôn Cẩm Tú, với 1ha trồng hành xen đu đủ, mỗi năm gia đình ông lãi được 100 triệu đồng.
Ông Lương Công Thinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Kiến, cho biết: Trước đây, đất sản xuất nông nghiệp ở xã Hòa Kiến chỉ trông vào lúa một vụ, đời sống người dân vì thế bấp bênh. Khi chính quyền và nhân dân cùng nỗ lực xây dựng nông thôn mới, thì sản xuất nông nghiệp, hạ tầng cơ sở được đầu tư. Từ mô hình sản xuất rau sạch theo quy trình VietGAP, lúa chất lượng cao…, nhiều hộ nông dân được tiếp thu kỹ thuật hiện đại nên đã tạo ra một làn gió mới trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi cây trồng, từ đó xuất hiện những nông dân làm giàu từ chính đồng đất quê hương.
Ông Trương Minh Tường ở thôn Quan Quang với 5 sào đất trồng rau cũng có thu nhập đủ trang trải cuộc sống. “Nhờ được tham gia các lớp tập huấn, được xem trình diễn mô hình để tận mắt thấy được hiệu quả của sự thay đổi tư duy nông nghiệp, giờ trồng rau nhàn lắm, nước đã có hệ thống giàn tưới tự động, không dùng phân hóa học mà dùng phân hữu cơ và thiên địch nên cây ít sâu bệnh mà bảo vệ được sức khỏe cho gia đình cũng như người tiêu dùng. Nhờ vậy mà rau bán được giá cao”, ông Tường nói
Xã Hòa Kiến đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Đến xã Hòa Kiến hôm nay, đường bê tông nông thôn kéo tới tận từng ngõ, xóm với 67km đường làng, đường kênh mương được cứng hóa. Trẻ em các độ tuổi đều được tới trường. Xã còn xây mới chợ trung tâm và một số nhà văn hóa thôn, sân thể thao… phục vụ việc mua bán, sinh hoạt văn hóa, thể thao cho nhân dân. Theo UBND xã Hòa Kiến, hiện thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt hơn 25 triệu đồng/người/năm; 95% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm, 95% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh…
HẢI PHONG