Ngoài việc can thiệp vào hệ thống đo đếm để trộm cắp điện, nhiều người còn lợi dụng biểu giá điện, câu móc trái phái để trục lợi. Tình trạng này đang diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến công tác kinh doanh của ngành Điện.
Nhiều trường hợp vi phạm
Khoản 2 Điều 30 Thông tư 27/2013 của Bộ Công thương quy định: Nếu bên mua điện sử dụng điện sai mục đích có mức giá cao hơn mức giá đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện, bên mua điện phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện khoản tiền chênh lệch giá trong thời gian vi phạm mục đích sử dụng điện, cộng với lãi suất của khoản tiền chênh lệch giá do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp không xác định rõ thời điểm vi phạm mục đích sử dụng điện, thời gian được tính là 12 tháng. Ngoài ra, bên mua điện còn bị phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. |
Mặc dù mỗi đợt thay đổi giá bán điện, ngành Điện đều phổ biến rộng rãi để khách hàng biết và áp dụng, thế nhưng tình trạng vi phạm giá điện trong thời gian qua vẫn tăng đáng kể. Theo Công ty Điện lực Phú Yên, từ đầu năm đến nay, công ty đã phát hiện 599 vụ vi phạm sử dụng điện. Nếu trong quý I/2016, công ty phát hiện 80 vụ thì đến quý III lên đến 208 vụ, tăng gần 198% so với cùng kỳ.
Ông Ngô Minh Hoàng, Trưởng Phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện Công ty Điện lực Phú Yên, cho biết: Giá bán điện do Nhà nước thống nhất ban hành, quy định theo đối tượng và mục đích sử dụng. Bên mua điện có trách nhiệm kê khai đúng mục đích sử dụng điện để Điện lực tính giá bán điện theo đúng quy định. Trường hợp có thay đổi mục đích sử dụng điện, làm thay đổi giá đang áp dụng thì bên mua điện phải thông báo cho bên bán điện trước 15 ngày để điều chỉnh, áp giá trong hợp đồng theo đúng mục đích sử dụng thực tế. Mặc dù công ty khuyến cáo khách hàng sử dụng điện đúng mục đích đã ký kết, nhưng trên thực tế vẫn có khách hàng cố tình thực hiện không đúng để trục lợi.
Tại huyện Đông Hòa, thời gian qua, ngành Điện phát hiện trên 20 vụ vi phạm giá. Ông Lê Tấn Hiền, Tổ trưởng Tổ Kiểm tra giám sát mua bán điện của Điện lực Đông Hòa, cho biết: Việc sử dụng điện không đúng như cam kết xảy ra nhiều với những khách hàng có hai công tơ sử dụng cho hai mục đích khác nhau là sinh hoạt và mục đích khác có mức giá thấp hơn sinh hoạt. Để trả tiền điện thấp, khách hàng chuyển dần một số thiết bị sử dụng điện lớn dùng sinh hoạt gia đình sang công tơ điện được áp giá thấp hơn. Đơn cử như tại hộ bà H.T.H ở thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành đăng ký mua điện vào mục đích sản xuất thu gom tái chế bao bì, nhưng lại dùng cho sinh hoạt gia đình. Qua kiểm tra, Điện lực Đông Hòa truy thu hơn 2,7 triệu đồng.
Tương tự, hộ ông Đ.C ở xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa đăng ký công tơ 3 pha để xay xát gạo và công tơ 1 pha để sinh hoạt trong gia đình. Khi Điện lực Tây Hòa kiểm tra thì phát hiện lượng điện phục vụ sinh hoạt của gia đình khách hàng này chuyển qua điện 3 pha. Sau khi bị phát hiện, khách hàng này phải bồi thường cho ngành Điện hơn 1,8 triệu đồng.
Tại huyện Tuy An lại phổ biến tình trạng khách hàng đăng ký điện sinh hoạt nhưng sử dụng cho mục đích kinh doanh dịch vụ. Đơn cử như hộ ông N.T.V ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa kinh doanh dịch vụ internet nhưng không báo cho ngành Điện biết và phải bồi thường hơn 4 triệu đồng. Trường hợp khác, khách hàng đăng ký mục đích sản xuất nhưng sử dụng vào kinh doanh dịch vụ do giá điện sản xuất thấp hơn so với giá điện kinh doanh dịch vụ...
Tăng cường xử lý vi phạm
Để giảm thiểu tình trạng trục lợi giá điện, thời gian qua, Công ty Điện lực Phú Yên đã tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm, qua đó truy thu gần 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ Kiểm tra giám sát mua bán điện của Điện lực Tuy An, khó khăn nhất khi phát hiện khách hàng vi phạm giá điện là thuyết phục họ ký vào biên bản vi phạm. Nhiều trường hợp đã được kiểm tra, phát hiện và lắp đặt công tơ đúng mục đích sử dụng điện, nhưng có trường hợp vẫn tái diễn tình trạng câu móc điện sai quy định để trục lợi.
Ông Nguyễn Khoa Trình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, cho biết: Trước tình trạng gia tăng số vụ vi phạm về giá điện như hiện nay, công ty đã chỉ đạo các Điện lực trực thuộc kết hợp với việc ký lại hợp đồng mua bán điện với khách hàng; rà soát từng đối tượng khách hàng, quản lý chặt việc cấp hợp đồng mua điện cho các trường hợp mới; đồng thời thường xuyên kiểm tra đột xuất nhằm tránh thất thoát về giá điện. Bên cạnh đó, công ty còn phối hợp với các địa phương lồng ghép việc tuyên truyền về giá điện thông qua các cuộc họp ở khu dân cư. Công ty cũng có chính sách thưởng nóng cho những ai phát hiện khách hàng vi phạm sử dụng điện, trong đó có vi phạm về giá.
HOA HỒNG