Chủ Nhật, 17/11/2024 01:51 SA
Chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp tại các HTX:
Nhiều cơ hội để phát triển
Thứ Hai, 17/10/2016 07:55 SA

Thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) chăm sóc cây giống để phục vụ mùa trồng rừng năm 2016 - Ảnh: MINH DUYÊN

Toàn tỉnh có 19 HTX nông lâm nghiệp, làm dịch vụ trồng rừng, quản lý đất rừng và 1 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất gỗ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Nếu biết kết nối những HTX này lại với nhau thì đây là điều kiện thuận lợi để hình thành chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp trong các HTX.

 

Nhiều tiềm năng

 

Tại HTX Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), 600 hộ thành viên có rừng sở hữu gần 2.450ha đất lâm nghiệp. Mỗi hộ có diện tích rừng từ 1.000m2 đến 80ha, trong đó 13 hộ có hơn 10ha rừng và có nhu cầu về cây giống số lượng nhiều. Ông Trần Văn Điện ở thôn Quảng Mỹ, thành viên HTX Hòa Mỹ Tây, cho biết hiện toàn bộ 80ha rừng của gia đình ông chủ yếu trồng keo, nhu cầu cây giống mỗi năm lên đến 100.000 cây. “Tôi thường mua cây giống ở Trung tâm Giống cây trồng tỉnh vì chất lượng cây ở đây đồng đều về độ tuổi, chiều cao… Mong sao HTX mở được dịch vụ này, cung cấp cây giống chất lượng tốt để thành viên như tôi có thể mua, vừa đi gần vừa hỗ trợ được HTX phát triển”, ông Điện nói.

 

Khác với HTX Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, 5 năm nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) hình thành chuỗi cung ứng phục vụ trồng rừng cho thành viên của mình, gồm: ươm cây giống, khai thác rừng và thu mua gỗ. Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc HTX, cho biết: HTX quản lý 2.600ha đất lâm nghiệp, trong đó hơn 2.500ha đất rừng đã được trồng keo lai và bạch đàn. HTX có vườn ươm rộng 1,5 sào, mỗi năm bán cho bà con từ 500.000-700.000 cây giống các loại. Ngoài ra, HTX còn làm dịch vụ khai thác rừng với đội khai thác gồm 20 người có nhiệm vụ hỗ trợ bà con cắt tỉa cành, phân bổ cây, cưa gỗ đưa về nhà… HTX cũng vận động 531 thành viên có rừng ký hợp đồng bán và tiêu thụ sản phẩm. Đối với việc tiêu thụ sản phẩm gỗ, từ đầu năm đến nay, HTX liên hệ với Công ty TNHH Á Châu (TX Sông Cầu) thu mua toàn bộ gỗ của thành viên HTX với giá hợp lý.

 

Trong khi đó, HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa) luôn có nhu cầu mua gỗ làm nguyên liệu sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX Tân Hòa Bình, cho hay: HTX gia công sản phẩm bàn, ghế, tủ, giường mỹ nghệ xuất khẩu sang thị trường châu Âu, với doanh thu từ 6-10 tỉ đồng/năm. Vì vậy, mỗi năm HTX cần từ 450-570m3 gỗ phục vụ cho sản xuất và phải mua gỗ từ các tỉnh Đắk Lắk, Bình Định… Nếu các HTX trong tỉnh cung cấp sản phẩm gỗ đáp ứng nhu cầu của HTX Tân Hòa Bình thì chúng tôi sẽ ưu tiên đặt hàng, mà không phải đi mua các nơi xa, chi phí vận chuyển cao.

 

Tạo cơ hội phát triển

 

Theo Liên minh HTX tỉnh, thành viên HTX có rừng luôn có nhu cầu sử dụng dịch vụ lâm nghiệp của HTX. Một số HTX đã hình thành dịch vụ lâm nghiệp phục vụ bà con. Chính HTX cũng có nhu cầu tiêu thụ gỗ nên có thể trực tiếp thu mua cho thành viên. Trồng rừng, làm dịch vụ phục vụ sản xuất rừng và tiêu thụ sản phẩm từ rừng sẽ tạo ra chuỗi sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu biết kết nối những tiềm năng này lại với nhau. Muốn vậy, các HTX phải nâng cao trình độ cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, để làm được điều này là rất khó đối với các HTX, vì phần lớn các thành viên của HTX vẫn có thói quen mua giống cây ở các nơi khác và bản thân các HTX cũng chỉ mới đáp ứng được 10% nhu cầu trồng và tiêu thụ sản phẩm rừng của thành viên mình.

 

Ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, cho biết: HTX không có vườn ươm nên chưa chủ động được nguồn giống bán cho bà con. Thành viên HTX từ trước tới nay vẫn trồng theo thói quen mà chưa có kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng như khai thác rừng… Họ vẫn khai thác theo kiểu tự phát, gỗ bán chưa đạt đủ độ tuổi, nên giá trị kinh tế chưa cao. Còn theo ông Nguyễn Hữu Thành, tuy HTX có đội khai thác rừng nhưng vẫn hoạt động thô sơ, chưa có cưa chuyên dụng, chưa có xe tải chở gỗ và kỹ thuật thì cũng chỉ làm theo kinh nghiệm.

 

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Để khắc phục những điểm yếu trên của các HTX lâm nghiệp, Liên minh HTX tỉnh vừa phối hợp với Hiệp hội Quản lý rừng Phần Lan triển khai chương trình hỗ trợ những người trồng rừng ở miền Trung. Hoạt động này nhằm chuyển giao kỹ thuật ươm giống, trồng rừng, chăm sóc, khai thác và tiêu thụ sản phẩm từ rừng và được đầu tư vốn mua sắm trang thiết bị cho các HTX trong tỉnh. Từ đây, các HTX có chứng chỉ rừng PEFC theo chuẩn châu Âu, làm tiền đề củng cố hoạt động lâm nghiệp theo hướng bền vững. Khi đó, sản phẩm gỗ hay hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ của HTX dễ dàng tiếp cận thị trường châu Âu. “Các HTX có tiềm năng phát triển lâm nghiệp, Liên minh HTX tỉnh đã tạo điều kiện tiếp cận chương trình này rồi, còn việc nắm bắt được cơ hội hay không thì phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính các HTX”, ông Lam nói.

 

MINH DUYÊN

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek