Nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ nuôi bò, đầu năm 2016, Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa đã triển khai dự án Nuôi bò khép kín, bền vững cho người dân địa phương. Đến nay, mô hình sản xuất này cho kết quả tốt, người dân chủ động học tập, nhân rộng.
Tăng thu nhập
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, từ năm 2010, phong trào nuôi bò ở huyện phát triển mạnh, có thời điểm toàn huyện có hơn 10.000 hộ dân nuôi bò, chiếm gần 50% số hộ dân toàn huyện, với đàn bò khoảng 20.000 con. Thời điểm này, nghề nuôi bò trở thành nghề “thời thượng”, đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, khi thị trường thịt bò bị cạnh tranh mạnh từ nguồn thịt nhập khẩu thì nghề nuôi bò ở Phú Hòa gặp nhiều khó khăn do giá giảm, lợi nhuận không còn cao nên nhiều hộ đã chuyển nghề. Đến nay, địa phương này còn khoảng 7.000 hộ nuôi bò với tổng đàn 16.400 con; nếu thị trường bò thịt không được cải thiện thì khả năng người dân sẽ tiếp tục giảm đàn.
Trước thực trạng này, để giúp người dân duy trì và phát triển nghề nuôi bò, huyện Phú Hòa triển khai dự án Nuôi bò khép kín, bền vững tại các xã Hòa Quang Bắc, Hòa Định Đông, Hòa An và thị trấn Phú Hòa. Theo dự án này, những hộ khi tham gia không chỉ chuyên nuôi bò như trước đây mà sẽ nuôi bò kết hợp với nuôi trùn quế và gia cầm… Cụ thể trong dự án này, người nuôi bò sẽ tận dụng phân bò để nuôi trùn quế, trùn quế sau thu hoạch trở thành thức ăn cho gia cầm, phân trùn đem bón cho cỏ để có thức ăn nuôi bò. Nguồn thu nhập được tăng lên nhờ có thêm các nguồn thu bổ trợ.
Ông Dương Tấn Thịnh ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông, cho hay: Trước đây, nuôi bò có lãi cao nên gia đình tôi chỉ chuyên nuôi bò, nhưng hai năm nay giá bò hạ, thu nhập từ nuôi bò giảm hẳn, nếu chỉ chuyên nuôi bò thì không lãi được bao nhiêu. Vì vậy, khi huyện triển khai dự án Nuôi bò khép kín, bền vững thì gia đình tôi tham gia. Khi sản xuất theo mô hình, tôi không chỉ nuôi bò mà còn dựng trại nuôi trùn quế, gà thả vườn và gà nòi. Nhờ có trùn quế làm thức ăn bổ sung nên gà rất mau lớn, khỏe mạnh. Giá gà lại khá cao, gà nòi khoảng 700.000 đồng/con, gà thả vườn từ 85.000-90.000 đồng/kg, bình quân 4 tháng tôi xuất một lứa khoảng 50 con, cho thu nhập khoảng 9 triệu đồng, còn gà nòi thì nuôi và bán quanh năm. Mặc dù giá bò vẫn ở mức thấp, nhưng nhờ có thêm nguồn thu từ nuôi gà nên thu nhập của gia đình vẫn ổn định.
Còn theo bà Lê Thị Nở ở khu phố Định Thọ 1, thị trấn Phú Hòa, gia đình bà đang nuôi bò kết hợp nuôi heo, gà nòi và trùn quế. Hiện bà nuôi 2 con bò thịt, 8 con heo sinh sản và 100 con gà nòi. Hàng ngày, bà Nở gom phân bò và heo đem nuôi trùn quế, sau đó thu trùn để nuôi gà nòi, nhờ vậy giảm được chi phí thức ăn cho đàn gà mà lại giúp gà mau lớn. Bình quân, từ mô hình chăn nuôi này gia đình bà có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, khi tham gia dự án Nuôi bò khép kín, bền vững, gia đình bà còn giải quyết được vấn đề chất thải chăn nuôi, giúp bảo vệ môi trường. So với chỉ chuyên nuôi bò thì việc đa dạng nguồn thu theo dự án này mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Tiếp tục nhân rộng
Dự án Nuôi bò khép kín, bền vững mang lại hiệu quả nên nhiều nông dân ở Phú Hòa học tập và làm theo. Bà Lê Thị Mộng Lệ ở thôn Đồng Lãnh, xã Hòa Quang Bắc, cho biết: Trước đây, khi bò có giá, gia đình tôi phát triển đàn bò, có thời điểm trong chuồng có đến 10 con; bình quân cho lãi từ 10-15 triệu đồng/con/năm. Nhưng 2 năm trở lại đây giá bò giảm, lãi ít, nếu hộ nào không có bò sinh sản phải mua bò giống để nuôi thì không có lãi. Vừa qua, khi thấy các hộ ông Bửu, Phương, Son và bà Loan… tham gia dự án Nuôi bò khép kín, bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi đã học tập theo. Tôi đã xây 2 ô trại nuôi trùn quế và quây lưới nuôi thêm 200 con gà thả vườn/lứa (mỗi năm nuôi được 3 lứa). Nhờ nguồn thu bổ trợ từ nuôi gà nên kinh tế gia đình khá hơn hẳn. Trước đây nếu nuôi 5 con bò sinh sản, mỗi năm chỉ lãi khoảng 40 triệu đồng thì hiện nay, mỗi năm tôi có lãi thêm 30 triệu đồng từ nuôi gà. Dự kiến, sắp tới tôi sẽ nuôi thêm 2 con heo nữa để có thêm nguồn thức ăn nuôi trùn và tăng đàn gà lên 300 con.
Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa Nguyễn Siêng, ưu điểm của dự án Nuôi bò khép kín, bền vững là tận dụng được nguồn phụ phẩm từ chăn nuôi, đa dạng vật nuôi để tăng nguồn thu nhập. Ngoài ra, dự án này còn giúp người chăn nuôi giải quyết “bài toán” về chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, giúp phát triển nghề nuôi bò một cách bền vững. Do đó thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn để người dân chủ động nhân rộng mô hình sản xuất này.
THỦY TIÊN