3 năm qua, công tác định canh định cư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sông Hinh đã giúp giải quyết chỗ ở cho hàng trăm hộ đồng bào. Từ đây, các hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống.
Ổn định chỗ ở
Theo Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, đến cuối năm 2014, 270/369 hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở đã được bố trí định canh định cư, ổn định cuộc sống. Đến nay, toàn huyện có thêm 74 hộ được bố trí chỗ ở tại thôn Nam Giang (xã Sơn Giang), buôn Đức, buôn Mùi (xã Ea Trol) và buôn Ken (xã Ea Bá), với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng.
“Đất lành chim đậu”, đồng bào H’Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào ở tại dốc Phường (giáp ranh giữa 2 huyện Tây Hòa và Sông Hinh). Theo UBND xã Sơn Giang, khi mới di cư vào, 12 hộ này sống biệt lập trong núi với điều kiện sống khó khăn như không có nhà ở, không điện, đường, trạm y tế… Năm 2012, thực hiện Quyết định 1176 của UBND tỉnh, các hộ này được sắp xếp xen ghép chỗ ở tại thôn Nam Giang. Đến năm 2013, các hộ này đã có nhà ở ổn định.
Dân số phát triển khiến số hộ mới phát sinh thêm không có đất ở, đó là tình trạng của 62 hộ đồng bào Ê Đê ở buôn Đức, buôn Mùi và buôn Ken. Theo UBND xã Ea Bá, buôn Ken từ chỗ chỉ có 160 hộ đã tăng lên 185 hộ, trong đó có 22 hộ không có đất ở. Các hộ này được hỗ trợ mỗi hộ 400m2 đất cùng 16 triệu đồng để làm nhà, kéo điện, nước, mua lúa gạo cứu đói trước mắt. Nhờ đó từ đầu năm đến nay, 22 hộ đồng bào Ê Đê này đã dựng được nhà ở kiên cố, mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ sinh hoạt gia đình, bắt tay cải tạo vườn tạp và phát triển chăn nuôi.
Ổn định cuộc sống
Có nhà ở kiên cố, nhiều hộ đồng bào đã ổn định cuộc sống. Chị La Thị Phượng, 24 tuổi, người dân tộc H’Mông ở thôn Nam Giang, chia sẻ: Cuộc sống của gia đình tôi khi chưa tới nơi tái định cư này rất khó khăn, ngoài thiếu đói còn phải đối mặt với sốt rét rừng. Nhà cửa tạm bợ nên điều kiện vệ sinh cũng không đảm bảo. Từ năm 2013, về nơi ở mới, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 8 triệu đồng cùng 500m2 đất xây nhà ở. Giờ, gia đình tôi đã có đất trồng sắn, mía, có bò nuôi nên không còn nghèo nữa.
Theo Ma Nhiên, Trưởng buôn Ken, do tập tục và đời sống văn hóa của đồng bào nên không gian sống ngoài chỗ ở bà con còn cần chỗ nuôi heo, trâu, bò…; vừa để tự cung tự cấp phục vụ sinh hoạt hàng ngày, vừa trao đổi buôn bán nâng cao mức sống. Do đó, khi gia đình có hộ mới phát sinh, cuộc sống sẽ thêm phần khó khăn và nhiều hộ mới phát sinh thì không gian sống trong buôn cũng bị thu hẹp lại. Nay khu tái định cư xen ghép buôn Ken hoàn thành, các hộ mới này đã được cấp đất, hỗ trợ tiền để xây dựng cuộc sống mới. Giờ những hộ này đã yên tâm bắt tay vào trồng sắn, mía và nuôi bò để thoát nghèo, buôn Ken cũng được mở rộng ra, trù phú hơn.
Ông Y Thanh, Chủ tịch UBND xã Ea Trol, cho biết: Từ năm 2015, 40 hộ ở buôn Đức, buôn Mùi trên địa bàn xã không có đất ở đã được cấp đất, xây nhà ổn định cuộc sống. Mặc dù số hộ nghèo ở những buôn đồng bào này còn cao, nhưng cơ bản không còn xảy ra tình trạng đói giáp hạt, thu nhập cũng tăng từ 8 triệu đồng/người/năm lên 12 triệu đồng/người/năm.
Hiện, trên địa bàn huyện Sông Hinh còn 25 hộ đồng bào chưa được bố trí chỗ ở ổn định. Tuy nhiên, theo lộ trình đề án Bố trí sắp xếp dân cư đến năm 2020 thì địa phương này đang giải phóng mặt bằng để quy hoạch điểm giãn dân mới tại buôn Gao, buôn Học, xã Ea Lâm; buôn Lê Diêm, buôn Thô ở thị trấn Hai Riêng để tiếp tục bố trí cho các hộ còn lại. Ông Nay Y Rố, Phó Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, cho biết: Ngay khi giải phóng mặt bằng xong, việc xây dựng hạ tầng cơ sở gồm điện, đường, hệ thống cấp nước… sẽ được xây dựng để bà con sớm nhận đất, xây nhà, ổn định cuộc sống. Địa phương phấn đấu chậm nhất đến năm 2020, các hộ dân trên địa bàn huyện đều ổn định chỗ ở, an tâm làm ăn sinh sống.
BẠCH VÂN