Nhằm nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh, các cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê tại Phú Yên đã đầu tư công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất. Tuy nhiên, để giữ vững thương hiệu cà phê của Phú Yên thì cần nhiều yếu tố, trong đó có sự nỗ lực hơn nữa của doanh nghiệp, công tác phối hợp, hỗ trợ của các ngành chức năng.
Cạnh tranh lành mạnh để giữ thương hiệu
Theo Sở Công thương, Phú Yên có những thương hiệu cà phê nổi tiếng như Huy Tùng, Hương Hương, Thiên Hương, Dạ Thảo, Minh Hoàng, Tháp Sơn, Nẫu Sì Gòn… Thời gian qua, đơn vị đã tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê của tỉnh nâng cấp thiết bị, xây dựng nhãn mác, bao bì, tham gia giới thiệu, triển lãm tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã có những nỗ lực lớn trong việc đầu tư quy trình, công nghệ sản xuất, góp phần nâng chất lượng sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Đài Trang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Huy Tùng, cho biết: Với uy tín được xây dựng 37 năm qua, thương hiệu cà phê Huy Tùng không chỉ quen thuộc với người dân Phú Yên mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác như Bình Định, Đà Nẵng, Hà Nội… Doanh nghiệp luôn ý thức về uy tín, thương hiệu. Để làm ra sản phẩm sạch, tạo niềm tin cho khách hàng, chúng tôi chú trọng tất cả các khâu. Mới đây, chúng tôi đã đầu tư công nghệ rang tự động, đồng thời chọn lọc kỹ nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng, bảo đảm độ sạch, ẩm của những cơ sở cung ứng sạch. Công ty cũng đã phát triển thêm 5 sản phẩm mới với những bao bì, mẫu mã mới, bắt mắt. Nhờ đó, lượng tiêu thụ mỗi tháng từ 40-45 tấn, tăng 15-20%/năm. Còn theo ông Lê Nhật Trường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hương Hương Phú (cà phê Hương Hương), hiện nay, sản phẩm cà phê Hương Hương đã được phân phối cho hơn 15 tỉnh, thành trong cả nước với sản lượng từ 40-50 tấn/tháng. Việc thay đổi bao bì, nhãn mác, nâng cao chất lượng sản phẩm luôn được công ty quan tâm hàng đầu. Thời gian qua, công ty cũng đã xây dựng lôgô nhận diện thương hiệu với mục tiêu tạo sự khác biệt cho sản phẩm, nhằm tạo thế cạnh tranh trên thị trường, đồng thời cung cấp sản phẩm với giá cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu số đông người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Theo các ngành chức năng, trong khi những doanh nghiệp, cơ sở uy tín đẩy mạnh nhiều biện pháp để cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ thương hiệu thì vẫn còn số ít cơ sở nhỏ lẻ sản xuất chưa đạt chất lượng, sử dụng nhiều phụ gia, phụ phẩm và bán với giá rẻ. Điều này gây ảnh hưởng đến các thương hiệu cà phê uy tín của Phú Yên. Song nghịch lý là những loại cà phê này cũng đáp ứng một phần nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, bán cà phê vỉa hè trên đường Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), nói: Tôi bán cà phê “cóc” nên giá chỉ 6.000-7.000 đồng/ly. Tôi thường mua cà phê bột ở chợ Tuy Hòa với giá khoảng 80.000-100.000 đồng/kg. Nếu mua cà phê giá cao hơn thì bán không có lãi. Hơn nữa, loại cà phê này cũng được nhiều người ưa chuộng.
Ông Lê Nhật Trường cho biết thêm: Khó khăn hiện nay là vấn đề tạp chất. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ có thể lợi dụng điểm yếu của người tiêu dùng, pha trộn nhiều hương liệu, tạp chất, làm giảm chất lượng cà phê, bán giá rẻ. Người tiêu dùng nên phân biệt giữa cà phê “mộc” và cà phê pha gia vị.
Cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng
Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Cà phê Phú Yên vốn nổi tiếng nhưng vì cạnh tranh nên một số cơ sở sản xuất, kinh doanh pha trộn tạp chất. Muốn giữ vững thương hiệu cà phê của Phú Yên, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng cà phê đạt chuẩn, tăng cường quảng bá, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm cà phê khác. Doanh nghiệp phải tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê phải làm thế nào để khách hàng ngoài tỉnh, khách du lịch đến Phú Yên an tâm sử dụng cà phê Phú Yên. Các ngành chức năng cần có biện pháp để cùng doanh nghiệp giữ thương hiệu cà phê của Phú Yên.
Theo ông Đặng Phúc, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, hiện toàn tỉnh có 17 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cà phê hạt, bột được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Với những cơ sở đã đăng ký thương hiệu, chất lượng sản phẩm cà phê đều đạt, hợp với quy chuẩn của Bộ Y tế. Chi cục cũng vừa tiến hành kiểm tra ở một số cơ sở sản xuất cà phê trong tỉnh. Kết quả, phần lớn cơ sở đảm bảo các điều kiện sản xuất theo quy định, 1 cơ sở sản xuất nhỏ có giấy phép kinh doanh nhưng chưa đăng lý chất lượng sản phẩm, chưa được cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Lực lượng kiểm tra đã nhắc nhở và yêu cầu cơ sở này sớm khắc phục.
Ông Huỳnh Công Điềm, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Lâu nay, đơn vị luôn chú trọng và tổ chức kiểm tra thường xuyên công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa. Qua kiểm tra, các lực lượng chưa phát hiện trường hợp vi phạm thương hiệu, nhãn hàng hóa… Thời gian qua, đơn vị đã tăng cường xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Mặt khác, để bảo vệ thương hiệu cà phê của tỉnh, sở cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp chú trọng đến chất lượng hàng hóa, sản xuất sản phẩm sạch để phục vụ người tiêu dùng, đồng thời thực hiện đúng quy định trong kinh doanh, có giải pháp cạnh tranh lành mạnh.
VÕ PHÊ