Ruộng sắn nằm ở vùng trũng dọc sông Trà Bương thuộc các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 và sắn trồng ở vùng ven sông Cô thuộc các xã Xuân Lãnh, Xuân Long (huyện Đồng Xuân) vào mùa mưa lũ, nước ngâm lâu ngày gây nũng thối. Vì vậy, những năm gần đây, nông dân trồng rải vụ tranh thủ thu hoạch sớm trước khi mưa lũ đến. Còn nông dân huyện Sơn Hòa cũng tranh thủ trời mưa đất mềm khẩn trương thu hoạch sắn để trồng keo cho kịp thời vụ.
Gia đình ông Vũ Văn Tuấn ở thôn Phú Xuân A (xã Xuân Phước), vừa thu hoạch gần 800m2 sắn, cho biết: Ở đây là vùng trũng, mỗi khi mưa lớn, hồ Phú Xuân xả nước về nên ngập lụt thường xuyên. Mấy năm trước qua đợt lũ, khi thu hoạch nhổ sắn lên toàn rễ, moi chỗ gốc sắn thì củ đã nũng thối. Nay tôi trồng sớm, thu hoạch trước mùa mưa bão, tránh bị nũng thối.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phước, cho hay: Diện tích trồng sắn dọc triền sông Trà Bương của xã Xuân Phước có hơn 500ha. Bước vào đầu mùa mưa, nông dân tranh thủ thu hoạch sớm, vì vùng này đất cát pha nên khi mưa to, cây sắn dễ lỏng gốc, ngã đổ.
Kinh nghiệm những năm trước, mùa mưa lũ kéo dài không chỉ sắn trồng ở vùng trũng ngập nước, mà sắn ở khu vực gò cao cũng hư hại do nước mạch ruộng gò nổi sình. Ông Nguyễn Văn Hoan ở thôn Phước Nhuận (xã Xuân Quang 3) đang tất bật thu hoạch 1.000m2 sắn, nói: Đầu vụ, Nhà máy sắn Đồng Xuân thu mua với giá bán 1.700 đồng/kg (30 độ bột). Tôi nhổ xong bán sa cạ cho thương lái là 1.500 đồng/kg. Năm ngoái trồng đám sắn trước nhà, mưa lâu ngày, đất nhão, sắn đổ ngã, thuê công thu hoạch nhưng chỉ được một nửa, số còn lại bị thối.
Nhiều nông dân ở xã Xuân Lãnh, Xuân Long đang dồn sức thu hoạch sắn trồng ven sông Cô.
Bà Đinh Thị Thu Tâm ở xã Xuân Lãnh, phân trần: Việc trồng sắn rải vụ thu hoạch mùa này đỡ tốn chi phí trong khâu thu hoạch vì trời mưa đất mềm. Nếu thu hoạch mùa nắng (khoảng tháng 3, tháng 4 như lâu nay) thì phải dùng cuốc đào lấy củ, không chỉ tốn công mà còn gây thất thoát. Hơn nữa, trồng rải vụ, thuê phương tiện vận chuyển dễ dàng lại không gây “sức ép” cho nhà máy chế biến.
Với mô hình trồng rải vụ, thời gian trồng sắn kéo dài 9 tháng, bắt đầu từ tháng 2 và thu hoạch trước tháng 10. Trồng sắn rải vụ không chỉ thu hoạch nhanh mà thời điểm xuống giống rất thuận lợi vì lúc đó trời chưa nắng gắt, đất có độ ẩm trồng dễ nứt mầm.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, vụ sắn năm nay, nông dân huyện trồng được 4.300ha, dự kiến năng suất bình quân ước đạt hơn 15 tấn tươi/ha. Với năng suất như vậy, 1ha sắn lãi từ 12-15 triệu đồng.
Nông dân trồng sắn ở xã Sơn Long, Sơn Định (huyện Sơn Hòa) cũng đang khẩn trương thu hoạch sắn rồi trồng keo cho kịp thời vụ. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, vùng này đất thịt nặng, mưa to ngập úng, cây sắn có hiện tượng rũ lá, một thời gian sau khi bị ngâm nước, củ sắn nũng thối dưới đất. Ông Phan Văn Chính ở xã Sơn Long, thuê công thu hoạch 1ha sắn, cho hay: Hiện nay là mùa mưa, thời điểm thuận lợi cho việc trồng keo nên tôi tranh thủ nhổ sắn để trồng keo. Khi keo bén rễ, tôi tiếp tục trồng sắn xen vào keo. Hơn nữa, sắn vùng này để qua mùa mưa thường bị thối, độ bột thấp.
Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, cho biết: Diện tích sắn trên địa bàn huyện khoảng 4.800ha, tăng 28,7% (tăng 1.070ha) với niên vụ trước, năng suất sắn củ đạt 22,5 tấn/ha, sản lượng sắn củ ước đạt 108.000 tấn (tăng 25.940 tấn) so năm trước. Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp các cơ quan liên quan, hướng dẫn theo phương thức cầm tay chỉ việc, áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh trên cây sắn để nâng cao thu nhập cho nông dân.
LÊ TRÂM