Hiện nay, vấn đề nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, phân biệt hàng thật, hàng giả được người tiêu dùng quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phân biệt nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Do vậy, các ứng dụng truy xuất, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa thông qua smartphone đang được nhiều người tiêu dùng tận dụng như một “trợ thủ” đắc lực.
Trợ thủ đắc lực
Hiện nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trở nên dễ dàng hơn. Hình thức kiểm tra này cũng đang được nhiều người tiêu dùng sử dụng như một công cụ hỗ trợ để trở thành một người tiêu dùng thông thái. Người tiêu dùng có thể tải miễn phí một số ứng dụng có liên quan đến việc kiểm tra, đọc mã vạch, mã code, kiểm tra thông tin sản phẩm như phần mềm Icheck, Bakodo, George Barcode Scanner, RedLaser, BarcodeViet… Những phần mềm này khá đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với nhiều người tiêu dùng. Chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, nhập hoặc quét lên mã vạch sản phẩm thì tất cả thông tin về sản phẩm sẽ hiện ra như hình ảnh sản phẩm, xuất xứ, nhà sản xuất, nhập khẩu, địa chỉ, điện thoại liên hệ của nhà sản xuất, nhà phân phối, giá thành sản phẩm và cả một số thông tin phản hồi, đánh giá về sản phẩm…
Hiện nhiều người dân Phú Yên biết đến ứng dụng này và cảm thấy rất tiện ích mỗi khi mua hàng hóa. Chị Ngô Thị Minh Sáng ở phường 9, TP Tuy Hòa, bày tỏ: Trước đây, tôi hay bị nhầm lẫn một số sản phẩm xuất xứ trong nước và nước ngoài. Ngay đến loại sữa bột tôi cho con uống gần 1 năm nay, cứ nghĩ là hàng sản xuất tại Pháp, nhưng qua kiểm tra mã vạch trên điện thoại mới biết đây là hàng sản xuất tại Việt Nam. Tôi tải phần mềm này trên mạng miễn phí nhưng sử dụng khá tiện lợi và hiệu quả, giúp tôi an tâm hơn khi đi mua sắm.
Còn anh Trần Minh Tuấn ở huyện Sông Hinh, cho biết: Trước đây, khi mua hàng, tôi vẫn tin vào lời giới thiệu của người bán hàng. Tuy nhiên hiện nay, nhiều loại hàng giả được làm rất tinh vi, đôi khi người bán hàng cũng không phân biệt được. Do vậy, tôi đã tải sẵn phần mềm kiểm tra hàng thật, hàng giả vào điện thoại, khi cần có thể kiểm tra ngay để yên tâm hơn. Khi tra cứu, nếu cảm thấy sản phẩm nào không có đầy đủ thông tin hoặc có cảnh báo xấu thì tôi sẽ chọn sản phẩm khác. Đây là giải pháp giúp người tiêu dùng chủ động kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hóa rất tiện ích và hiệu quả.
Cần kết hợp nhiều thông tin
Mặc dù có rất nhiều tiện ích nhưng người tiêu dùng không nên hoàn toàn ỷ lại vào kết quả của các ứng dụng trên để phân biệt hàng thật, hàng giả. Theo Chi cục Quản lý thị trường, nhiều hàng giả rất giống hàng thật, kể cả mã vạch trên sản phẩm. Trên thực tế, việc quét mã vạch chỉ là cách xác định thông tin sản phẩm như nhà sản xuất, quốc gia, giá bán… chứ không thể phân biệt được hàng thật, hàng giả. Trong nhiều trường hợp, khi quét phần mềm kiểm tra mã vạch trên một sản phẩm hàng giả vẫn cho ra thông tin như hàng thật. Do vậy, việc xác định hàng thật, hàng giả vẫn phải dựa trên nhiều yếu tố khác tùy theo từng sản phẩm.
Ông Huỳnh Công Điềm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, cho hay: Đối với một số hàng hóa hay bị làm giả như bột ngọt, bột nêm, bột giặt, phụ tùng xe máy, kem đánh răng, nhà sản xuất sẽ nghiên cứu và đưa ra những cách phân biệt hàng thật, hàng giả để các ngành chức năng có thông tin cảnh báo. Người tiêu dùng nên chủ động tìm hiểu những thông tin này để tự trang bị kiến thức tự bảo vệ mình hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên chọn các thương hiệu có uy tín, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm và chỉ mua hàng hóa ở những nơi đáng tin cậy, tránh mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Các ứng dụng quét mã vạch trên điện thoại là một công cụ có ích cho người tiêu dùng để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, người tiêu dùng chỉ nên xem đây là một công cụ hỗ trợ mang tính tham khảo để nhận biết nguồn gốc, nơi sản xuất, giá cả hàng hóa, qua đó đối chiếu thông tin in trên bao bì sản phẩm; để xác định là hàng thật - hàng giả thì vẫn chưa đủ cơ sở. Thông thường, để xác định được hàng giả hay hàng thật thì cần có sự tham gia, phối hợp xác minh của các nhà sản xuất.
Ông Huỳnh Công Điềm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường |
NAM KHÁNH