Qua 2 tháng thực hiện đợt cao điểm chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, ngành Thuế Phú Yên đã thu được những kết quả nhất định. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết:
Lâu nay, khi đi ăn uống, sử dụng dịch vụ tại các nhà hàng, khách sạn, người dân có thói quen chỉ thanh toán mà không lấy hóa đơn nên các đơn vị kinh doanh thương mại, ăn uống, dịch vụ thường lợi dụng điểm này để không xuất hóa đơn và không kê khai chính xác doanh thu với cơ quan thuế. Do đó, việc thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, ăn uống, dịch vụ thường xuyên xảy ra. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt chống thất thu thuế “nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các đối tượng nộp thuế theo hình thức khoán” và yêu cầu “các cơ sở kinh doanh đều phải có hóa đơn hạch toán theo quy định”. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính có Quyết định 1353 ban hành Kế hoạch kiểm tra chống thất thu thuế đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ. Trong đó yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố tổ chức đợt cao điểm chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ trong 2 tháng 7, 8/2016.
* Qua 2 tháng thực hiện đợt cao điểm chống thất thu thuế theo Quyết định 1353 của Bộ Tài chính, ngành Thuế Phú Yên đã thu được kết quả gì, thưa ông?
Ông Công Văn Lãnh - Ảnh: VIỆT AN |
- Trong tháng 7, 8/2016, ngành Thuế Phú Yên đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả công tác chống thất thu thuế. Từ danh sách ban đầu được Cục Thuế Phú Yên phê duyệt kiểm tra là 10 doanh nghiệp và 41 hộ kinh doanh thuộc các chi cục thuế quản lý, trong quá trình triển khai, các chi cục thuế đã tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động mở rộng công tác kiểm tra chống thất thu thuế trên địa bàn. Tại Văn phòng Cục Thuế, số doanh nghiệp đưa vào diện thanh tra, kiểm tra đợt này là 36 doanh nghiệp. Từ đó nâng tổng số đơn vị cần kiểm tra trên địa tỉnh lên 81 doanh nghiệp và 79 hộ kinh doanh. Qua kiểm tra, cơ quan thuế đã truy thu và phạt các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm hơn 5,1 tỉ đồng (bao gồm phạt vi phạm hóa đơn hơn 40 triệu đồng); điều chỉnh tăng thuế đối với các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, thương mại, dịch vụ gần 290 triệu đồng/tháng.
* Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
- Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo kịp thời và sâu sát của Tổng cục Thuế, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành liên quan và sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành Thuế Phú Yên trong công tác chống thất thu thuế đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại, ăn uống, dịch vụ. Vì qua 2 tháng cao điểm vừa qua, nhìn chung các đơn vị trong ngành Thuế Phú Yên đã xác định nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016 gắn với nhiệm vụ kiểm tra chống thất thu thuế theo Quyết định 1353 nhằm đảm bảo công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; qua đó có cách vận động, tuyên truyền, đấu tranh để người nộp thuế tự giác kê khai doanh thu sát với thực tế, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016 các cấp giao.
* Được biết, qua kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện một số đơn vị khi chuyển lên doanh nghiệp thì có số thuế kê khai, nộp giảm so với lúc còn là hộ kinh doanh. Theo ông, tại sao lại có hiện tượng này?
- Đối với một số hộ kinh doanh có số thuế lớn đã chuyển lên doanh nghiệp nhưng lại có số thuế khai nộp giảm so với trước đây, cơ quan thuế nhận định đây có thể là sự biến tướng với thủ đoạn giấu doanh thu, không xuất hóa đơn bán hàng, hợp thức hóa chứng từ để tăng chi phí nhằm trốn thuế. Do đó, Cục Thuế Phú Yên đã yêu cầu các chi cục thuế tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên việc kê khai thuế đối với các doanh nghiệp này. Qua kiểm tra, nếu phát hiện doanh nghiệp không thay đổi quy mô kinh doanh như trước khi lên doanh nghiệp nhưng doanh thu lại kê khai thấp hơn doanh thu khoán thuế trước đây thì áp dụng các biện pháp ấn định thuế, đồng thời tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Cán bộ thuế kiểm tra, chống thất thu thuế tại một doanh nghiệp kinh doanh hàng điện máy ở TX Sông Cầu - Ảnh: VIỆT AN |
* Chỉ tiêu chống thất thu thuế đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, dịch vụ, thương mại trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2016 là hơn 11,5 tỉ đồng. Vậy, ngành Thuế Phú Yên sẽ làm gì để hoàn thành chỉ tiêu này, thưa ông?
- Chống thất thu thuế, đặc biệt là trong lĩnh vực ăn uống, dịch vụ, thương mại là việc làm thường xuyên, liên tục. Do đó, thời gian đến, toàn ngành Thuế tiếp tục quyết liệt triển khai công tác này song song với việc tăng cường kiểm tra việc phát hành và sử dụng hóa đơn. Qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế; bảo vệ quyền lợi, đảm bảo công bằng trong thực thi pháp luật giữa những người nộp thuế.
Cục Thuế Phú Yên cũng đã chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm tra chống thất thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phấn đấu chống thất thu thuế các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh đã được Cục Thuế giao. Đồng thời tiếp tục khảo sát doanh thu hộ kinh doanh để làm cơ sở ổn định và điều chỉnh thuế hộ kinh doanh sát đúng thực tế trong năm 2017.
* Xin cảm ơn ông!
VIỆT AN (thực hiện)