Trong tổng vốn huy động trên địa bàn, nguồn vốn huy động ngắn hạn (dưới 12 tháng) hiện chiếm tỉ trọng đến gần 80%, nguồn tiền gửi từ 12 tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 20%. Điều này cho thấy đa phần người dân Phú Yên vẫn chuộng gửi tiết kiệm ngắn hạn để có thể rút vốn khi cần thiết.
Hết hạn sổ tiết kiệm VND 6 tháng, bà Nguyễn Thị Ngọc Hồng ở phường 9, TP Tuy Hòa, đến ngân hàng làm thủ tục gửi lại với kỳ hạn 3 tháng. Theo chị Hồng, bà đang có kế hoạch xây nhà trong thời gian sắp tới nên muốn gửi lại kỳ hạn ngắn hơn để khi cần tiền thì có thể rút ngay mà vẫn đảm bảo có lãi. “Ngân hàng nơi tôi gửi tiền có lãi suất chênh lệch giữa kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng là 0,5%/năm. Tính ra với số tiền tôi đang gửi thì tiền lãi nhận được chênh lệch không bao nhiêu nên tôi gửi ngắn hạn lại để chủ động hơn”, bà Hồng nói.
Có tiền nhàn rỗi, chưa biết đầu tư vào đâu nên ông Huỳnh Văn Hay ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, cũng gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Hiện anh Hay chỉ gửi tiền kỳ hạn 3 tháng, đến hạn thì đáo hạn lại với cùng thời gian gửi như vậy chứ không gửi dài hơn. “Gửi kỳ hạn dài có lợi là lãi suất cao hơn nhưng nếu có chuyện bất ngờ xảy ra, muốn rút tiền xoay sở thì lãi suất về không kỳ hạn, chẳng đáng bao nhiêu, nên tôi chỉ gửi 3 tháng. Tôi còn theo dõi thông tin, thấy một số ngân hàng có tăng lãi suất nên nếu thấy ngân hàng nào có lãi cao hơn thì tôi sẽ chuyển qua ngân hàng đó gửi tiền”, ông Hay chia sẻ.
Ông Nguyễn Nhất Tuấn, Giám đốc Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlong Bank) chi nhánh Phú Yên, cho rằng: Hiện những người gửi tiền kỳ hạn ngắn tại Kienlong Bank Phú Yên chủ yếu có tiền gửi ở mức từ 1 tỉ đồng trở lên, hoặc những người ở thành thị có tiền tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng trở xuống. Đây là nhóm khách hàng có sẵn kế hoạch đầu tư, kinh doanh nên chỉ muốn gửi ngắn hạn để khi cần là rút được ngay. Còn với nhóm khách hàng có tiền gửi từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng, hoặc những khách hàng ở nông thôn có tiền gửi dưới 100 triệu đồng là những người sợ rủi ro, không có kế hoạch gì trong ngắn hạn thì gửi dài hạn để hưởng lãi cao.
Còn theo ông Nguyễn Đại Hòa, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Yên, người dân chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài hay ngắn là tùy vào số tiền họ đang có và kế hoạch đầu tư trong tương lai. Mặc dù vậy, đa phần người dân vẫn thích gửi kỳ hạn ngắn để chủ động rút vốn khi cần thiết. Trong khi đó, người dân, doanh nghiệp vay vốn đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh, xây, sửa nhà... lại muốn vay vốn trung, dài hạn. Do đó, ngân hàng luôn có kế hoạch thu hút vốn trung, dài hạn để cân đối nguồn vốn, đảm bảo nhu cầu vay của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, đến giữa tháng 9/2016, tổng nguồn vốn huy động trên toàn địa bàn là 15.249 tỉ đồng, tăng 2.075 tỉ đồng, tức tăng 15,8% so với đầu năm, đạt 78,8% kế hoạch. Trong số này, nguồn huy động ngắn hạn (dưới 12 tháng) chiếm tỉ trọng đến gần 80%, nguồn tiền gửi từ 12 tháng chỉ chiếm khoảng 20%. Điều này cho thấy tâm lý người dân Phú Yên vẫn chuộng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn dù lãi suất huy động trung, dài hạn luôn ở mức cao hơn. Ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, cho biết: Hiện các ngân hàng thương mại ở Phú Yên huy động bằng VND với lãi suất phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Việc Ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi suất huy động đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng và thả nổi lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng là một biện pháp khuyến khích người dân gửi tiền dài hạn hơn để đảm bảo nguồn vốn cho vay.
LÊ HẢO