Nhiều doanh nghiệp (DN) kêu các thủ tục hành chính dù đã giảm bớt, sửa đổi, nhất là mô hình phê duyệt hồ sơ đăng ký thực phẩm điện tử cấp độ 4, nhưng thực tế vẫn còn những thủ tục làm khó DN.
Chấp nhận sai số bao nhiêu?
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, hiện nhiều quốc gia cũng chưa có quy định về tỉ lệ dung sai (sai số) cho phép về hàm lượng các chất thành phần trong thực phẩm. Dung sai là khó tránh khỏi vì có những chất không ổn định do quá trình bảo quản, vận chuyển hoặc do đặc tính nguyên liệu là không ổn định.
Một số DN đề nghị tỉ lệ sai số về hàm lượng dinh dưỡng thành phần trong sản phẩm là 20%, nhưng theo ông Phong, muốn vậy phải minh bạch ghi ngay trên nhãn hàng. Ví dụ như hàm lượng vitamin là... gr, nhưng phải ghi rõ sai số cho phép là cộng trừ 20%.
Cũng theo ông Phong, xây dựng một khung dung sai chuẩn cho thực phẩm là xu thế của thế giới và phải sớm ban hành quy định. Trong khi theo quy định hiện hành, nếu kiểm nghiệm phát hiện sai số trên 30% trở lên, hàng hóa đó là hàng giả, dưới 30% là hàng kém chất lượng.
Trong khi đó, nhiều DN cho rằng hiện Cục An toàn thực phẩm chưa có quy định về phương pháp kiểm nghiệm, mà mỗi phòng kiểm nghiệm lại cho ra kết quả khác nhau, DN rất khổ. Theo đề xuất của các DN, nên cho phép có thể sai số 20%, đặc biệt là các vitamin, men vốn có đặc tính là không ổn định. “So với quy định hiện hành, sai số ở mức độ này (20%) có thể coi là hàng kém chất lượng, hay sai số trên 20% mới gọi là kém chất lượng, còn dung sai cộng trừ từ 20% trở xuống là được phép?”, một DN đặt câu hỏi.
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Việt Hùng cho rằng mức sai số càng thấp càng có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các DN thực phẩm, tỉ lệ sai số cho phép quá sát sẽ khó cho DN.
Doanh nghiệp kêu mất cơ hội
Kết thúc buổi đối thoại mới đây, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng vẫn không tìm được tiếng nói chung về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng như các thủ tục hành chính.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết từ năm 2014 đến nay đã tham gia 2 cuộc họp và gửi 6 văn bản, trong đó có văn bản dài tới 13 trang để đề nghị sửa đổi quy định về kiểm tra nhà nước đối với gia vị, phụ gia nhập khẩu phục vụ riêng cho xuất khẩu. “Thế nhưng trăn trở vướng mắc của ngành chúng tôi đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nhiều lợi thế đã có nhưng vẫn bị những cản trở làm DN mất chi phí cơ hội”, vị này than.
Theo Cục An toàn thực phẩm và cả đại diện Văn phòng Chính phủ, chủ trương sửa đổi quy định này đã có nhưng DN phải... đợi vì phải sửa nghị định, còn vừa qua mới là sửa thông tư, chưa đưa điều này vào được. Trong khi đó, nhiều DN kêu các thủ tục hành chính dù đã giảm bớt, sửa đổi, nhất là mô hình phê duyệt hồ sơ đăng ký thực phẩm điện tử cấp độ 4, nhưng thực tế vẫn còn những thủ tục làm khó DN.
Cụ thể với các DN đã nộp hồ sơ và được yêu cầu bổ sung hồ sơ, khi tái xem xét cục lại xem xét từ đầu, trong khi lẽ ra chỉ cần xem phần bổ sung thôi, điều này luôn làm quá trình xem xét và cấp chứng nhận dài hơn so với mong muốn của DN.
Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, ông từng chứng kiến một DN sản xuất nước đóng chai có hồ sơ công bố là nguồn nước lấy từ nước giếng khoan, nhưng khi đi kiểm tra thực tế cho thấy nguồn nước là nước máy, DN có giếng khoan nhưng mục đích chỉ để cho có.
Thậm chí, theo ông Hùng, có đoàn thanh tra đến nhưng DN không tiếp vì cho rằng thanh tra không báo trước, trong khi quy định hiện hành thì DN đang hoạt động là có thể thanh tra đột xuất. “Lần đó chúng tôi phát hiện sai sót lớn về ghi nhãn hàng hóa, nên nếu không hậu kiểm thì chỉ quản lý kiểu “đười ươi giữ ống” mà thôi”, ông Hùng chia sẻ.
(TTO)