Dạy nghề cho lao động nông thôn là hoạt động được Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) triển khai hàng năm. Xuất phát từ nhu cầu của chính bà con nông dân, năm nay, trung tâm mở 4 lớp học nghề về nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò thu hút hơn 110 nông dân tham gia.
Khi mặt trời vừa xuống núi cũng là lúc bà con nông dân tham gia các lớp học nghề có mặt tại trụ sở thôn, xã để học những kiến thức, kỹ thuật về chăn nuôi trâu, bò… Nhiều người tuổi đã gần 60 nhưng cũng tranh thủ thời gian, sắp xếp việc nhà đến lớp. Lớp học thường bắt đầu từ 18 giờ 30 và kết thúc sau 21 giờ mỗi ngày. Riêng ngày thứ bảy và chủ nhật, các học viên thực hành cả ngày.
Ông Lê Tuấn Phú (SN 1960, ở thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên huyện Sơn Hòa) là người lớn tuổi nhất lớp học nghề về nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu bò do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh mở tại xã này, chia sẻ: “Mặc dù việc nhà rất bề bộn, nhưng để trau dồi kiến thức về chăn nuôi trâu, bò, tôi luôn đi học đều đặn, không bỏ lớp ngày nào. Nhờ vậy mà bây giờ tôi không những biết cách làm thức ăn dự trữ mà còn biết chẩn đoán bệnh, chích thuốc và điều trị bệnh cho trâu, bò”. Còn ông Trần Minh Hoàng (SN 1975, ở thôn Nguyên Cam, xã Sơn Nguyên huyện Sơn Hòa), hàng ngày phải lên rẫy chăm sóc 4ha mía, mè, dưa lấy hạt, vậy mà đêm nào ông cũng có mặt để tham gia lớp học này. Ông Hoàng cho biết: Vì gia cảnh khó khăn nên đang học lớp 10 ông phải bỏ dở giữa chừng ở nhà phụ giúp gia đình kiếm sống. Đến khi lập gia đình ra riêng, ông phải làm thuê kiếm sống nên không có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian qua, vợ chồng ông khai hoang và dành dụm tiền mua thêm đất để đầu tư trồng mía, mè nhưng năng suất không cao. Vì thế, 3 năm trở lại đây, vợ chồng ông đầu tư mua 4 con bò để nuôi giống, nhưng vì đồng cỏ tự nhiên không còn, bò thường nuôi nhốt, nhiều lúc cỏ trồng không đủ cung cấp nên bò bị sút ký. Cuối tháng 5 vừa rồi, biết Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh mở lớp dạy nghề về nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò nên ông đăng ký tham gia học ngay. “Qua gần 3 tháng học, tôi đã biết cách làm chuồng trại sao cho thoáng mát vào mùa nắng nóng và ấm áp vào mùa mưa…”, ông Hoàng chia sẻ.
Không chỉ 31 học viên là nông dân ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) năng nổ tham gia học tập, các học viên ở các xã Bình Kiến, An Phú và phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cũng tham gia đầy đủ các tiết học của khóa dạy nghề. Anh Nguyễn Ngọc Hiếu ở phường Phú Đông nói: “3 tháng học nghề là quãng thời gian dài đối với người dân chúng tôi. Tuy nhiên, để có kiến thức trong chăn nuôi và không bị động trong quá trình trâu, bò của gia đình bị dịch bệnh, tôi phải cố gắng học tập. Đặc biệt, những tiết thực hành tôi luôn có mặt và tham gia nhiều lần cho thông thạo cách chích ngừa cũng như các phương pháp chẩn đoán bệnh cho trâu bò, không để phát triển thành dịch”.
Anh Phan Đức Tính, giáo viên hướng dẫn lớp học nghề về nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò cho bà con nông dân, cho biết: “Các học viên tuy là nông dân nhưng luôn đi học đúng giờ. Nhiều người tiếp thu còn chậm, nhất là những nông dân lớn tuổi nhưng đều rất chịu khó học hỏi. Những điểm nào chưa hiểu, bà con mạnh dạn hỏi, trao đổi chứ không thụ động”.
Đến nay đã có 2 lớp nghề về nuôi và phòng trị bệnh trâu, bò ở Sơn Nguyên và phường Phú Đông tốt nghiệp. Các nông dân đều nắm bắt kiến thức tốt và thực hành nhuần nhuyễn các khâu, có được như vậy là nhờ học tới đâu giáo viên cho thực hành đến đó trên chính đàn trâu, bò của gia đình học viên.
Theo ông Võ Hữu Sung, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, để mở các lớp đào tạo nghề cho nông dân, trung tâm đã phối hợp với các cơ sở Hội khảo sát nhu cầu học nghề của bà con. Vì đào tạo nghề theo nhu cầu của mình nên học viên tham gia học đông đủ, ít vắng. Bà con nắm bắt kiến thức kịp thời và áp dụng ngay vào mô hình của gia đình họ nên mang lại hiệu quả thiết thực. Đơn cử, đối với lớp nghề về nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò thời gian 205 tiết, trong đó có 160 tiết thực hành. Tại các giờ thực hành, giáo viên cho học viên tập chích thuốc, hướng dẫn cách chẩn đoán trâu, bò bị bệnh và phương pháp truyền nước cho chúng… nên bà con rất thông thạo.
“Năm nay, tỉnh giao cho trung tâm 150 triệu đồng để mở một lớp nghề phi nông nghiệp và 3 lớp nghề nông nghiệp với hơn 110 học viên. Đến nay, chúng tôi tổ chức dạy và tổng kết trao giấy chứng nhận được 3 lớp nghề, hiện chỉ còn lớp nghề ở xã Bình Kiến nữa là hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề trong năm nay”, ông Võ Hữu Sung nói.
HIẾU TRUNG