Tốt nghiệp ngành Xây dựng nhưng anh Trần Ngọc Lâm (SN 1979) ở thôn Lạc Nghiệp, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) lại chọn khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi gia súc. Sau gần 10 năm bươn chải với nghề, đến nay, anh Lâm đã xây dựng được trang trại nuôi bò và heo rừng, cho nguồn thu gần 150 triệu đồng/năm, trở thành nông dân sản xuất giỏi của huyện.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp ngành Xây dựng tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung (khi đó còn là trường cao đẳng) anh quay về nhà và bắt đầu khởi nghiệp với nghề chăn nuôi bò. Anh Lâm cho biết: Khi thấy tôi quyết chí làm ăn, cha mẹ cho ít vốn, tôi mua được con bò và vài chục con gà để khởi nghiệp. Sau mấy năm sản xuất, thấy nuôi bò có lãi nên tôi có ý định mở rộng quy mô đàn để tăng thu nhập nhưng đất đai của gia đình không nhiều nên không thể tăng đàn được. Hồi đó, thấy vùng đất bãi bồi sông Ba ở cạnh nhà rộng lớn bỏ không rất phí, tôi làm đơn xin thuê lại 5.000m2 để chăn nuôi và được địa phương đồng ý. Khi có đất, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi 3 con bò cái sinh sản để gầy đàn. Ngoài ra, tôi còn thả nuôi thêm gần trăm con gà ta để lấy ngắn nuôi dài. Trên vùng đất bãi bồi màu mỡ của lòng sông Ba, tôi “quy hoạch” khu trồng cỏ nuôi bò, khu trồng bầu, bí, dưa, bắp… để có thêm nguồn thu. Đến năm 2012, khi đàn bò phát triển mạnh, tôi tiếp tục thuê thêm 5.000m2 đất ở khu vực lân cận để có đủ diện tích trồng cỏ nuôi bò. Nhờ có nguồn cỏ ổn định nên tôi càng mạnh dạn tăng đàn, hiện nay đàn bò đã được 16 con. Bình quân, mỗi năm tôi bán ra thị trường 10 con bò giống và bò thịt, từ nuôi bò mỗi năm mang lại nguồn thu (đã trừ chi phí) khoảng 100 triệu đồng.
Không chỉ tập trung phát triển về số lượng, anh Lâm còn đầu tư nâng chất lượng đàn bò của trang trại. Anh Lâm nói: Ban đầu tôi nuôi giống bò cỏ địa phương, nhưng loại bò này thấp nhỏ, nhẹ cân không có hiệu quả nên chuyển sang nuôi bò lai Sind. Bây giờ thì trang trại tôi có đủ các giống bò đang “hot” như bò Pháp, BBB… So với giống bò cỏ thì các giống bò này có thể trạng vượt trội hẳn, mỗi con bò thịt đến khi xuất chuồng đạt trọng lượng hơn 1 tấn, giá thành khoảng 60 triệu đồng, cao gấp 3 lần cả về trọng lượng cũng như giá trị.
Ngoài chăn nuôi bò, hiện nay trang trại của anh Lâm còn nuôi heo rừng lai. Theo anh Lâm, năm 2011, anh xây dựng chuồng trại và thả giống nuôi heo rừng lai. Ban đầu anh thả 5 con heo rừng lai giống (4 nái, 1 đực) để nuôi. Bình quân, mỗi con nái giống 1 năm đẻ được 2 lứa, mỗi lứa từ 8-10 heo con. Tất cả số heo con anh Lâm giữ lại, tách chuồng nuôi thịt. Anh Lâm cho hay: “Heo rừng lai rất dễ nuôi và không tốn kém nhiều chi phí. Nguồn thức ăn cho heo chủ yếu là các loại lá cây, rau dại thu gom quanh trang trại về cắt nhỏ và trộn chung với nước cám gạo. Bình quân mỗi con heo rừng lai thịt từ khi nuôi đến khi xuất chuồng phải mất hơn 1 năm, trọng lượng khoảng 16kg/con”. Từ 5 con heo giống ban đầu, sau một thời gian nuôi, anh Lâm đã gầy được đàn heo vừa sinh sản, vừa thịt lên đến 100 con. Nhờ nuôi heo rừng lai không tốn nhiều chi phí, trong khi đó đầu ra lại rộng mở nên nguồn thu nhập từ đây cũng ổn định, mỗi năm từ nuôi heo rừng anh lãi gần 40 triệu đồng.
Từ khi việc chăn nuôi phát triển, cho nguồn thu ổn định, anh Lâm còn đầu tư hoạt động lĩnh vực xây dựng tại địa phương. Hiện anh đã thành lập Doanh nghiệp Xây dựng Hoàng Minh tham gia xây dựng nhiều công trình hạ tầng tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình 1 Nguyễn Văn Giảng cho biết: Từ mô hình chăn nuôi gia súc trên vùng đất bãi bồi sông Ba của anh Lâm đã có nhiều người học tập làm theo và khu vực này trở thành vùng phát triển chăn nuôi gia súc tập trung của địa phương với gần 20 hộ dân sản xuất, mang lại nguồn kinh tế ổn định cho người dân. Bên cạnh làm kinh tế giỏi, anh Lâm còn là người có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
SƠN CA