Với ưu điểm dễ trồng, ít chi phí, tiêu thụ rộng nên thời gian qua người dân ở huyện Phú Hòa phát triển mạnh nghề trồng nấm. Hiện nay, huyện Phú Hòa đang từng bước đưa cây nấm trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của địa phương.
Dễ trồng, dễ tiêu thụ
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, nghề trồng nấm hình thành và phát triển tại địa phương đã hơn chục năm, nơi “khai sinh” ra nghề trồng nấm là xã Hòa Trị. Ban đầu, người dân ở xã này học tập và trồng nấm rơm, sau vài năm, thấy nấm rơm dễ trồng, ít dịch bệnh, giá cả lại ổn định nên người dân nhân rộng sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Tâm ở thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, là một trong những hộ trồng nấm đầu tiên ở địa phương này, cho biết: Gia đình tôi trồng nấm rơm hơn 10 năm nay. Hiện trại sản xuất nấm của gia đình có 6 nhà trồng với diện tích gần 200m2. Trên diện tích này, tôi luân phiên sản xuất thành 3 đợt nối tiếp nhau, mỗi đợt trồng 2.000 bịch phôi, nhờ vậy lúc nào gia đình cũng có nấm để thu hoạch. Bình quân, mỗi tháng gia đình tôi thu hoạch được 300kg nấm. Với giá bán 80.000-100.000 đồng/kg, mỗi tháng thu nhập được khoảng 15 triệu đồng.
Theo nhiều hộ trồng nấm ở đây, nấm rơm rất dễ trồng, lại ít tốn chi phí. Nguồn nguyên liệu chính để sản xuất nấm là rơm sau vụ thu hoạch và meo nấm. Vì vậy, sau mỗi mùa đồng bà con thu gom rơm về để tích trữ sản xuất. Meo nấm được mua tại địa phương với giá 2.200 đồng/bịch. Mỗi bịch meo làm được 10 bịch phôi trồng nấm. Ông Trần Văn Thành ở xã Hòa Trị, cho hay: Để làm phôi sản xuất nấm thì rơm sau khi gom về chia thành từng đống nhỏ (tùy theo nhu cầu sản xuất), tưới nước đều theo từng lớp và đậy kín bằng bao ni lông hoặc bạt nhựa. Khoảng 10 ngày sau là rơm đạt độ ẩm cần thiết, lúc này đem rơm cắt thành từng đoạn, đóng vào khuôn để tạo hình, sau đó cấy meo nấm vào 2 đầu cục rơm là được. Đối với nhà trồng nấm phải được che kín bằng bạt ni lông trắng. Mỗi ngày nấm cần được tưới nước ít nhất 2 lần để tạo độ ẩm. Sau khi phôi nấm được cho lên kệ thì khoảng 7-8 ngày bắt đầu thu hoạch, mỗi đợt thu hoạch kéo dài từ 3-5 ngày. Đặc biệt trong giai đoạn nấm cho thu hoạch cần đảm bảo nhà trồng hoàn toàn kín gió, nếu gặp gió trái nấm sẽ bị đen không được đẹp. Đồng thời để trồng nấm đạt hiệu quả thì các hộ trồng cần tuân thủ quy trình kỹ thuật, sau mỗi vụ sản xuất, nhà trồng cần được xử lý bằng vôi bột và cho nghỉ ít ngày để đảm bảo các loại vi khuẩn đã được tiêu diệt, giúp phôi nấm không bị nhiễm khuẩn trong đợt sản xuất tới.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Trị Phạm Nhường cho biết: Hiện nay toàn xã có khoảng 250 hộ dân tham gia trồng nấm rơm. Ngoài trồng nấm, bà con ở đây còn tìm tòi, học hỏi và phát triển nghề sản xuất meo nấm, bình quân mỗi tháng cung cấp hơn 100.000 cục meo cho thị trường.
Phát triển mạnh
Từ những ưu điểm của nghề trồng nấm, nhiều người dân ở địa phương khác của huyện Phú Hòa cũng đang học tập và phát triển nghề. Ông Hồ Văn Hùng ở thôn Đồng Mỹ, xã Hòa Quang Bắc, chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu trồng nấm từ năm 2012. Ban đầu tôi học nghề từ những hộ trồng nấm ở xã Hòa Trị. Sau mấy vụ sản xuất, thấy cây nấm rất có triển vọng nên tôi mở rộng quy mô sản xuất, đến nay đã làm được 10 nhà trồng trên diện tích 300m2. Mỗi nhà trồng được 750-900 bịch phôi với sản lượng thu hoạch khoảng 40-50kg nấm tươi/nhà. Bình quân, mỗi năm từ trồng nấm gia đình tôi có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Hiện gia đình đang mở rộng diện tích để sản xuất thêm nấm sò. Còn theo ông Năm Thức ở xã Hòa An, với diện tích trồng nấm lớn, trong khi đó, mỗi ngày nấm phải được tưới ít nhất 2 lần nước nên mất khá nhiều thời gian, vì vậy ông đã đầu tư giàn tưới tự động phục vụ tưới nước. Từ khi có giàn tưới này, ông Thức tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đồng thời nước tưới bằng hệ thống này được điều tiết liều lượng vừa phải, tưới nhẹ và đều mặt tạo độ ẩm tốt cho nấm phát triển.
Hiện thị trường tiêu thụ nấm rất mạnh, sản phẩm làm ra đến đâu được thương lái thu mua đến đó, giúp bà con mạnh dạn đầu tư trồng. Theo bà Trần Thị Liềm ở thôn Đồng Mỹ, xã Hòa Quang Bắc, nhà bà có 7 trại trồng nấm, bình quân mỗi ngày thu hoạch 50-60kg nấm tươi. Số nấm thu hoạch bà chở xuống TP Tuy Hòa cung cấp cho các chủ nậu với giá từ 80.000-100.000 đồng/kg, riêng các ngày rằm hoặc đầu tháng thì giá nấm tăng lên 110.000-120.000 đồng/kg.
Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa Trần Thị Nguyệt cho biết: Thời gian qua, huyện đã phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu cho người dân. Đến nay trên địa bàn huyện đã có hơn 1.000 hộ dân ở các xã Hòa Trị, Hòa Quang Bắc, Hòa Thắng, Hòa An… tham gia sản xuất nấm rơm và nấm sò. Nhận thấy những tiềm năng của nghề trồng nấm, huyện đang tích cực vận động, hướng dẫn bà con nhân rộng các mô hình sản xuất nấm để từng bước xây dựng cây nấm trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nguồn phôi nấm sò ở địa phương khá hiếm, phần lớn phải vào các tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh để mua về trồng nên tốn kém chi phí. Phôi nấm qua chặng đường vận chuyển khá xa nên cũng ảnh hưởng đến năng suất, làm hạn chế việc phát triển nghề của người dân.
THỦY TIÊN