Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH), các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH Phú Yên cùng đại diện các hội đoàn thể đã đưa ra nhiều ý kiến đề xuất nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Báo Phú Yên ghi lại những ý kiến này.
ĐỒNG CHÍ TRẦN HỮU THẾ, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH, TRƯỞNG BAN ĐẠI DIỆN: Chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các hội đoàn thể
Vừa qua, trong quá trình triển khai hoạt động tín dụng chính sách, Phú Yên cũng như các nơi khác đều gặp phải một số khó khăn, nhất là biến động nhân sự sau bầu cử. Đội ngũ cán bộ cấp xã là những người trực tiếp bình xét, phê duyệt danh sách đối tượng vay vốn nhưng lại thay đổi rất nhiều nên công tác kiện toàn nhân sự cần được thực hiện đồng bộ, liên tục. Thêm vào đó, những năm gần đây, diễn biến hộ nghèo cũng thường xuyên thay đổi nên việc xem xét, đánh giá để cho vay theo diện, theo đối tượng sẽ không theo kịp. Từ những vấn đề này cho thấy, tất yếu cần có dữ liệu về hộ vay và được chia sẻ giữa các ngành, các hội đoàn thể để cùng kiểm tra, kiểm soát hiệu quả.
Hiện nay, trình độ công nghệ thông tin đã được nâng cao. Vấn đề liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các hội đoàn thể là điều hoàn toàn có thể làm được. Chỉ khó là vì ai cũng muốn quản lý “khoảng trời riêng” nên nhiều khi xảy ra hiện tượng số lượng hộ nghèo ít nhưng số hộ được vay theo diện hộ nghèo lại gấp đôi, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Để tránh hiện tượng này, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát thường xuyên của Ban đại diện HĐQT các cấp, việc hình thành, chia sẻ hệ thống dữ liệu dùng chung là vô cùng cần thiết.
ÔNG NGUYỄN VĂN HÀN, GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH PHÚ YÊN, THÀNH VIÊN BAN ĐẠI DIỆN: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đóng vai trò quan trọng
Hiện nay, bình quân mỗi cán bộ tín dụng của NHCSXH Phú Yên quản lý hơn 3.000 hộ vay. Khối lượng công việc này quá lớn nên rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, thôn. Trong đó, cán bộ NHCSXH giữ vai trò chính trong việc tác nghiệp các kỹ thuật nghiệp vụ chuyên sâu. Còn cán bộ hội đoàn thể, chính quyền các cấp sẽ phối hợp kiểm tra, giám sát hộ vay từ việc bình xét đối tượng đến hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn vay sao cho hợp lý, phối hợp đôn đốc, thu hồi nợ khi đến hạn, nhất là trong trường hợp hộ vay chây ì, không chịu trả nợ.
Các hội đoàn thể, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng như vậy nhưng qua kiểm tra, giám sát, các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên nhận thấy một số nơi, sự quan tâm phối hợp của cơ sở chưa được sâu sát dẫn đến xảy ra hiện tượng xâm tiêu, chiếm dụng, vay ké... nhưng không được phát hiện kịp thời, để lại hậu quả nghiêm trọng. Điều này cho thấy chỉ những nơi nào chính quyền cơ sở sâu sát, thực sự đồng hành cùng cán bộ tín dụng chính sách để quản lý hoạt động cho vay trên địa bàn thì nơi đó, tín dụng chính sách mới thực sự phát huy hiệu quả.
ÔNG VÕ VĂN BINH, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LĐ-TB-XH: Mở rộng đối tượng được thụ hưởng thì phải tăng nguồn vốn tương ứng
Đối với chương trình cho vay hộ nghèo, trước đây, Chính phủ chỉ cho những hộ thuộc diện nghèo vay vốn. Mới đây, Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay sang hộ cận nghèo, sau đó là hộ mới thoát nghèo nhưng nguồn vốn lại bổ sung không kịp. Từ đó có sự chuyển dịch dư nợ từ cho vay hộ nghèo sang cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Điển hình là trong năm 2015, dư nợ cho vay hộ nghèo giảm gần 116 tỉ đồng. Điều này dẫn đến việc hộ nghèo sẽ thiếu vốn để tổ chức sản xuất.
Trước thực trạng nói trên, chúng tôi kiến nghị Trung ương khi bổ sung đối tượng thì cũng nên bổ sung nguồn vốn cho vay tương ứng. Thêm nữa, mức cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo hiện nay đã được nâng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ nhưng thực tế bình quân hộ nghèo, cận nghèo hiện nay chỉ vay được khoảng 20 triệu đồng/hộ, hộ mới thoát nghèo khoảng 30 triệu đồng/hộ. Nếu không đủ nguồn lực để cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ như Trung ương quy định thì nên cố gắng cho vay khoảng 40-45 triệu đồng/hộ để hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có thêm điều kiện để sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.
ÔNG PHAN ĐẠI THẮNG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN TỈNH: Chọn cán bộ tâm huyết với hoạt động tín dụng chính sách
Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đều thành lập đoàn kiểm tra chuyên đề về công tác cho vay các nguồn vốn của NHCSXH. Chúng tôi kiểm tra hết 9 huyện, thị xã, thành phố; mỗi địa phương chọn 2 xã để kiểm tra từng hộ. Qua đó, chúng tôi rút ra kinh nghiệm, để làm tốt công tác cho vay, thu nợ thì việc chọn cán bộ tâm huyết với hoạt động tín dụng chính sách là rất cần thiết.
Qua kiểm tra, giám sát, chúng tôi nhận thấy có xã trước đây làm tốt công tác cho vay, nhưng khi nhân sự thay đổi, hoạt động tín dụng chính sách ở nơi này lại không tốt như trước. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết điều quyết định là công tác cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo xã. Những xã không có nợ quá hạn hoặc nợ quá hạn chiếm tỉ lệ rất thấp là nhờ lãnh đạo xã quan tâm sâu sát, duyệt danh sách hộ vay rất kỹ, mỗi lần giao ban đều nhắc nhở các hội đoàn thể quan tâm đến công tác cho vay. Ngoài ra, bản thân cán bộ hội đoàn thể cũng phải tâm huyết, nếu không thì không thể làm tốt việc quản lý vốn ủy thác và tất yếu, hoạt động tín dụng chính sách ở nơi đó sẽ bị “hổng chân”.
LÊ HẢO (ghi)