Thứ Ba, 19/11/2024 07:47 SA
Chi trả dịch vụ môi trường rừng:
Góp phần nâng cao nhận thức của người dân ở địa phương có rừng
Thứ Ba, 16/08/2016 10:00 SA

Đoàn giám sát của tỉnh kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu rừng đặc dụng Krông Trai (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: ANH NGỌC

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được triển khai tại các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh từ cách đây 4 năm. Chính sách này đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

 

Chính sách bảo vệ rừng

 

Chính sách chi trả DVMTR đang được triển khai tại hầu hết các địa phương có rừng ở nước ta. Tại Phú Yên, chính sách này được thực hiện từ cuối năm 2012 nhằm bảo vệ những cánh rừng trong lưu vực các con sông, giúp cải thiện nguồn nước phục vụ sản xuất thủy điện, cung ứng nguồn nước sinh hoạt và phục vụ cảnh quan môi trường sinh thái. Bên cung ứng DVMTR là các chủ rừng (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình…) được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng sẽ nhận tiền do bên sử dụng dịch vụ chi trả. Bên sử dụng DVMTR là các cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất cung ứng nước sạch, kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ DVMTR… Theo Sở NN-PTNT, hiện tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc lưu vực có cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh là hơn 110.470ha; trong đó, diện tích có rừng khoảng 52.465ha (chiếm khoảng 32% tổng diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh).

 

Ông Nguyễn Đồng Thự, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, cho biết: “Theo quy định, các cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả 20 đồng/kWh điện thương phẩm, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả 40 đồng/m3 nước thương phẩm và chủ dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ DVMTR phải chi trả 1-2% tổng doanh thu. Đến nay, tổng thu tiền DVMTR ở Phú Yên hơn 22,5 tỉ đồng, trong đó thu từ các nhà máy thủy điện (Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, Công ty CP Sông Ba, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Công ty CP VRG Phú Yên) gần 20,8 tỉ đồng, còn lại là nguồn thu từ cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch (Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên) hơn 1,7 tỉ đồng. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Phú Yên phải chi trả cho chủ rừng và các tổ chức không phải là chủ rừng hơn 19,1 tỉ đồng. Mặc dù tiền chi trả DVMTR ở Phú Yên còn thấp, khoảng 95.000 đồng/ha/năm, nhưng đã khuyến khích chủ rừng tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng”.

 

Tiếp tục nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng

 

Ông Phạm Đình Phúc, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, cho biết: “Tổng diện tích do ban quản lý hơn 19.630ha, diện tích có rừng hơn 18.410ha, trong đó diện tích cung ứng DVMTR hơn 13.780ha. Hàng năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh đều ký cam kết cung ứng DVMTR về quản lý, bảo vệ diện tích rừng trong lưu vực thuộc các xã Ea Trol, Sông Hinh, Ea Bar (huyện Sông Hinh). Từ năm 2014 đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã chi trả DVMTR cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh gần 5 tỉ đồng. Nhờ đó hàng năm, đơn vị triển khai lực lượng bảo vệ rừng, đồng thời ký hợp đồng với hộ nhận khoán bảo vệ rừng và tăng cường trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời người dân vào rừng khai thác gỗ, phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng trái phép”.

 

Ông Lê Trọng Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, cho biết: “Hiện địa phương quản lý khoảng 3.250ha rừng và cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ dân ở 6/8 thôn, buôn của xã trông coi, bảo vệ. Chính sách chi trả DVMTR đã tạo điều kiện cho người dân ở vùng đặc biệt khó khăn nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con. Từ khi Nhà nước thực hiện chính sách chi trả DVMTR đến nay, ý thức bảo vệ rừng của người dân rất cao. Ngoài bảo vệ rừng, người dân còn tham gia tố giác những hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giữ các loại lâm đặc sản, săn bắt các loại động vật rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng, đốt rừng làm rẫy trái phép trong lâm phần được giao”.

 

Còn theo ông Trương Hiếu Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai (huyện Sơn Hòa), thực trạng phá rừng trái pháp luật diễn ra ngày càng phức tạp, gây nhiều khó khăn cho đơn vị. Hiện nay, do giá mặt hàng nông sản (sắn, mía) tăng cao, một bộ phận dân cư trong vùng và nơi khác đến khai phá, chuyển nhượng đất trái phép trong rừng đặc dụng Krông Trai để trồng sắn, mía. Để ngăn chặn tình trạng này, Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai đã phối hợp với UBND các xã Ea Chà Rang, Krông Pa, Suối Trai, Sơn Phước, Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) và các ngành chức năng tổ chức cưỡng chế phá bỏ hoa màu, cây trồng trên diện tích phá rừng trái phép. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần xây dựng quy ước bảo vệ rừng tại các địa phương, gắn kết giữa quyền hưởng lợi với trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó giúp người dân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của họ trong quản lý, bảo vệ rừng…

 

Đến nay, các cơ sở sản xuất thủy điện, nước sạch đã chấp hành nghiêm việc kê khai, nộp tiền ủy thác DVMTR. Việc thực hiện chính sách này trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả cả về kinh tế, môi trường và hiệu ứng xã hội, đặc biệt là công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng cao. Những khu vực có người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR thì tình trạng xâm hại rừng có giảm, môi trường rừng được bảo vệ tốt hơn, góp phần nâng tỉ lệ che phủ rừng, giữ vững hệ sinh thái rừng đầu nguồn…

 

Ông Mai Tấn Lên, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Phú Yên

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek