Qua phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, nhiều hội viên, nông dân ở huyện Đồng Xuân đã có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo. Nhiều người trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Hỗ trợ vốn, kỹ thuật
Qua phát động phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đến nay toàn huyện Đồng Xuân có 7.790 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG 4 cấp, trong đó có 23 hộ đạt cấp Trung ương, 210 hộ đạt cấp tỉnh, 1.404 hộ đạt cấp huyện, còn lại cấp cơ sở. |
Để phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững phát triển mạnh, trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp Hội Nông dân ở Đồng Xuân đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai tốt công tác khuyến nông, lâm ngư với nhiều hình thức phong phú như hội thảo đầu bờ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, trình diễn mô hình mẫu, có chính sách hỗ trợ cây, con, giống mới để phục vụ sản xuất. Đồng thời, các cấp Hội còn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất giống sắn mới; kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi heo và thụ tinh nhân tạo cho bò; kỹ thuật trồng cỏ giống VA06; kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao, trồng mía thâm canh có tưới nước; kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp, nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật nuôi ong lấy mật… cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trong toàn huyện. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn hướng dẫn hội viên, nông dân về sạ hàng, sạ thưa, thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng” và xây dựng các mô hình trình diễn giống lúa lai F1, năng suất 85 tạ/ha; mô hình đậu phộng xen sắn; mô hình nuôi heo thịt và nuôi heo rừng lai… Nhờ vậy, đã giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện ở địa phương, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình. Tiêu biểu như mô hình cánh đồng mẫu và sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 30ha tại xã Xuân Quang 3, Xuân Sơn Bắc và thị trấn La Hai; mô hình sản xuất lúa giống cấp siêu nguyên chủng và nguyên chủng tại xã Xuân Quang 2; mô hình nuôi heo thịt, quy mô 1.200-2.000 con/trang trại/2 lứa/năm ở Đa Lộc và Xuân Quang 1; mô hình luân canh cây trồng giữa cây sắn, đậu phộng, bắp tại xã Xuân Quang 2 và Xuân Quang 3… đều đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Song song đó, các cấp Hội còn làm cầu nối cho hàng ngàn hội viên nông dân với hai Ngân hàng NN-PTNT và Chính sách xã hội huyện tiếp cận các nguồn vốn vay để có điều kiện đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Tính ở xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) cho biết: “Gia đình tôi có một mẫu đất trước đây trồng sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi Hội Nông dân huyện và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF-SGP) triển khai dự án Chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững cho cộng đồng ở vùng đất dốc và đất ngập lụt ven sông Kỳ Lộ với các mô hình đậu phộng xen xắn và mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò, tôi đã làm theo và cho thu nhập gấp đôi so với trước đây. Nhờ đó, đời sống đỡ vất vả hơn trước rất nhiều”.
Hiệu quả thiết thực từ phong trào
Qua 2 năm phát động phong trào, đến nay, các cấp Hội đã giới thiệu và giải quyết việc làm mới cho 6.662 lao động nông thôn. Đồng thời tạo điều kiện cho hàng trăm hội viên, nông dân có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành nông dân SXKDG các cấp. Hộ ông So Minh Hải ở thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1 là một điển hình. Hơn 5 năm trước, nhà ông Hải thuộc diện khó khăn của địa phương. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, ông tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư làm ăn, nhờ đó đến nay gia đình không chỉ thoát nghèo mà trở thành nông dân SXKDG của huyện. Ông Hải cho biết: “Năm 2010, thông qua Hội Nông dân xã, tôi tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được 30 triệu đồng để đầu tư trồng keo, nuôi bò, sắn. Đến nay, mỗi năm, vợ chồng tôi thu nhập trên 200 triệu đồng, hiện đời sống không còn vất vả như trước”. Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Đa Lộc cũng từ một nông dân nghèo với hai bàn tay trắng, nhưng với ý chí và nghị lực của một người lính Cụ Hồ, ông quyết tâm làm ăn thoát nghèo. Từ việc khai hoang đất trồng sắn, mía, đến nay ông sở hữu 30ha keo lá tràm và xây dựng được một trang trại nuôi heo với quy mô 1.600 con/2 lứa/năm. Ông Hùng cho biết: Nếu không nhờ Hội Nông dân mở lớp tập huấn về nuôi heo thì bây giờ tôi cũng chưa chắc có “tay nghề” để mở trang trại heo như vậy. Mỗi năm từ thu hoạch keo và nuôi heo, sau khi trừ chi phí, vợ chồng tôi kiếm được 300 triệu đồng”.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân Huỳnh Văn Xuân cho biết: “Sắp tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Để phong trào mang lại hiệu quả hơn nữa, chúng tôi sẽ đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay, góp phần giúp hội viên, nông dân có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững”.
HIẾU TRUNG