Với mô hình nuôi heo kết hợp với trồng hoa tết và cây ăn trái bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1959) ở khu phố Ninh Tịnh 4, phường 9, TP Tuy Hòa có được nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm, trở thành hộ sản xuất giỏi của địa phương.
Bà Hạnh cho biết: Tôi khởi nghiệp nuôi heo sau khi lập gia đình được vài năm. Hồi đó, ông nhà tôi là cán bộ thú y của địa phương, có sẵn kiến thức, kinh nghiệm nên tôi mạnh dạn đầu tư xây chuồng nuôi. Ban đầu, tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau khi làm công tác kế toán tại HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp 2 phường 9, tôi nuôi thêm vài con heo thịt để tăng gia sản xuất, kiếm ít tiền nuôi con. Sau một thời gian nuôi heo, thấy nghề này cho thu nhập rất khá, đến năm 1993, tôi mạnh dạn mở rộng quy mô và đầu tư nuôi thêm heo sinh sản. Thời điểm đó, trong chuồng nuôi lúc nào tôi cũng duy trì 5 con heo nái sinh sản. Đồng thời, số heo con đẻ được tôi giữ hết lại để nuôi thịt. Bình quân đàn heo thịt trong chuồng luôn có từ 25-30 con/lứa.
Để giảm chi phí, bà Hạnh không nuôi heo bằng thức ăn tổng hợp ròng mà bỏ công đi thu gom thức ăn thừa ở các hàng quán, khu dân cư về trộn chung với cám gạo và ít thức ăn tổng hợp nấu cháo nuôi heo. Cách làm này tuy mất thời gian và nhọc công nhưng đổi lại chi phí thức ăn cho heo giảm hơn 2/3 so với nuôi heo bằng cám ròng, nhờ vậy lợi nhuận thu được từ nuôi heo tăng cao. Bà Hạnh chia sẻ: Vì chồng tôi có kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi, thú y nên biết cách chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh cho đàn heo. Nhờ vậy, heo rất hiếm khi bị dịch bệnh. Hầu như lứa nuôi nào tôi cũng có lãi, nếu gặp lúc heo được giá thì thắng đậm. Còn khi heo mất giá, với cách nuôi tiết giảm chi phí này, tôi vẫn thu đủ vốn để duy trì nghề.
Với kinh nghiệm gần 30 năm nuôi heo, bà Hạnh cho rằng để nuôi heo đạt hiệu quả cao, người nuôi phải chủ động được con giống, tiết kiệm chi phí thức ăn, tiêm vắc xin đầy đủ để phòng dịch và đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi giúp bảo vệ môi trường khu vực nuôi luôn sạch sẽ để hạn chế mầm bệnh phát sinh gây hại. Hiện nay, khi đã bước qua tuổi ngũ tuần và các con đã lớn, bà Hạnh giảm đàn heo, mỗi năm bà chỉ nuôi 40 con heo thịt cho lãi khoảng 40 triệu đồng.
Để có thêm nguồn thu, bà Hạnh cải tạo 1.000m2 đất vườn của gia đình để trồng cây. Bà Hạnh nói: Thấy thị trường rất ưa chuộng loại ớt xiêm, loại ớt này lúc nào cũng có giá cao nên tôi tìm mua ớt giống về trồng và nhân giống dần. Đến nay, vườn ớt gia đình tôi đã có 100 gốc. Bình quân, mỗi gốc cho thu hoạch 1kg, bán với giá từ 40.000-100.000 đồng/kg (tùy vào thị trường). Ngoài trồng ớt, tôi còn trồng một số loại cây ăn trái như chanh, xoài, mít… So với các loại cây trồng khác thì trồng cây ăn quả cho thu nhập không bằng nhưng đổi lại chi phí đầu tư thấp, lại không tốn nhiều công nên phù hợp với điều kiện của tôi. Bình quân, từ trồng trọt, mỗi năm tôi cũng thu được 40 triệu đồng.
Chưa dừng lại, thấy nhiều hộ dân ở địa phương trồng hoa tết, bà Hạnh cũng lân la học hỏi kinh nghiệm. Sau khi tìm hiểu, được nhiều người hướng dẫn, bà nhận thấy trồng hoa cúc tết là dễ nhất, lại không mất nhiều thời gian chăm sóc như trồng mai và quất. Theo bà Hạnh, mỗi năm vào khoảng tháng 8 âm lịch, bà bắt đầu các công việc chuẩn bị cho mùa hoa mới như ủ đất, vô chậu, xuống giống… sau 4 tháng chăm sóc là bán tết. Bình quân, mỗi mùa hoa bà chỉ trồng 200 chậu cúc, thu lãi 30 triệu đồng. Tính ra, từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, mỗi năm bà Hạnh thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân phường 9 Nguyễn Đồng Ghi nhận xét: Với bản tính chịu khó học hỏi, năng động trong sản xuất, bà Nguyễn Thị Hạnh đã xây dựng được mô hình chăn nuôi heo kết hợp với trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ vậy, bà Hạnh còn là người rất nhiệt tình hướng dẫn cho những hộ khác cách chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh và cho lợi nhuận cao.
SƠN CA