Mặc dù đẩy mạnh công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đông Hòa vẫn không thu hút được học viên theo học, nhất là nghề nông nghiệp. Nhiều thiết bị trị giá hàng tỉ đồng được đầu tư, nhưng chưa một lần được sử dụng, phải “đắp chiếu” trong thời gian dài.
Năm 2016, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện Đông Hòa đào tạo nghề cho 250 lao động nông thôn, trong đó 100 lao động học nghề nông nghiệp và 150 lao động học nghề phi nông nghiệp, với kinh phí 350 triệu đồng. Trong khi đó, UBND huyện Đông Hòa phấn đấu với mục tiêu cao hơn là trong năm nay đào tạo nghề cho 350 lao động nông thôn, trong đó 150 lao động học nghề nông nghiệp và 200 lao động học nghề phi nông nghiệp. Để thực hiện đạt mục tiêu này, huyện ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giao chỉ tiêu cho 10 xã, thị trấn và yêu cầu các xã, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện thực hiện. Lao động thuộc diện nghèo và cận nghèo khi học nghề được hỗ trợ 30.000 đồng/ngày trong suốt quá trình học.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Đúng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đông Hòa, đến thời điểm này, trung tâm chỉ mới đào tạo được 8 lớp nghề phi nông nghiệp cho hơn 100 lao động ở 5 xã, thị trấn. Trong số 8 lớp này, chỉ có 1 lớp may công nghiệp tại thị trấn Hòa Hiệp Trung, còn lại là kỹ thuật chế biến món ăn được tổ chức tại thị trấn Hòa Vinh (2 lớp), Hòa Tân Đông (2 lớp), Hòa Xuân Tây (2 lớp), Hòa Tâm (1 lớp). Tất cả học viên theo học các lớp này là lao động nữ.
Trong khi đó, các nghề nông nghiệp như: kỹ thuật trồng nấm và chăn nuôi chỉ có 6 lao động ở xã Hòa Xuân Đông đăng ký, kỹ thuật trồng lúa năng suất cao chỉ có 12 lao động ở xã Hòa Xuân Nam đăng ký, nên trung tâm không thể tổ chức đào tạo, vì để tổ chức một lớp học phải có tối thiểu 20 lao động tham gia. Tương tự, nghề điện dân dụng, đến nay trung tâm cũng chưa đào tạo được học viên nào, trong khi đó chỉ tiêu trong năm nay phải đào tạo cho 30 lao động. Không tuyển được lao động học nghề điện dân dụng nên các loại thiết bị máy móc trị giá gần 2 tỉ đồng mà tỉnh đã đầu tư cho trung tâm phải “đắp chiếu” nhiều tháng qua.
Ông Lê Văn Huy ở xã Hòa Tân Đông cho rằng, dù máy móc thiết bị phục vụ đào tạo nghề điện dân dụng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đông Hòa được đầu tư hiện đại, nhưng qua tìm hiểu thì phần lớn thời gian học ở đây là lý thuyết và theo mô hình, ít thực hành nên ông không đăng ký học. “Tôi đã theo học nghề điện dân dụng tại một cơ sở ở TP Tuy Hòa được 4 tháng nay. Cơ sở có mối hàng nhiều, làm liên tục nên tay nghề mau lên, lại được chủ trả tiền công nữa, nên tôi yên tâm học”, ông Huy nói.
Lãnh đạo UBND xã Hòa Xuân Đông cho biết trong năm 2016, huyện giao chỉ tiêu cho xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đào tạo nghề cho 37 lao động. Để thực hiện đạt chỉ tiêu này, xã đã cử cán bộ vận động người lao động đăng ký học 1 trong 9 nghề mà trung tâm đang đào tạo. Tuy nhiên, công tác vận động người lao động tham gia học nghề hiện gặp rất nhiều khó khăn, do họ không mặn mà với việc học nghề tại đây.
Vận động người lao động tham gia học nghề đã khó, để giữ được sĩ số lớp học càng khó hơn. Cả huyện Đông Hòa chỉ vận động được 27 lao động học lớp may công nghiệp tại thị trấn Hòa Hiệp Trung, với thời gian đào tạo 3 tháng. Thế nhưng, đến khi lớp nghề này kết thúc thì chỉ còn 16 lao động. Lý do các lao động bỏ ngang việc học là do thu nhập của nghề này bấp bênh, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.
Dẫn tôi dạo quanh khuôn viên trung tâm, dù trong giờ hành chính nhưng không khí vắng vẻ; lối đi đến nhà xưởng học nghề điện dân dụng và nghề may công nghiệp cỏ mọc um tùm. Bên trong nhà xưởng, nhiều máy móc thiết bị phục vụ dạy nghề “đắp chiếu” thời gian dài, phủ dày lớp bụi. Ông Đúng cười buồn, nói: “Với khó khăn này, sắp tới, các loại máy móc phục vụ đào tạo nghề điện dân dụng này sẽ được chuyển giao lại cho Trường cao đẳng Nghề Phú Yên sử dụng theo chỉ đạo của cấp trên. Để được đầu tư máy móc hiện đại đã khó, giờ phải chuyển cho đơn vị khác sử dụng, chúng tôi cũng tiếc lắm, nhưng biết làm sao được. Cứ giữ lại đây thì lãng phí quá!”.
Ông Lê Tấn Sang, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết: Sắp tới, huyện sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
MINH ĐĂNG