Thứ Ba, 19/11/2024 11:34 SA
Các điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ:
Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Thứ Bảy, 13/08/2016 10:00 SA

Cán bộ kiểm soát giết mổ tại lò mổ gia súc TP Tuy Hòa - Ảnh: THỦY TIÊN

Mặc dù chưa đáp ứng được các quy định về điều kiện cơ sở vật chất nhưng thời gian qua, nhiều cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ trong tỉnh vẫn ngang nhiên hoạt động trong điều kiện vệ sinh thú y kém, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức cao.

 

Nhiều tồn tại

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đơn vị này đã tổ chức kiểm tra, đánh giá và xếp loại các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh. Bình quân, mỗi cơ sở vi phạm trên 20 chỉ tiêu và 218 cơ sở giết mổ đang hoạt động chỉ đạt loại B, chưa có cơ sở giết mổ nào đạt loại A.

Hiện toàn tỉnh có 218 cơ sở giết mổ động vật, trong đó có 215 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, ở rải rác trong khu dân cư. Hoạt động giết mổ tại các cơ sở này phần lớn được tiến hành trong nhà bếp, nền giếng, chái hiên… của các chủ cơ sở. Phần lớn các điểm giết mổ này không có hệ thống xử lý nước thải, nước thải đều xả trực tiếp ra môi trường, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, lực lượng tham gia giết mổ chủ yếu là người trong gia đình nên không thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ theo quy định, không duy trì vệ sinh cá nhân trong suốt quá trình giết mổ. Chủ các cơ sở này cũng chưa chú trọng đến công tác vệ sinh tiêu độc, phần lớn được thực hiện bằng hình thức cơ giới, hiếm khi dùng hóa chất như hướng dẫn… nên không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

 

Bà Trần Thị Mười ở xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa), cho hay: “Gia đình tôi làm nghề giết mổ heo nhiều năm nay, đã được địa phương cho phép hoạt động nhưng chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh. Mỗi ngày, gia đình tôi chỉ mổ từ 1-2 con heo và được cán bộ thú y đến kiểm soát, sản phẩm thịt được lăn dấu kiểm dịch trước khi đưa đi tiêu thụ”. Qua kiểm tra, việc khám sức khỏe định kỳ cho người tham gia giết mổ, sát trùng khu vực giết mổ bằng hóa chất, xử lý chất thải, phân tách khu giết mổ… chưa được gia đình bà Mười quan tâm.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong quá trình giết mổ và vận chuyển sản phẩm động vật nếu không thực hiện theo đúng quy trình thì nguy cơ thực phẩm bị nhiễm bẩn là rất cao, đặc biệt là ô nhiễm salmonella (một loại vi sinh vật có thể gây ngộ độc cho người). Để ngăn ngừa điều này, ngành đã hướng dẫn các cơ sở giết mổ phải tuân thủ những quy định như làm vách ngăn cách giữa khu sạch và khu bẩn, thứ tự giết mổ động vật phải được lưu thông một chiều từ khu bẩn đến khu sạch, khu làm lòng phải nằm tách biệt. Động vật phải được giết mổ trên bệ (cách sàn 30cm), các nơi tiếp xúc với thịt phải được làm sạch định kỳ 30 phút/lần. Gia súc phải được lưu trước khi giết mổ 6 giờ và tắm trước khi mổ. Thân thịt phải được rửa bằng vòi phun áp lực, phương tiện và vật dụng vận chuyển thịt phải kín và được vệ sinh trước và sau khi sử dụng...

 

Ông Trần Văn Quang, Chánh thanh tra Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Hiện nay, việc giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh chủ yếu do các điểm giết mổ nhỏ lẻ thực hiện. Các điểm giết mổ này đầu tư rất thô sơ, các khu giết mổ, làm lòng chưa được phân tách. Động vật chủ yếu được giết mổ dưới nền sàn có nước và chất thải của động vật; sản phẩm thịt sau giết mổ chủ yếu được đựng trong các giỏ và vận chuyển bằng xe máy nên chưa đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

 

Cần được đầu tư

 

Hiện toàn tỉnh chỉ xây dựng được 2 cơ sở giết mổ tập trung tại TP Tuy Hòa và huyện Sông Hinh. 2 cơ sở này cơ bản đáp ứng được nhu cầu giết mổ gia súc cho TP Tuy Hòa và thị trấn Hai Riêng. Các địa phương khác chưa có lò mổ tập trung, nên người dân phải hoạt động tạm bợ tại nhà, trong khi chờ Nhà nước đầu tư. Đây là khó khăn lớn nhất hiện nay trong quản lý của ngành Thú y và các địa phương.

 

Ngoài ra, hoạt động kiểm soát giết mổ gia súc tại các điểm nhỏ lẻ đang được chi cục hợp đồng với 70 kiểm soát viên, là những người hành nghề thú y tự do hoặc cán bộ thú y xã. Bình quân, mỗi kiểm soát viên phải phụ trách kiểm soát 3 điểm giết mổ, trong khi các điểm này nằm cách xa nhau, thời điểm giết mổ lại thường diễn ra cùng vào ban đêm nên không có đủ thời gian để kiểm soát đầy đủ các quy trình trước, trong và sau khi giết mổ.

 

Ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Để khắc phục triệt để những tồn tại của hoạt động giết mổ động vật, tỉnh phải đầu tư xây dựng hệ thống các khu giết mổ tập trung trên tất cả các huyện, thị, thành phố. Qua đó giúp kiểm soát được tất cả số gia súc được giết mổ và tiêu thụ, góp phần ngăn chặn dịch bệnh, cung cấp sản phẩm động vật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Chi cục cũng kiến nghị UBND tỉnh sớm thực hiện đề án Quy hoạch các vùng chăn nuôi và các khu vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, UBND tỉnh cần có cơ chế phù hợp để hỗ trợ, thu hút các tổ chức, cá nhân xây dựng lò giết mổ động vật tập trung.

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek